Bài tập cho người chóng mặt kịch phát lành tính

Chóng mặt kịch phát lành tính là bệnh lý thường gặp trong đời sống sinh hoạt, bệnh không nguy hiểm tuy nhiên lặp đi lặp lại có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Đúng như tên gọi, chóng mặt kịch phát lành tính (Benign Paroxysmal positional Vertigo) là tình trạng chóng mặtkhi thay đổi tư thế,biểu hiện là những cơn chóng mặt ngắn dữ dội - kịch phátnhưng lành tính,không đe dọa tính mạng mặc dù gây nhiều khó chịu cho người bệnh.

Nội dung

1. Nguyên nhân chóng mặt tư thế kịch phát lành tính

2 .Vai trò của tập luyện đối với bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính

3. Ba bài tập tái định vị "sỏi tai" cho người chóng mặt tư thế lành tính kịch phát

4.Lưu ý khi tập luyện

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là nguyên nhân chóng mặt thường gặp nhất trên lâm sàng. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất ở người trung niên và người già.

Biểu hiện lâm sàng thường điển hình là những cơn chóng mặt ngắn vài giây đến vài phút xảy ra khi thay đổi các vị trí cụ thể trong não khi xoay đầu hoặc thay đổi tư thế nằm - ngồi - lật người.

Trong cơn chóng mặt người bệnh cảm giác nhà cửa, đồ vật xung quanh xoay tròn, đảo lộn khiến người bệnh phải nằm yên, nhắm mắt không dám quay đầu hay thay đổi tư thế.

Trong cơn chóng mặt người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn. Có thể gặp tình trạng mất thăng bằng kéo dài vài giờ sau khi chóng mặt đã giảm. Chuyển động mắt bất thường (rung giật nhãn cầu) cũng thường đi kèm với chóng mặt tư thế kịch phát và cũng xuất hiện đột ngột và kết thúc nhanh chóng.

Khác với các trường hợp rối loạn tiền đình khác bệnh không có ù tai hoặc nghe kém. Cơn chóng mặt tư thế điển hình có thể xảy ra thành nhiều đợt trong tuần, có thể tự thuyên giảm tuy nhiên lại rất dễ tái phát đặc biệt có thể liên quan đến tư thế nhất định.

1. Nguyên nhân chóng mặt tư thế kịch phát lành tính

Tình trạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính được cho là do sự dịch chuyển của các "sỏi tai" vào các ống bán khuyên của hệ thống tiền đình. "Sỏi tai" hay "thạchnhĩ" bản chất là các tinh thể calcium carbonate nhỏ nằm ở soan nang và cầu nang của hệ thống tiền đình. "Sỏi tai" lạc chỗ kích thích tế bào lông của ống bán khuyên và gây ra ảo giác chuyển động.

Khi thay đổi vị trí của đầu (như là xoay đầu sang bên) thì "sỏi tai" sẽ chuyển động, sự chuyển động này khiến cho não bộ cho rằng cơ thể đang di chuyển dù thật sự điều đó không xảy ra. Chính điều này gây tình trạng chóng mặt. Khi giữ yên một vị trí thì "sỏi tai" sẽ không di chuyển nữa lúc này chóng mặt có thể sẽ ngưng.

Các yếu tố sinh bệnh bao gồm thoái hóa tự phát biểu mô soan nang, viêm dây thần kinh tiền đình do virus, viêm tai giữa, chấn thương đầu, chấn động mê nhĩ, các rối loạn tiền đình sẵn có, tổn thương do phẫu thuật tai, nằm bất động quá lâu….

Tuy nhiên, nhiều người đột nhiên có tình trạng chóng mặt kịch phát mà không có lý do cụ thể, hay nói cách khác là "sỏi tai" tự bản thân lạc chỗ trong các ống bán khuyên mà không có căn nguyên cụ thể. Thông thường chóng mặt tư thế kịch phát lành tính gặp ở một tai nhưng ở một số người thì có thể liên quan đến cả hai tai cùng lúc.

