Bài tập tốt cho người bệnh giác mạc chóp
Thực hiện các bài tập thư giãn mắt, cải thiện thị lực có thể hỗ trợ người bệnh giác mạc chóp cải thiện các triệu chứng nhìn mờ, nhìn đôi, nhạy cảm ánh sáng....
1. Lợi ích từ các bài tập mắt đối với người bệnh giác mạc chóp
Bệnh giác mạc hình chóp là tình trạng lồi ra của giác mạc, tạo thành giác mạc hình chóp hay giác mạc hình nón. Người bệnh giác mạc chóp thường có các biểu hiện như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng…
Nội dung
1. Lợi ích từ các bài tập mắt đối với người bệnh giác mạc chóp
2. Một số bài tập tốt cho người bệnh giác mạc chóp
3. Những lưu ý khi thực hiện các bài tập mắt
Đối với trường hợp nhẹ, người bệnh giác mạc chóp cần thay kính để khắc phục tình trạng nhìn mờ, hoặc đeo kính áp tròng cứng có tính thấm khí tốt. Bên cạnh đó, nên kết hợp các bài tập mắt giúp cải thiện các triệu chứng:
- Thư giãn đôi mắt và tăng tuần hoàn lưu thông máu tốt hơn đến mắt, nhờ đó giảm bớt các triệu chứng nhìn mờ, nhìn đôi…
- Giảm độ nhạy cảm với ánh sáng.
- Hạn chế sự tiến triển nặng hơn của bệnh.
2. Một số bài tập tốt cho người bệnh giác mạc chóp
2.1. Bài tập mắt - ngón tay
Bài tập mắt - ngón tay giúp người bệnh giác mạc chóp cải thiện khả năng nhìn rõ các vật ở khoảng cách gần. Cách thực hiện như sau:
Đưa một ngón tay lên ngang tầm mắt, cách mắt khoảng vài cm.
Tập trung nhìn vào ngón tay, dần dần di chuyển ngón tay ra xa hơn trong khi mắt vẫn nhìn theo tay.
Nhìn ra ngoài khoảng không trong một vài giây rồi tiếp tục nhìn vào ngón tay, từ từ đưa trở lại mắt.
Nhìn đi chỗ khác và tập trung vào một cái gì đó ở xa.
Lặp lại 5 lần.
2.2. Bài tập lấy tiêu điểm gần - xa
Khác với bài tập mắt - ngón tay, bài tập này tập trung vào khoảng cách xa hơn, giúp cải thiện thị lực, đồng thời ngăn ngừa các vấn đề rối loạn tầm nhìn, rèn luyện khả năng tập trung của mắt.
Cách thực hiện:
Đặt ngón tay cái trước mặt, cách mắt khoảng 25cm.
Tập trung nhìn vào nó trong 15 giây.
Sau đó, tìm một vật cách bạn khoảng 4m và tập trung nhìn nó trong 15 giây.
Quay trở lại tập trung nhìn vào ngón tay cái và lặp lại quá trình này 5 lần.
2.3. Bài tập đảo mắt
Bằng cách di chuyển mắt theo hướng sang phải, trái, lên, xuống, bài tập giúp thư giãn cơ mắt, rèn luyện khả năng điều chỉnh của mắt.
Cách thực hiện:
Ngồi hoặc đứng thoải mái.
Giữ đầu thẳng đứng, không di chuyển, sau đó đảo mắt theo vòng tròn cùng chiều kim đồng hồ.
Đảo mắt theo chiều ngược lại.
Thực hiện 3 - 5 lần mỗi khi thấy mỏi mắt.
2.4. Làm ấm mắt
Tác dụng giúp thư giãn cơ mắt, kích thích lưu thông máu, giảm mỏi mắt, khô mắt.
Cách thực hiện:
Áp hai lòng bàn tay vào nhau, chà xát làm nóng lòng bàn tay rồi áp hai lòng bàn tay lên hai mắt, tạo cảm giác giống như đắp một miếng gạc ấm.
Ấn nhẹ lòng bàn tay lên mắt trong 10 giây.
Hít vào và thở ra, giữ nguyên tư thế trong 3 giây rồi thả ra.
Lặp lại 5 lần.
2.5. Thư giãn mắt bằng ngón tay
Đây là bài tập thư giãn mà ai cũng nên tập vài lần trong ngày. Cách thực hiện như sau:
Ngồi thả lỏng người, nhắm hai mắt lại.
Dùng hai ngón tay (trỏ và giữa) đặt nhẹ lên mi mắt, sau đó nhấc lên đặt xuống luân phiên nhau như đang gõ phím đàn piano.
Thực hiện trong khoảng 1 - 2 phút.
3. Những lưu ý khi thực hiện các bài tập mắt
Nhìn chung, các bài tập mắt khá dễ thực hiện, tuy nhiên người bệnh giác mạc chóp cần duy trì tập thường xuyên, đều đặn hàng ngày.
Song song với các bài tập mắt, cần lưu ý một số vấn đề trong sinh hoạt để chăm sóc đôi mắt:
- Nghỉ giải lao thường xuyên: Không nên nhìn màn hình máy tính, điện thoại hay đọc chữ nhỏ trong thời gian dài vì có thể gây mỏi mắt và các vấn đề khác. Hãy đặt báo thức để thư giãn mắt sau mỗi 20 phút.
- Kiểm tra thị lực thường xuyên: Khám và kiểm tra thị lực thường xuyên để kịp thời phát hiện các vấn đề của mắt và thị lực.
- Bảo vệ mắt khỏi tia UV: Đeo kính râm vào những ngày nắng để ngăn chặn các tia UV có hại từ mặt trời.
- Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống đầy đủ chất béo lành mạnh và chất chống oxy hóa có thể giúp cho đôi mắt khỏe mạnh. Vitamin A cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe mắt.