Gửi gì cho trăm năm sau?
Nếu phải gửi một tặng vật cho hậu duệ ta yêu quý sống ở trăm năm sau, bạn sẽ chọn món gì? Một viên kim cương vô giá, một kỳ thư bí quyết về con đường thành công, một bài thơ, một lời ru, một công thức vaccine căn bản đề phòng các đại dịch, một viên thuốc chữa lành chứng trầm cảm, một ghi chép về hệ sinh thái biến đổi hay một kinh nghiệm ứng phó chiến tranh hữu hiệu?
Nào ai biết ngày sau
Bạn sẽ bối rối và không biết nên chọn cái gì, một phần vì không ai lường trước được cuộc sống ở trăm năm sau sẽ như thế nào, điều bạn gửi có thực sự cần cho con người khi ấy.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_112_51428580/4c892d00174efe10a75f.jpg)
Thực ra thì nhân loại đã có bộ môn tương lai học, có các nhà dự báo ra sức tiên đoán từ bầu cử tổng thống cho đến bóng đá. Nhóm người hiếm hoi và bí hiểm này vẫn phán trước về việc ai sẽ làm tổng thống nước Mỹ, ai sẽ là chủ nhân mới của cúp bóng đá thế giới, và khó hơn cả, ai sẽ được nhận giải Nobel Văn học. Nhưng đa số là những dự đoán trật lất. Nói khác đi, thì càng về sau tỷ lệ đúng càng ít ỏi đến mức khó mà tin. Ngay cả các thuật toán của AI có khi cũng trở nên quê độ trước thực tế tiếp diễn của thế giới con người.
Khoa học càng phát triển, con người càng có vẻ tự tin trước hiện tại nhưng lại càng khó thoát khỏi chứng mù mờ về tương lai. Các nhà thần bí sẽ củng cố niềm tin rằng, tạo hóa hay một đấng thượng đế nào đó đang ném đồng xu (ông/bà ấy thật vui tính và rảnh rỗi!) để chơi khăm loài người, khiến cho cái nhân loại này bớt phách lối vì thói tự mãn và vị kỷ.
Đó cũng là một cách nghĩ giúp chúng ta trở nên gần gũi với tư duy của tổ tiên xưa. Quả thật, tổ tiên xưa cũng đã chân thành nghĩ như vậy và điều tích cực đó là họ để lại cho chúng ta một thế giới tuy hỗn loạn khó đoán nhưng những bài học luân lý thì thật ổn định: từ đối nhân xử thế phổ quát cho đến các bài giáo lý dạy con người sống thiện lành đạo hạnh, biết ứng xử phải phép với giới tự nhiên, biết lắng nghe lời hồi đáp thầm kín, bí mật của tạo hóa.
Ngày nay, lần theo tư duy liền lạc ngầm ẩn nối kết các truyền thống văn hóa, chúng ta đi về quá khứ từ nhiều hướng nhưng chung một mục đích là để thấu hiểu sự vận hành của hôm qua, lý giải điều gì kiến tạo nên hôm nay và kiếm tìm những bài học cho tương lai. Nói nôm na, dù chẳng kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào, nhưng nhìn nhận một cách phổ quát thì cách thế giới vận hành trong quá khứ luôn mang lại một số gợi mở quan thiết cho chuyến hành trình đến ngày mai.
Sử học không chỉ khai sáng nhãn quan, góp thêm bài học để tu sửa hiện tại, mà sẽ còn là lĩnh vực trọng yếu giúp con người định hình sự phát triển gắn với tri thức cốt lõi.
Tìm ánh sáng từ lịch sử
Bộ môn sử học toàn cầu từ thập niên 1980 đã thoát khỏi tháp ngà của những sự kiện đại tự sự để trở nên hấp dẫn với các khám phá đề tài “ngách” cụ thể nhưng phóng chiếu một toàn cảnh rộng lớn. Các sử gia không còn bị chi phối bởi dòng chảy lớn của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc hay vấn đề hậu thuộc địa, sự xung đột của các liên minh chính trị và quân sự hay ý thức hệ như trong quá khứ, mà dấn bước tìm kiếm một lịch sử mang tính tương liên toàn cầu, sự liên đới của các quốc gia, châu lục và cả sự chung chia số phận nhân loại.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_112_51428580/3d5845d17f9f96c1cf8e.jpg)
Những khảo sát về cách một công ty thương mại có thể chi phối vận mệnh một quốc gia như thế nào, đường đi của một con virus theo chân các thương gia gây nên cuộc hủy diệt toàn cầu ra sao, sự khác nhau của xã hội loài người và loài kiến để chỉ ra cách con người vươn lên xâm chiếm mặt địa cầu, bằng cách nào một nền dân chủ lâm vào khủng hoảng và từ đó sinh ra một nhà độc tài diệt chủng như Hitler. Cũng có khi đơn giản là muối, giấy, xe đạp, các ghi chép trong sổ tay, các loại sợi dệt hay thói quen đi bộ đã định hình thế giới, tư tưởng và văn minh nhân loại thế nào... Những câu chuyện nhỏ trong một lịch sử lớn đôi khi kéo con người hiện đại vào chuỗi thời gian sâu hơn và “nhập vai” tốt hơn trong những bối cảnh, ở đó hiểu biết về cuộc sống hôm qua không giới hạn bởi những cuộc tranh đoạt quyền lực (nơi con người thường bị lãng quên) mà con người được trả về đúng với bản chất người.
