Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 54: Khi đại dương bị đe dọa
Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 54 chính thức được khởi động. VietNamNet xin giới thiệu bài mẫu viết thư UPU với chủ đề: 'Tưởng tượng bạn là đại dương'.
Năm 2025, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề: “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một bức thư cho ai đó, giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”. Tiếng Anh là: “Imagine you are the ocean. Write a letter to someone explaining why and how they should take good care of you”.
Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 54:
Gửi những người con của đất liền,
Tôi là đại dương, “trái tim” của Trái đất, nơi kết nối hàng tỷ người dân trên khắp bề mặt “hành tinh xanh”. Trong hàng triệu năm qua, tôi giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, duy trì sự sống và cung cấp tài nguyên quý giá.
Tôi luôn là người bạn trung thành của con người và là nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái đất. Tuy nhiên giờ đây, tôi đang bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm nặng nề do chính các bạn tạo ra, đặc biệt là từ việc thải các chất thải phóng xạ.
Chất thải phóng xạ không chỉ là một thứ độc tố có thể tiêu diệt sinh vật biển mà còn tồn tại âm ỉ trong hàng thế kỷ. Những chất phóng xạ do con người thải ra từ các nhà máy điện hạt nhân, các cuộc thử nghiệm hạt nhân hay từ các sự cố hạt nhân không chỉ ảnh hưởng đến tôi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các bạn và sinh vật biển. Từ những chú cá nhỏ đến những con cá voi khổng lồ cũng có thể bị nhiễm độc, dẫn đến phá hủy chuỗi thức ăn, sụp đổ hệ sinh thái.
Chắc bạn còn nhớ sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011. Cơn sóng khổng lồ đã tràn qua các hệ thống bảo vệ, làm ngập các lò phản ứng, gây ra một thảm họa nghiêm trọng. Thảm họa đã làm tê liệt nhà máy điện, buộc hơn 160.000 cư dân phải sơ tán theo lệnh hoặc tự nguyện vì rò rỉ phóng xạ ra môi trường.
Không chỉ có Fukushima, vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine hàng chục năm về trước cũng đánh dấu một thảm kịch khủng khiếp trong lịch sử nhân loại. Những đám mây độc hại lan rộng khiến khoảng 8,4 triệu người phơi nhiễm với phóng xạ hạt nhân.
Hơn 250.000 người mắc bệnh ung thư và khoảng 100.000 trường hợp tử vong. Mặc dù sự cố xảy ra trên đất liền, nhưng lượng lớn phóng xạ đã lan rộng ra nhiều vùng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái các vùng ven bờ biển.
Quản lý chất thải phóng xạ là một trong những mặt tối của việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Giải pháp thường được các quốc gia sử dụng là đưa chúng vào các thùng chứa an toàn và thả xuống đại dương.
Chỉ riêng ở phía đông bắc Đại Tây Dương, gần 200.000 thùng 200 lít chất thải hạt nhân được thả xuống và vẫn chưa thể thu hồi. Nhiều trong số đó hiện ở tình trạng xuống cấp trầm trọng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến hệ động vật và thực vật, gây nên chuỗi thảm họa kéo dài, không thể phục hồi trong ngắn hạn.
Do đó, tôi mong con người hãy đảm bảo rằng các nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Hệ thống giám sát, xử lý và lưu trữ chất thải hạt nhân cần được cải tiến, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để chúng tác động xấu tới đại dương.
Tôi cũng mong các bạn sớm tìm ra những giải pháp xử lý chất thải phóng xạ an toàn, giúp ngăn chặn chúng tiếp cận con người và môi trường.
Với tất cả hy vọng và lòng mong mỏi, tôi mong chúng ta có thể chung sống với nhau thật bình yên.
Đại dương của bạn!