2 .Vai trò của tập luyện đối với bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có thể tự khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu. Tuy vậy, nhiều trường hợp tình trạng chóng mặt có thể kéo dài vài ngày, vài tuần, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Yếu tố bệnh sinh cho thấy chóng mặt tư thế kịch phát hầu như không cải thiện khi được điều trị bằng các loại thuốc thường dùng cho những tình trạng chóng mặt do rối loạn tiền đình khác.

Tập luyện được cho là phương pháp hiệu quả nhất nhằm đưa các tinh thể calci lạc chỗ trở lại vị trí ban đầu và giải quyết cơn chóng mặt của người bệnh. Phương pháp tập luyện này được gọi là tái định vị "sỏi tai".

Tái định vị"sỏi tai" là một phương pháp điều trị không dùng thuốc đơn giản, dễ thực hiện và an toàn. Hầu hết các trường hợp chóng mặt sẽ ngưng ngay sau khi điều trị một vài đợt, cho dù đôi khi cần lặp lại nhiều lần hơn ở một số người bệnh.

Quy trình tái định vị bao gồm một số thao tác vận động đơn giản của đầu, cổ phối hợp với tư thế của thân mình với mục đích di chuyển các "sỏi tai" lạc chỗ từ ống bán khuyên trở lại vị trí ban đầu của nó ở soan nang và cầu nang.

3. Ba bài tập tái định vị "sỏi tai" cho người chóng mặt tư thế lành tính kịch phát

Các bài tập tái định vị "sỏi tai" phổ biến và hiệu quả nhất được khuyến cáo bao gồm thao tác Epley (Epley Maneuver), phương pháp Semont (Semont Maneuver) và bài tập Brandt-Daroff.

Các thủ pháp này là tập hợp một chuỗi các vận động tuần tự, chậm và có kiểm soát để di chuyển đầu và cơ thể qua một loạt các vị trí cụ thể nhằm đưa "sỏi tai" lạc chỗ trở lại soan nang.

2.1.Thao tác Epley (Epley maneuver)

Thao tác này nên được thực hiện với sự trợ giúp của nhân viên y tế trong những lần đầu tập luyện hoặc khi có cơn chóng mặt nghiêm trọng.

Người bệnh ngồi trên giường, nhân viên y tế đứng phía sau, hai tay ôm giữ hai bên đầu người bệnh, từ từ quay đầu người bệnh 45 độ sang một bên, giữ nguyên tư thế đầu rồi nhanh chóng cho người bệnh nằm ngửa xuống, đầu phía ngoài giường (hình minh họa).

Giữ tư thế này khoảng 30 giây sau đó quay đầu sang phía đối diện và cũng giữ trong 30 giây, xoay nghiêng người theo hướng đầu trong khi vẫn duy trì tư thế đầu quay 45 độ, đợi trong 30 giây, ngồi dậy một cách từ từ và thư giãn.

Khi cơn chóng mặt giảm, người bệnh có thể tự tập tại nhà.

Hình minh họa cho thấy "sỏi tai" được tái định vị lại trong quá trình thực hiện thao tác Epley.

Hình minh họa cho thấy "sỏi tai" được tái định vị lại trong quá trình thực hiện thao tác Epley.

2.2.Phương pháp Semont Liberatory Maneuver

Ngồi thẳng lưng giữa giường, giữ đầu thẳng nhìn về phía trước.

Bắt đầu thực hiện bài tập bằng cách quay đầu góc 45 độ về phía tai bình thường, từ từ nghiêng người nằm xuống giường về bên phía tai tổn thương trong khi giữ nguyên tư thế đầu xoay nghiêng sang bên đối diện để mặt hướng lên trên khi nằm, giữ nguyên tư thế trong khoảng 3 phút.