Hiểu ra bản chất nhân loại, tiến trình văn minh và động lực phát triển, lý giải được vì sao con người có thể tàn độc lại cũng đồng thời cao cả như vậy là thấu hiểu được những cuộc vận động bên dưới các sự kiện. Trong khi tri thức lịch sử trở nên “người” hơn, chúng ta cũng thoát khỏi sự trơ lạnh của những dữ liệu để đi vào quá khứ với một sự thấu đạt cao hơn thông qua những câu chuyện, vì thế mà cũng thiết thân hơn và được trao cơ hội thức tỉnh nhiều hơn.
Thế giới hôm nay được định hình từ quá khứ, lắm khi lặp lại chính quá khứ, nhiều lần, và thật nhiều lần.
Câu chuyện toàn cầu hóa sẽ không còn mới mẻ gì nữa, “thế giới phẳng” không còn là mỹ từ thời thượng và hào hứng khi chúng ta nhìn sâu vào lịch sử và phát hiện ra rằng, theo chân các thương nhân trên Con Đường Tơ Lụa và những cuộc viễn chinh, nhân loại đã có một không gian “toàn cầu hóa” từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, và có thể trước đó nữa, theo những “dạng thức” khác.
Các nguyên lý về nền cộng hòa từ triết gia Plato, triết lý khắc kỷ từ Zeno hay thuyết trị quốc của Nho gia do Khổng Tử đề xuất đã trở đi trở lại trong lịch sử theo những cách thế khác nhau, cũng như toàn cầu hóa - đã là thứ (khao khát và thực hành) nằm sâu trong bản chất thế giới ngay từ khi có xã hội loài người rồi.
Sự suy giảm hào hứng với toàn cầu hóa không phải bởi bản thân toàn cầu hóa thời chúng ta không có gì mới, mà bởi chính chúng ta đã kỳ vọng quá nhiều vào tính vững bền và viễn cảnh huy hoàng gắn với tiêu dùng, hàng hóa và tư duy kinh-tế-quyết-định bị phóng đại trong khi chúng ta chưa kịp thấm nhuần bài học chung sống với kẻ thù mới của nhận thức: quyền lực thao túng truyền thông.
Chúng ta quên rằng, cuộc sống con người, bản chất loài người không thể bị giản lược hóa trong một lớp vỏ khái niệm vô hồn và được phân tích qua bộ môn thống kê chỉ số tăng trưởng máy móc trong một cõi nhân gian thường biến.
Romeo và Juliet sẽ vượt qua cái chết?
Cái chết của cặp đôi lý tưởng Romeo và Juliet sẽ không xảy ra nếu thời đó có điện thoại thông minh. Bạn sẽ nghĩ vậy chứ gì! Nhưng ngẫm xem, ngay cả khi có điện thoại thông minh và mạng xã hội, không có nghĩa là những thanh niên yêu nhau không chấm dứt cuộc đời một cách lãng nhách. Để chứng minh, xin mời bạn tìm đọc các câu chuyện, vụ án ghen tuông, ái kỷ, hưng cảm vì yêu đương tràn ngập trên các báo.
Tấn bi kịch đến từ sự cai trị và phản nghịch dưới thời Julius Caesar và các hoàng đến cổ đại Trung Hoa vẫn có thể lặp lại trong đời sống chính trị thế giới ở kỷ nguyên này, nơi các chính khách mặc vest và phát biểu thật hùng hồn trước dân chúng, giữa những bức tường vệ sĩ mật vụ đeo kính đen trà trộn dày đặc đề phòng tầm ngắm của một kẻ bất mãn, tâm thần hay một tay phê thuốc nào đó. Dù rằng, ai cũng biết, bảo tàng chính trị nhân loại đã quá tải vì số lượng các văn bản học thuyết. Và cũng thật dễ hiểu, sự ruỗng nát giá trị sống đã có từ thời đại của ngài Tất Đạt Đa hay đức Jesus vẫn kéo dài cho đến hôm nay, nhắc nhớ rằng, không phải là sự cứu rỗi hay an lạc, mà khủng hoảng, nỗi sợ hãi mới là một điều thường hằng của nhân loại này. Cứu rỗi hay an lạc, chỉ là một khát vọng, một cuộc kiếm tìm, không hơn.
