ĐBQH lo ngại nguy cơ 'độc quyền giá thuốc' trên thị trường

Sáng 22/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, bày tỏ băn khoăn về dự thảo quy định tại Điều 2 của Dự thảo nêu khái niệm về "giá bán buôn thuốc dự kiến".

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định. "Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường. Ví dụ trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình, đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao"- bà Hà nêu lo ngại.

Dự thảo quy định tại Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn, đại biểu Trần Thị Nhị Hà bày tỏ băn khoăn: vậy đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?. Bà Hà cho rằng, khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc.

Dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc. Theo bà Hà, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn tỉnh thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ rất khác nhau.

Hơn nữa, với với một số tỉnh, thành phố có quy mô lớn như Hà Nội gần 10.000 cơ sở bán lẻ và gần 1.500 cơ sở bán buôn. Quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược. Trong khi đó thì ngay từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông của các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định về chuẩn dữ liệu đầu ra, trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa, mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường theo quy định tại Luật giá.

Từ những phân tích nêu trên, bà Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc. Vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.

Nhấn mạnh thuốc là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, cử tri mong muốn giá thuốc cũng phải quản lý rất đặc thù theo quy định của luật chuyên ngành, tuy nhiên, theo bà Trần Thị Nhị Hà, các biện pháp quản lý giá thuốc được nêu trong dự thảo luật lần này hầu hết lại quy định tuân thủ theo Luật Giá. Do đó, bà Hà đề nghị ban soạn thảo cần có quy định việc công bố giá, kê khai giá phù hợp hơn với thực tiễn và có tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dbqh-lo-ngai-nguy-co-doc-quyen-gia-thuoc-tren-thi-truong-274542.htm