Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: Kể về thế giới mà thế hệ tương lai được kế thừa
Các em học sinh có thể tham khảo bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 năm 2024 dưới đây.
Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.
Tiếng Anh là: "At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit".
Chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024).
… Ngày… tháng… năm
Chào bạn,
Tôi hy vọng rằng khi mở bức thư này ra, bạn đang ở tâm trạng thoải mái nhất, với một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Có lẽ bạn sẽ thắc mắc rằng: "Tại sao mình lại nhận được bức thư này? Ai là người đã viết thư?...". Xin trả lời luôn nhé: Người viết bức thư này là tôi - một học sinh lớp 7 ở năm học 2023-2024. Sở dĩ tôi viết thư này do năm nay kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024), và tôi tham gia cuộc thi viết thư UPU do chủ đề lần này thực sự thu hút tôi.
Lúc viết thư này, tôi cũng có chút băn khoăn, rằng ai sẽ nhận và đọc thư của mình? Nhưng rồi tôi lại nghĩ rằng dù bạn là ai, bạn cách xa tôi bao nhiêu thế hệ, hy vọng của tôi vào thế giới bạn được kế thừa cũng không có gì khác.
Với tôi, thế giới mơ ước trong tương lai không phải là điều gì quá mơ hồ. Mà thế giới đó đã và đang được các thế hệ hiện tại, từ thế hệ của ông bà tới bố mẹ, rồi sau này là chúng tôi và con cháu, rồi các thế hệ sau đó tiếp nối để xây dựng và vun đắp.
Tôi sẽ kể lại cho bạn nghe "câu chuyện" cả thế giới chung tay xây đắp một hành tinh lý tưởng để con người sinh sống nhé. Câu chuyện này bắt đầu từ năm 1972, tại Stockholm, Thụy Điển. Khi đó, một Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường và con người đã được tổ chức từ ngày 5-16/6. Đây là hội nghị đầu tiên của Liên Hợp Quốc tập trung vào các vấn đề môi trường quốc tế.
Sau hàng loạt hội nghị thượng đỉnh và cấp cao diễn ra sau đó, từ tháng 9/2013, các quốc gia đã khởi động tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của Liên Hợp Quốc sau năm 2015, và xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững.
Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững chính thức được thông qua ngày 25/9/2015 tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc với sự tham dự của 193 nước thành viên. Chương trình có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, với mục tiêu hoàn tất công việc dang dở của Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Chương trình Nghị sự 21 không để ai bị bỏ lại phía sau.
17 mục tiêu phát triển bền vững được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu, nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. Tuy nhiên, khi nay đã là năm 2024, tôi thấy rằng mốc thời gian này khó có thể đạt được. Nhưng chắc chắn rằng chúng tôi sẽ không nản chí mà tiếp tục bền bỉ thực hiện, để tới khi bạn đọc thư này, tất cả các mục tiêu chúng tôi đặt ra đã hoàn thành.
Tức là, khi nhận lá thư này, bạn đang sống ở thế giới "trong mơ" của những người ở thế kỷ XXI chúng tôi: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Thế giới đó bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi, đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Nơi đó đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái.
Trong thế giới bạn sống, tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh được đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững cho tất cả mọi người. Ai cũng được đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả. Kinh tế đảm bảo tăng trưởng bền vững, toàn diện, liên tục. Mọi người được tạo việc làm đầy đủ, năng suất. Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới.
Ở thế giới đó bất bình đẳng trong xã hội đã giảm; Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu, đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng. Sản xuất và tiêu dùng bền vững, các quốc gia ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai. Đồng thời có sự bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và rừng, bảo tồn đa dạng sinh học... Chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người, xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp; Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.
Tôi thực sự hy vọng đó là hiện thực của bạn.
Trân trọng
Ký tên