Với những gì đang có ở hiện tại, chúng ta có thể đoán được rằng nhân loại sẽ tiến xa trong khoa học, phát minh, cụ thể là tương lai sẽ được định hình bằng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Hệ sinh thái suy kiệt, đảo lộn - trả giá cho cơn say năng suất của xã hội công nghiệp. Những vấn đề nghèo đói, dịch bệnh, chiến tranh sẽ còn đeo bám thế giới khi một mặt công nghệ có khả năng sẽ mở đường cho một thứ thuyết ưu sinh mới, một mặt sẽ khiến nhóm nhân loại dễ tổn thương rơi vào trạng huống sống thừa thãi vô dụng trước sự thay thế của máy móc.
Nhưng chẳng phải thế giới đang vui vẻ, trẻ trung hơn nhờ công nghệ?! Chớ vội tin lời những người chống lại xu hướng, nhìn đâu cũng thấy nguy cơ trong khi hắn ta vẫn dành vài giờ mỗi ngày lên mạng xã hội để giữ liên lạc với gia đình, trao đổi công việc với đồng nghiệp và đối tác, thậm chí đo các chỉ số nhịp tim, theo dõi độ trồi sụt của calories lúc chạy bộ và khảo sát độ nông, sâu của giấc ngủ bằng đồng hồ sức khỏe. Hắn ta còn nghe nhạc, xem phim theo gợi ý của ứng dụng giải trí số mỗi ngày. Chưa kể là cũng chính hắn sẽ viết bài báo này rồi lưu trữ, sửa đi sửa lại trên iCloud trước khi gửi cho tòa soạn.
Liệu có đáng tin một kẻ không dám từ bỏ thứ gì nhưng lại mở miệng ra là như thể chống lại tất cả?
Tất cả, phải, đó là những gì công nghệ đang áp đặt vào đời sống này, dù cho người ta có dùng ý chí chống lại nó. Những làn sóng AI đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ này khiến khắp nơi, khắp mọi lĩnh vực dấy lên những câu hỏi “sống còn”: “Chúng ta liệu có bị AI thay thế?”, “AI có thay thế công việc làm thơ, viết văn, viết báo?”, “AI có thay thế kiến trúc sư?”, “AI có khiến thầy cô giáo mất việc?” hay quy mô lớn hơn: “AI có lật đổ chức năng giáo dục?”, “AI có thay đổi trật tự xã hội loài người?”...
Người ta đặt ra các câu hỏi đó (rất hệ trọng, phải!), vì rằng đã bắt đầu chứng kiến công nghệ ứng dụng AI đi sâu vào đời sống thường nhật: một người bạn ở Mỹ nói rằng anh ta đã quen và an tâm với taxi không người lái, một bà chị ở Nhật nói rằng nhiều khách sạn không còn tiếp tân - mọi giao dịch đều qua một tấm gương có hình cô tiếp tân ảo tuyệt mỹ, giao tiếp được bằng hàng chục ngôn ngữ với phong cách chuẩn mực lịch sự hơn cả các tiếp tân thật, một kiến trúc sư trẻ ở Sài Gòn nói rằng nhiều họa viên về vườn trồng rau vì bây giờ AI có thể vẽ chính xác các giải pháp kiến trúc, chỉ cần nhập yêu cầu trong vài giây là xong.
Và, thật ngạc nhiên, một hôm người cha nghiêm khắc hướng dẫn đứa con cách viết nghị luận văn học về một bài thơ, sau đó đứa con đã dùng ChatGPT để “check” (kiểm tra lại) xem các biện pháp tu từ được phân tích có chính xác hay chưa. Ngạc nhiên hơn, vài người đã tìm thấy các phẩm chất cần có để vượt qua cuộc khủng hoảng của cuộc hôn nhân tan vỡ nhờ... hỏi ChatGPT. Đành thôi, vừa rồi trên Internet còn lan truyền những kỹ năng để người ta có thể cậy AI viết những bài thơ sonne và văn xuôi theo phong cách hệt như William Shakespeare thông qua nguyên lý vận hành của mạng nơ ron tái phát (recurrent neural network). Với một sự thiết lập nguồn dữ liệu đầu vào ít bi đát và ướt át hơn, lại có công nghệ thông tin hỗ trợ, anh chị Romeo và Juliet không chết lãng nhách, cắt đứt mọi kỳ vọng hạnh phúc bên nhau như trong tác phẩm gốc.
