Bài học về gương sáng Bác Hồ trong công tác giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng

Thời gian gần đây, vấn đề 'bạo lực học đường' đang là sự quan tâm lo lắng trong toàn xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc nhìn nhận và điều chỉnh lại chương trình dạy và học, đặc biệt là giáo dục về lịch sử, đạo đức ngoài cung cấp những kiến thức khoa học chuyên môn.

Đồng thời, phải định hướng cho các em về cách ứng xử tình huống và kỹ năng sống trong thời đại công nghệ 4.0, để khi tiếp thu những kiến thức tinh hoa của nhân loại mà vẫn tránh được những “luồng gió độc” làm mất đi những giá trị đạo đức văn hóa truyền thống tốt đẹp đã từng được hun đúc từ hàng ngàn năm của dân tộc, hệ lụy đến cả thế hệ tương lai của đất nước.

Với khuôn khổ bài viết này tôi chỉ muốn chia sẻ đôi điều suy nghĩ về gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là bài học trong công tác giáo dục cho học sinh ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng.

Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta đã rất quan tâm tới các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trong trái tim Người luôn dành một tình cảm yêu thương vô bờ bến cho các cháu và coi đây là một đối tượng cần được nâng niu chăm chút hơn bao giờ hết: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan…”.

Trong lá thư rất cảm động gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, khi đất nước mới giành được độc lập, Bác đã gửi gắm tình yêu thương và sự tin tưởng, khích lệ động viên các cháu: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Ngược dòng lịch sử trở về những năm đầu thể kỷ XX, trước khi Người ra nước ngoài đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã từng là một thầy giáo dạy học ở Trường Dục Thanh tại Phan Thiết. Trường Dục Thanh được xây dựng vào năm 1907 do hai ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quốc Anh là con trai của Nguyễn Thông - một nhà nho yêu nước nổi tiếng với những hoạt động xã hội ở Việt Nam vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Trường được thành lập nhằm mục đích giáo dục thanh thiếu niên nên mới có tên gọi là Dục Thanh.

Chương trình giảng dạy của trường nhằm dạy chữ Quốc ngữ là chính, ngoài ra còn dạy chữ Hán Nôm, chữ Pháp và thể dục thể thao. Thông qua các môn học, nhà trường giáo dục cho học sinh về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Vì vậy, Trường Dục Thanh được đánh giá là một trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ thời bấy giờ.

Vào một ngày mùa thu tháng 9/1910, được sự giới thiệu của cụ nghè Trương Gia Mỗ, bạn đồng môn của cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Bác đã đến dạy học ở Trường Dục Thanh. Lúc này Nguyễn Tất Thành mới 20 tuổi, là thầy giáo trẻ nhất của Trường Dục Thanh nhưng thầy Thành đã sớm có tư tưởng và phương pháp giảng dạy rất mới mẻ, tiến bộ.

Bằng trách nhiệm của người thầy giáo với tất cả tấm lòng yêu nước, yêu thương con trẻ, thông qua những môn học mà mình phụ trách thầy đã có những sáng tạo phong phú truyền đạt nhằm giúp cho học trò hiểu bài một cách nhanh nhất.

Tư tưởng và phương pháp giảng dạy của thầy giáo Nguyễn Tất Thành được thể hiện ở bản thân thầy là một tấm gương không chỉ về kiến thức sâu rộng mà là một con người biết sống vì mọi người, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, nhân ái cho học trò noi theo.

Theo Người, giảng dạy không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà điều quan trọng là thông qua đó người thầy phải thể hiện được sự quan tâm, lòng thương yêu sâu sắc đối với học sinh và phải là tấm gương sáng cho các em noi theo. Chính vì vậy, khi lên lớp thầy giảng rất nhiệt tình, những bài khó bao giờ cũng giảng chậm, kỹ rồi lấy ví dụ rất dí dỏm gắn liền với thực tế để các trò mau hiểu bài. Khi các trò phạm lỗi, thầy chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo rồi cho về chỗ để các trò bình tĩnh ôn lại bài.

