Bài học từ metro Bến Thành - Suối Tiên

Bến Thành – Suối Tiên chỉ là một đoạn ngắn khoảng 20km trong một đô thị lớn, chưa thể nào giải quyết căn cơ vấn đề vận chuyển hành khách công cộng. Nhưng từ dự án này, nhiều bài học chắc chắn được rút ra.

Vậy là sau 17 năm đằng đẵng, sáng 22/12, đoàn tàu metro Bến Thành – Suối Tiên ở TP.HCM đã chính thức lăn bánh. Hàng ngàn người dân chen chúc xếp hàng từ sáng sớm đợi lên tàu đủ nói lên mong mỏi của họ bao nhiêu năm nay.

Người dân TP.HCM chen chúc trải nghiệm chuyến metro đầu tiên trong ngày 22/12.

Người dân TP.HCM chen chúc trải nghiệm chuyến metro đầu tiên trong ngày 22/12.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế là Bến Thành – Suối Tiên chỉ là một đoạn ngắn khoảng 20km trong một đô thị có trên 4.000km đường giao thông, nó chưa thể nào giải quyết căn cơ vấn đề vận chuyển hành khách công cộng cho thành phố.

Nhưng từ việc triển khai dự án này, chắc chắn chính quyền, cơ quan chức năng đã rút được ra những bài học quan trọng để làm kinh nghiệm khi làm các tuyến tiếp theo.

Có thể thấy, trong suốt 17 năm thực hiện dự án metro số 1, đã có nhiều vấn đề phát sinh như giải phóng mặt bằng, di dời các chướng ngại vật ngầm dưới lòng đất, thay đổi về thông số kỹ thuật dựa trên điều kiện thực tế tại công trường, các quy trình thủ tục về hợp đồng...

Tất cả những kinh nghiệm này là những bài học quý giá cho tương lai. Trong đó, đáng chú ý là phải chuẩn bị mặt bằng sạch, đầy đủ pháp lý, hợp đồng thật chuẩn, sự tự chủ...

Đặc biệt là sự chuẩn bị nguồn nhân lực để vận hành dự án, tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Trong trường hợp này, phía Nhật Bản đã rất tận tâm chuyển giao công nghệ xây dựng và vận hành metro, giúp ta đào tạo nhân lực kỹ thuật để có thể tự chủ về xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững. Điều này rất có ý nghĩa khi Việt Nam tiếp tục triển khai các tuyến metro khác.

Một bài học khác đang hình thành, đó là việc phát triển mô hình TOD (Transit Oriented Development – Mô hình phát triển đô thị lấy hạ tầng giao thông công cộng làm trung tâm) dọc theo các nhà ga metro. Điều này không chỉ giúp người dân đô thị thay đổi thói quen hạn chế xe cá nhân để đi xe công cộng, giảm áp lực lên hạ tầng đô thị mà còn tạo ra những đô thị mới làm động lực phát triển.

Tuy nhiên, cho tới nay trên dọc tuyến metro số 1, TOD mới chỉ là ý tưởng. Sự kết nối của các nhà ga vào các tuyến buýt mới chỉ ở mức tối thiểu về chức năng vận chuyển. Muốn phát triển TOD hẳn còn một bước dài.

Hay muốn thay đổi thói quen đi lại của người dân, chỉ metro thôi chưa đủ. Cùng với hạ tầng mới, thì chính quyền còn phải có chương trình truyền thông bền bỉ, khuyến khích người dân giảm xe cá nhân, dùng phương tiện công cộng. Kèm theo đó là tạo sự tiện lợi ở các ga – nhất là ga ngoại thành – cho hành khách có thể gửi xe hơi, xe máy với giá phải chăng để lên metro, lên xe buýt vào nội thành…

Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy các quốc gia phát triển đều có hạ tầng giao thông tốt và ý thức xã hội của công dân cao, họ chọn giao thông công cộng để giảm áp lực cho hạ tầng xã hội, để bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên.

Chúng ta chưa được như vậy nhưng hoàn toàn có thể, khi vừa tích lũy để đầu tư cải thiện hạ tầng, vừa có chính sách truyền thông thay đổi nhận thức để người dân ủng hộ, lựa chọn giao thông công cộng.

Đặng Đại

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bai-hoc-tu-metro-ben-thanh-suoi-tien-192241222162618146.htm