Không chết, và hạnh phúc, đó cũng là mục tiêu mà con người theo đuổi không ngừng trong cuộc đua phát minh khoa học, công nghệ sinh học. Mục tiêu đó xét cho cùng cũng chẳng mới, đã có từ thời Tần Thủy Hoàng và quân vương phong kiến phương Tây. Các triết gia thì khác, họ luôn nhắc chừng phải chậm lại, vì có biết bao điều quan trọng hơn là sống lâu và lạm dụng cảm giác hạnh phúc.
Phía này lao đi, phía kia kiềm lại, để giữ một trạng thái cân bằng, dù có những lúc sự dằng co diễn ra trong những ngổn ngang, mà Christopher Ryan - một học giả hoài nghi chủ nghĩa - trong cuốn Chết bởi văn minh - Cái giá của sự tiến bộ (Civilized to Death: The Price of Progress) bảo rằng, dằng co cũng không ăn thua, bởi chúng ta đã đi quá xa trong mê lộ văn minh, cái giá sẽ ngày càng lớn hơn những món hời chúng ta nhặt nhạnh được từ tiến trình văn minh. Nghe bi quan quá đỗi.
Yuval Noah Harari, trong cuốn Homo Deus thì có vẻ như ít bi quan, giỏi hùng biện và bông đùa tinh quái hơn, ông vẽ ra một viễn cảnh con người thực hiện giấc mơ thần thánh hóa của mình bằng công nghệ sinh học và thông tin và có thể đây là cuộc cách mạng làm thay đổi (hay tạo ra bước nhảy vọt) về bản chất người, đồng thời bổ sung vào cấu tạo con người thêm một vài hợp - tố mới mà ở đó, loài này có thể gia tăng khả năng kiểm soát mong muốn của mình. Một con chip hay hợp chất nào đó cấy vào bên trong cơ thể có thể khiến ta chu du vào cõi vui buồn nhân gian theo những cung bậc chủ động hơn. Cuộc sống sẽ diễn ra theo cách mà ta kiểm soát.
Nhưng cũng từ đó, để đạt tham vọng đó, thì cuộc đua thịnh vượng, phồn vinh vật chất, khả năng gây hấn và tham vọng kiểm soát bản thân, cai trị người khác, sở hữu lãnh địa không vì thế mà mất đi. Chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng môi trường khó mà rời bỏ thế giới.
Vẫn chỉ là câu hỏi lớn
Vậy trở lại câu hỏi đầu bài viết: chúng ta chọn món quà gì để gửi đến hậu duệ yêu quý của mình trong tương lai của 100, 200 hay 500 năm tới?
Xin dẫn lại một câu chuyện cũ: Năm 2018, tức, sáu năm trước khi nhận giải Nobel Văn học, nữ văn sĩ Hàn Quốc Han Kang đã đến Na Uy tham dự một sự kiện đặc biệt. Bà mang vào khu rừng xứ Bắc Âu một bản thảo bí mật, bọc trong tấm vải trắng, gửi cho một dự án có tên Thư viện Tương lai (The Future Library). Thay vì xuất bản tác phẩm mới ở một nhà sách đông người đến dự và xin chữ ký, bản thảo đó lại được giao cho Thư viện Tương lai, dự kiến xuất bản vào 100 năm sau. Nó sẽ được in trên giấy làm từ gỗ cây vân sam đốn hạ từ khu rừng bắt đầu trồng năm 2014 (năm nghệ sĩ Scotland Katie Paterson sáng lập dự án The Future Library).
Không ai biết cuốn sách viết về điều gì, trừ tác giả của nó. Trước Han Kang, thì Margaret Atwood và David Mitchell cũng đã gửi tác phẩm của mình vào tàng thư bí mật này. Họ cùng thả trí tưởng tượng và tiếng nói bay vượt thời gian, đến một thế kỷ sau (cũng như Nguyễn Du đã gửi câu hỏi thống thiết “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” như tiếng thở dài gửi vào ba trăm năm sau).
Món quà đó, cho tương lai, có thể cũng như mọi món quà nhân loại đang đón nhận từ quá khứ, lại là những câu hỏi âm vang. Dù là con người được cấy chip hay thay đổi thành phần sinh hóa theo ý muốn, thì vẫn còn đó những nan đề nội tại: bản chất người là gì?
Khi còn những câu hỏi trên đời, nghĩa là còn hy vọng vào sự chọn lựa thức tỉnh.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gui-gi-cho-tram-nam-sau/