Đặc biệt, thầy cũng rất công bằng trong việc chấm điểm, cho điểm. Không bao giờ dùng điểm để phạt học trò. Trường hợp trò chưa thuộc bài, thầy yêu cầu học lại cho đến khi thuộc mới thôi, sau đó mới tiến hành cho điểm nhưng chắc chắn sẽ thấp hơn so với những trò thuộc bài lần đầu.

Tôn trọng nhân cách học trò là một trong những điều mà thầy Thành đặc biệt chú ý quan tâm. Người đã từng tâm sự với các đồng nghiệp trong trường: “Các em còn nhỏ làm sao không phạm lỗi, ta phải thương yêu dạy bảo các em chứ đừng làm cho các em sợ. Học trò là những con người còn nhỏ tuổi, nhưng đã làm người thì cần phải trân trọng”(1).

Thầy luôn dùng tình cảm của người anh, người thầy đi trước để giáo dục các em và đánh giá đúng năng lực của từng học sinh và hướng các em tới những tri thức mới. Lấy việc tự học làm cốt lõi và thầy thường tổ chức ngoại khóa, dẫn học sinh tham quan thắng cảnh hoặc di tích lịch sử, kể chuyện danh nhân, anh hùng dân tộc hay đọc các bài thơ ca yêu nước cho học trò nghe nhằm giáo dục tư tưởng, lòng yêu nước cho học sinh.

Những buổi học ngoại khóa đã rất thú vị và bổ ích, góp phần mở mang kiến thức và hiểu biết thêm về thực tế cuộc sống, giáo dục tư tưởng, lòng yêu nước cho học sinh. Tuy dạy học ở Trường Dục Thanh trong thời gian ngắn (9/1910 - 6/1911) nhưng tư tưởng yêu nước và phương pháp giáo dục khoa học, tiến bộ của Người đã góp phần giúp cho Trường Dục Thanh đạt được mục đích mà nhà trường đã đề ra (2).

Đã hơn một thế kỷ qua nhưng bài học và những phương pháp dạy và học của Người trong giáo dục học sinh vẫn còn nguyên giá trị, mà chúng ta đặc biệt là ngành giáo dục đào tạo cần phải học tập và vận dụng trong quá trình cải cách giáo dục để làm tốt công tác giảng dạy và học tập trong các trường học.

Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin truyền thông ngày càng phát triển, thông tin cập nhật và nhanh chóng lan truyền tới mọi lúc, mọi nơi. Nhịp sống hối hả mưu sinh cũng tất bật, bận rộn hơn nên các bậc phụ huynh không có thời gian dành nhiều cho gia đình, gần gũi con cái như trước. Các con ngoài giờ học ở trường, thường tiếp xúc, tương tác trên mạng xã hội qua điện thoại thông minh, máy tính nhiều hơn.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các con sớm nắm bắt được những công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, tinh hoa của nhân loại nhưng bên cạnh đó cũng không ít sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập, mà trái tim và tâm hồn non nớt chưa đủ hiểu và cảm nhận đúng sai để tránh. Ngoài ra, còn dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lợi dụng với mục đích đen tối của chúng.

Vì vậy, Đảng và nhà nước đã và đang rất quan tâm chỉ đạo để có giải pháp điều chỉnh giải quyết những bất cập tồn tại trong công tác quản lý giáo dục và không gian mạng. Đặc biệt là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ III triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa qua nhằm mục đích chấn hưng văn hóa.

Trong thời gian tới, hy vọng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường, gia đình và xã hội sẽ giúp cho môi trường văn hóa và giáo dục lành mạnh hơn. Đồng thời, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc với truyền thống đẹp mà cha ông đã dày công vun đắp tự ngàn đời nay.

(1), (2)Bài có tham khảo nguồn tư liệu thuyết minh của các đồng nghiệp tại Khu Di tích Dục Thanh cung cấp.

ĐOÀN BÍCH NGỌ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202211/bai-hoc-ve-guong-sang-bac-ho-trong-cong-tac-giao-duc-thanh-thieu-nien-nhi-dong-3143397/