Sau đó vẫn giữ đầu ở đúng tư thế đó, nhanh chóng chuyển nằm nghiêng sang bên tai bình thường, lúc này mặt hướng xuống dưới, tiếp tục giữ nguyên tư thế này trong khoảng 3 phút rồi di chuyển trở lại vị trí ngồi ban đầu một cách từ từ và thư giãn, đầu quay trở lại vị trí thẳng ban đầu.

Bài tập theo phương pháp Semont.

Bài tập theo phương pháp Semont.

2.3.Bài tập Brandt-Daroff

Ngồi thẳng lưng trên mép giữa giường, chuyển tư thế nằm nghiêng về một bên với mặt hướng lên một góc 45 độ một cách nhanh chóng, giữ nguyên trong 30 giây sau đó trở về tư thế ban đầu.

Lặp lại với bên đối diện. Bài tập này cơ bản gần giống thao tác Semont, có điểm khác biệt là đầu không giữ một tư thế trong suốt quá trình thực hiện mà thay đổi xoay sang cả hai bên.

Bài tập Brandt-Daroff.

Bài tập Brandt-Daroff.

4.Lưu ý khi tập luyện

Mỗi bài tập nên thực hiện từ 3 - 5 lần, 2 - 3 lần mỗi ngày trong khoảng 2 tuần hoặc cho đến khi không có cơn chóng mặt khi tập. Có thể tập riêng rẽ từng bài hoặc phối hợp các bài tập trong mỗi lần tập.

Mỗi vị trí trong chuỗi chuyển động nên được duy trì trong khoảng một khoảng thời gian nhất định tùy từng thao tác cũng như tình trạng chóng mặt khi tập, thông thường ít nhất từ 30 giây trở lên.

Khi có bất cứ triệu chứng (chóng mặt) hoặc chuyển động mắt bất thường (rung giật nhãn cầu) thì nên dừng lại cho đến khi hết triệu chứng lại tiếp tục.

Sau khi tập người bệnh cần tránh vận động gập, duỗi hoặc xoay cổ đột ngột.

Các bài tập này bệnh nhân có thể tự thực hiện tại nhà sau khi được hướng dẫn bởi bác sĩ, hoặc chuyên gia vật lý trị liệu.

Một số bài tập, một số động tác trong chuỗi vận động tập luyện có thể không đảm bảo an toàn khi tập một mình, nhất là những trường hợp chóng mặt nghiêm trọng hoặc gặp khó khăn khi tự thực hiện bài tập do chóng mặt hoặc vấn đề về thăng bằng nên được thực hiện hoặc dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế.

Một số chú ý khi có cơn chóng mặt kịch phát và trong khi tập luyện:

Ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt. Tránh thay đổi tư thế đầu và cơ thể đột ngột trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là khi bắt đầu có cảm giác chóng mặt.

Trong cơn chóng mặt có thể dẫn đến mất thăng bằng nghiêm trọng gây nguy hiểm khi ngã. Vì vậy, trong cơn chóng mặt cấp cần hết sức chú ý trong việc thay đổi tư thế và vận động, cũng như chú ý không gian và vật thể nguy hiểm xung quanh nhằm tránh những rủi ro có thể gặp. Chú ý môi trường xung quanh, ánh sáng mạnh, tiếng động lớn liên tục có thể kích hoạt cơn chóng mặt kịch phát.

Không sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá. Tránh sử dụng quá mức các loại nước có gas, nước ngọt

Duy trì thói quen vận động tập luyện phù hợp để nâng cao sức khỏe thể chất, giảm căng thẳng lo lắng. Đảm bảo dinh dưỡng, nước uống, nghỉ ngơi hợp lý.

Chóng mặt kịch phát có thể tái phát ngay cả khi điều trị thành công, do đó cần kiên trì tập và phối hợp cùng bác sĩ để quản lý tình trạng bệnh một cách hiệu quả.

BS. Phạm Quang Thuận

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cho-nguoi-chong-mat-kich-phat-lanh-tinh-169240815104611024.htm