Bài tập hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho người mắc lỵ amip cấp
Để điều trị lỵ amip cấp, bên cạnh các phương pháp điều trị y tế, các bài tập vận động cũng sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe người bệnh, hỗ trợ trong quá trình phục hồi bệnh.
NỘI DUNG::
1. Vai trò của các bài tập vận động với người mắc lỵ amip cấp
2. Một số bài tập cho người mắc bệnh lỵ amip cấp
2.1 Bài tập xoa bụng kết hợp hít thở sâu
2.2 Bài tập gập người nhẹ nhàng cho người mắc lỵ amip cấp
2.3 Bài tập xoay mình khi ngồi
2.4 Đi bộ nhẹ nhàng
2.5 Tập các môn thể thao nhẹ nhàng
3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người mắc lỵ amip cấp.
1. Vai trò của vận động với người mắc lỵ amip trong giai đoạn phục hồi
Lỵ amip cấp là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, thường có tiến triển kéo dài và dễ trở thành bệnh mạn tính nếu không được điều trị đúng.
Khi mắc lỵ amip cấp, người bệnh thường có các biểu hiện bệnh như đau quặn bụng, mót rặn và đi ngoài phân nhầy máu…
Bệnh có thể để lại một số di chứng nặng nề như viêm phúc mạc, chảy máu ruột, áp-xe gan.
Các bài tập vận động nhẹ nhàng chính là cách hỗ trợ chức năng tiêu hóa cho người bệnh, giảm triệu chứng đau quặn bụng, đầy hơi, đồng thời cải thiện khả năng hấp thu dinh dưỡng trong giai đoạn phục hồi.
Một số bài tập vận động giúp cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ cơ thể hồi phục từ trạng thái suy nhược do mất nước và tiêu chảy gây ra.
Những bài tập vận động phù hợp sẽ giúp duy trì sự linh hoạt của cơ thể, kích thích hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, giúp hạn chế một số biến chứng của bệnh lỵ amip cấp.
Các bài tập vận động còn là cách giúp người bệnh cải thiện tâm trạng, có tâm lý thoải mái, tích cực hơn, rất có lợi trong quá trình hồi phục bệnh.
2. Một số bài tập cho người mắc bệnh lỵ amip cấp
2.1. Bài tập xoa bụng kết hợp hít thở sâu
Tác dụng: Đây là bài tập giúp giảm đau, giảm đầy hơi rất hiệu quả cho người mắc bệnh lỵ amip cấp.
Cách thực hiện:
Người bệnh ngồi hoặc nằm thoải mái, thả lỏng cơ thể, giữ thẳng lưng.
Hít vào chậm rãi, đồng thời dùng lòng bàn tay xoa bụng theo chiều kim đồng hồ. Có thể sử dụng một số loại dầu, gel bôi trơn trong quá trình xoa bụng.
Giữ hơi thở cho bụng căng lên sau đó thở ra từ từ.
2.2. Bài tập gập người nhẹ nhàng
Tác dụng: Đây cũng là một bài tập giúp giảm căng thẳng ở vùng bụng và vùng thắt lưng, đồng thời hỗ trợ thư giãn toàn bộ cơ thể.
Cách thực hiện:
Người bệnh quỳ gối trên sàn, ngồi trên gót chân.
Tiến hành cúi người về phía trước hết mức, có thể khiến cho trán chạm sàn, hai tay duỗi thẳng hướng về phía trước.
Giữ tư thế trong khoảng 20 giây sau đó từ từ ngồi dậy.
2.3. Bài tập xoay mình khi ngồi
Tác dụng: Đây là một bài tập hiệu quả trong việc thư giãn vùng bụng và vùng thắt lưng, giúp tăng cường lưu thông máu, giảm đau bụng cho người bệnh lỵ amip cấp.
Cách thực hiện:
Ngồi thẳng lưng trên sàn, chân phải gập sang trái, chân trái đặt lên đùi phải.
Đặt lòng bàn tay phải lên gối trái, tay trái đặt chống sàn ở phía sau lưng.
Từ từ xoay thân trên về phía trái, giữ tư thế trong khoảng 20 giây, sau đó trở về vị trí ban đầu rồi đổi bên.
2.4. Đi bộ
Người bệnh lỵ amip cấp có thể đi bộ chậm rãi trong 5-10 phút, giai đoạn đầu có thể thực hiện đi bộ trong nhà, sau đó tăng dần thời gian luyện tập lên theo tình trạng sức khỏe.
Có thể kết hợp đi bộ với việc hít thở sâu để tối ưu hóa các lợi ích như cải thiện lưu thông máu, cải thiện chức năng tiêu hóa, hỗ trợ cơ thể phục hồi.
2.5. Tập các môn thể thao nhẹ nhàng
Sau khi bệnh lỵ amip cấp đã sang giai đoạn phục hồi, người bệnh có thể tùy theo trạng thái sức khỏe của bản thân bắt đầu tham gia một số hoạt động thể thao. Việc này một mặt giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn, một mặt rất có lợi cho việc cải thiện tâm trạng của người bệnh.
3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người mắc lỵ amip cấp
Người mắc lỵ amip cấp chỉ nên thực hiện các bài tập khi triệu chứng cấp tính đã giảm.
Trong giai đoạn nặng, người bệnh nên ưu tiên nghỉ ngơi và tuân thủ phác đồ điều trị, chỉ nên tập vận động khi số lần tiêu chảy giảm, không còn đau bụng dữ dội và tình trạng mất nước đã được cải thiện.
Việc tập các bài tập cũng cần có sự đồng ý từ bác sĩ điều trị, đặc biệt trong các trường hợp bệnh nặng, có biến chứng. Các bài tập nên được lựa chọn phù hợp với tình trạng bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Khi mới tập nên tránh các bài tập cường độ cao, tránh gắng sức và không thực hiện các bài tập trong thời gian quá dài. Tùy theo sự phục hồi của cơ thể mà thời gian, cường độ các bài tập có thể được thiết kế tăng dần.
Lưu ý bổ sung đầy đủ nước, chất điện giải, dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị, đặc biệt là trong khi thực hiện các bài tập vận động. Nên chọn môi trường luyện tập thoáng mát, không nên tập luyện ở những nơi quá nóng hoặc thiếu không khí.
Trong toàn bộ quá trình luyện tập cần chú ý đến các tín hiệu cơ thể. Nếu cảm thấy mệt, chóng mặt, đau bụng tăng hay bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần dừng ngay các bài tập, nghỉ ngơi và gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Mời bạn xem tiếp video: