Bài học lớn từ Cách mạng tháng Tám

Thực tế lịch sử của nhân loại đã chứng minh, vận hội lớn đối với một quốc gia, dân tộc phải là sự kết hợp giữa nhân tố trong nước và nhân tố thời đại. Vào thời điểm giữa tháng 8-1945, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 đang tiến dần đến điểm kết thúc. Khi ấy, thực dân Pháp đã dâng nước ta cho phát-xít Nhật và tiếp đó, Nhật lại trở thành kẻ chiến bại và đang chờ quân đồng minh vào giải giáp vũ khí ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung. Thời cơ cách mạng đang mở ra con đường giải phóng của các dân tộc, Đảng ta khi ấy đứng trước một cơ hội lịch sử ngàn năm có một, giờ phút có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước.

Bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, tư duy chính trị sáng tạo, tầm nhìn chiến lược vượt thời đại, nắm bắt thời cuộc kịp thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhóm họp ngay tại Tân Trào để quyết định tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngay sau cuộc họp, “Mệnh lệnh khởi nghĩa” đã được phát ra. Cùng với bản quân lệnh này là thư kêu gọi tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhanh chóng truyền đi khắp các vùng trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược… tất cả đều quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền. Mệnh lệnh khởi nghĩa và lời hiệu triệu cứu nước là tiếng gọi của non sông thức tỉnh con tim mỗi người Việt Nam yêu nước hãy nhất tề đứng dậy tranh đấu giành quyền độc lập - tự do.

Bản Quân lệnh số 1 nêu rõ: Hỡi quân, dân toàn quốc! 12 giờ trưa ngày 13-8-1945, phát-xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận… Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành quyền độc lập của nước nhà! …Hỡi các tướng sĩ và đội viên Quân giải phóng Việt Nam! Đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến! Hỡi nhân dân toàn quốc!… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!

Thực hiện bản Quân lệnh số 1 và hưởng ứng lời kêu gọi tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sáng sớm 14-8-1945, tổng khởi nghĩa đã diễn ra tại các vùng nông thôn ở đồng bằng miền Bắc, miền Trung và một phần miền Nam, gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam…

Ngày 19-8: Cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã giành được thắng lợi rực rỡ ở thủ đô Hà Nội. Và cùng ngày 19, nhân dân các tỉnh Yên Bái, Thái Bình, Phú Yên, Thanh Hóa, Khánh Hòa nổi dậy giành chính quyền.

Từ ngày 19 đến 22-8: Cuộc tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi ở các thị xã: Yên Bái, Thái Bình, Phúc Yên, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Hưng Yên, Kiến An, Quảng Yên.

Ngày 23-8: Khởi nghĩa ở Huế thắng lợi. Vua Bảo Đại thoái vị, nộp ấn, kiếm cho cách mạng, xóa bỏ chế độ phong kiến ở Việt Nam.

Từ ngày 23 đến 25-8: Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở thành phố Hải Phòng và các thị xã: Hà Đông, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Lân Viên, Gia Rai, Tân An, Bạc Liêu, Hà Nam, Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Thuận, Gò Công, Mỹ Tho, Lạng Sơn, Phú Thọ.

Ngày 25-8: Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn thắng lợi đã có ý nghĩa quyết định đối với các cuộc khởi nghĩa ở Nam bộ.

Từ 25 đến 28-8: Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở các tỉnh: Quảng Ngãi, Gia Định, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tây Ninh, Biên Hòa, Đồng Nai Thượng.

Ngày 30-8-1945, tại Huế, Chính phủ cách mạng lâm thời đã tiếp nhận sự thoái vị của nhà vua. Đây cũng là việc các lực lượng cách mạng đã nhanh chóng chớp thời cơ, tranh thủ thời cơ và vận dụng đúng thời cơ. Và việc vua Bảo Đại thoái vị đã đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền phong kiến. Đặc biệt, với sự kiện này đã triệt tiêu một đầu mối quan trọng mà các thế lực thực dân, đế quốc, phản động muốn duy trì, sử dụng để mưu toan chống phá chính quyền cách mạng, nhằm thực hiện mưu đồ đặt lại ách thống trị trên đất nước ta.

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trong cuộc mít tinh của gần 1 triệu người dân thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời đã trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới về sự kiện trọng đại: Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, ra đời.

Cuộc cách mạng tháng Tám chỉ diễn ra vẻn vẹn trong hai tuần lễ và là cuộc cách mạng ít đổ máu nhất trong lịch sử thế giới thời kỳ cận hiện đại. Cách mạng tháng Tám đã thực hiện đúng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đưa nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, tầm vóc và ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 mãi mãi trường tồn và luôn luôn đồng hành mỗi bước phát triển của dân tộc Việt Nam. Và từ bài học to lớn của Cách mạng tháng Tám đã cho chúng ta thấy rõ việc nắm bắt cơ hội, vượt qua mọi thách thức, đi trước đón đầu… để phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng và nhân dân ta.

Bài học to lớn từ Cách mạng tháng Tám đã và đang được Đảng, Nhà nước cùng toàn dân, toàn quân phát huy cao độ để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hôm nay. Đặc biệt, bài học này đang được vận dụng một cách sáng tạo, với tinh thần quyết liệt nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất về ý chí và hành động trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19.

Nhật Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/126266/bai-hoc-lon-tu-cach-mang-thang-tam