Bài tham dự cuộc thi 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào': Cung đường 'sống chậm', hay 'nét vẽ' của Hà Nội yên bìnhBài cuối: Hành trình của tương lai

Xe buýt Hà Nội thời điểm này đã có một vị thế đáng kể trong đời sống đô thị. Nhưng không dừng lại ở đó, Hà Nội đang nỗ lực 'xanh hóa' xe buýt theo đúng lộ trình của Chính phủ. Và không chỉ 'xanh hóa' phương tiện, mục tiêu còn là 'xanh' cả chất lượng dịch vụ.

Rộn ràng những “chuyến đi xanh”

Ngày 2-12-2021, tuyến xe buýt điện đầu tiên của Hà Nội mang số hiệu E03 do Công ty TNHH Dịch vụ sinh thái Vinbus (thuộc Tập đoàn Vingroup) vận hành chính thức lăn bánh trên những cung đường Thủ đô.

Đây là cột mốc quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của thành phố Hà Nội nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, mang đến trải nghiệm xanh, tiện nghi cho người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, Vinbus đã có 9 tuyến buýt điện hòa mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô.

Những chiếc buýt điện đầu tiên của Hà Nội. Ảnh: Vinbus.

Những chiếc buýt điện đầu tiên của Hà Nội. Ảnh: Vinbus.

Các tuyến xe buýt điện của Vinbus ngày càng chinh phục được đông đảo hành khách. Trong một bài đăng Facebook với chủ đề “Thư viết cho con gái”, hành khách có tài khoản “Nguyễn Mạnh Hùng” viết: “Cách đây 10 năm, mỗi lần đi xe máy trên những con đường đầy bụi và khói từ các phương tiện giao thông xả ra, ba đã từng ước ao thế hệ của các con sẽ có những chuyến xe xanh - sạch chạy êm ru, không có khói bụi xả ra môi trường. Ba không thể nghĩ giấc mơ ấy lại trở thành sự thật nhanh đến vậy. Những “chuyến đi xanh” chập chờn cả trong giấc mơ của ba giờ đã thành sự thật rồi đấy con yêu ạ! Những ấn tượng không tốt về xe buýt đông đúc, chật chội, ô nhiễm, ồn ào giờ đây đã được thay thế bởi những “chuyến đi xanh” nối đuôi nhau khắp phố phường Hà Nội…”.

Là đơn vị tiên phong trong việc đưa xe buýt điện vào hoạt động tại Hà Nội và một số địa phương trên cả nước, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho biết, khi Vinbus đưa các tuyến buýt điện vào vận hành, ban đầu, có rất nhiều ý kiến nghi ngại, từ năng lượng đến lộ trình... Chỉ sau một năm đi vào hoạt động, Vinbus nhận được rất nhiều ý kiến tích cực. Từ người ngồi trong xe cho tới người đi đường đều cảm thấy loại hình này đã giúp hạn chế mùi xăng xe, không thấy khói bụi...

"Chúng ta đều thấy tình trạng chung tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là ô nhiễm môi trường và tắc đường. Mức độ phát thải của phương tiện giao thông cực lớn nên mục tiêu giảm phát thải ở các thành phố lớn là ưu tiên hàng đầu. Một nghiên cứu cho thấy, hiện 1 lít dầu diesel thải ra 2,32kg khí CO2. Như vậy, với một xe buýt thông thường đang chạy khoảng 250 - 300km/ngày thì thải ra khoảng 6 tấn CO2/tháng. Với số phát thải của xe buýt như vậy thì cần 3.000 cây xanh hấp thụ/năm. Thay vì trồng rừng một cách trực tiếp, cần đất đai, thì chúng ta có thể trồng rừng một cách gián tiếp bằng cách chuyển đổi phương tiện, năng lượng, giao thông công cộng và xe buýt là mũi nhọn đầu tiên" - ông Nguyễn Công Nhật chia sẻ.

Phải xanh về mọi mặt

Nhiều chuyên gia giao thông nhận định, xe buýt điện ra đời có thể coi là bước đột phá, là "cuộc cách mạng" của xe buýt Thủ đô, góp phần thay đổi lớn về hình ảnh xe buýt trong mắt người dân. Quan trọng hơn thế, những tuyến xe buýt điện đã góp phần hình thành một thước đo mới cả về chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ hành khách, để các đơn vị buýt khác cũng phải nỗ lực nhiều hơn để thu hút khách.

Tàu điện Cát Linh – Hà Đông, niềm tự hào mới của vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Ảnh: Hanoi Metro.

Tàu điện Cát Linh – Hà Đông, niềm tự hào mới của vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Ảnh: Hanoi Metro.

Như tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), hơn 5.000 lái xe và nhân viên phục vụ trên các tuyến buýt thường xuyên được tham gia các khóa đào tạo theo các nhóm chuyên đề như: Giao tiếp khách hàng, kỹ năng xử lý tình huống trên tuyến, kỹ năng lái xe trên đường trong các tình huống khẩn cấp… Thời gian qua, những hành động đẹp, kịp thời hỗ trợ người dân của nhân viên xe buýt đã được cộng đồng xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Hà Nội đang phấn đấu đưa xe buýt sẽ không chỉ xanh về đoàn phương tiện, mà còn phải nâng tầm hơn nữa. “Xanh hóa” xe buýt là yêu cầu tất yếu nhằm tiến tới một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường.

“Để đánh giá chất lượng dịch vụ, phải "xanh" cả về phương tiện và con người. Xanh là chất lượng dịch vụ, chất lượng phương tiện, điểm dừng, thông tin, các giá trị gia tăng như GPS, wifi...” - ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, Tổng Giám đốc Vinbus Nguyễn Công Nhật cho hay: “Khái niệm "xanh" rất rộng, "xanh" về mặt phương tiện, dịch vụ…, nhưng dù là "xanh" gì thì điều quan trọng đầu tiên là phải thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng. Chúng tôi luôn nói với các tài xế và nhân viên để họ nhận thức rõ rằng, những người mang lại cuộc sống, thu nhập cho họ chính là hành khách trên xe. Đừng chỉ nhìn vào mức giá vé 7.000 đồng, bởi mọi người đều là hành khách, vé được Nhà nước trợ giá”.

Theo ông Thái Hồ Phương, khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi, “xanh hóa” xe buýt của Thủ đô là rất lớn, từ nguồn vốn đầu tư đổi mới phương tiện; nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến trạm sạc điện, hệ thống trạm biến áp, nguồn cấp điện, hệ thống điều khiển…

"Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đều đã nhận diện rõ, từ đó xây dựng các kịch bản, lộ trình phù hợp để bảo đảm tính khả thi cao nhất là phục vụ hành khách, ổn định hoạt động của doanh nghiệp” - ông Thái Hồ Phương chia sẻ.

Không chỉ có xe buýt sạch, xanh, Hà Nội giờ đã có thêm những tuyến tàu điện trên cao tạo thêm nét văn minh, hiện đại cho Thủ đô ngàn tuổi. Cùng với đó, thành phố đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành.

Xe đạp điện cũng được nhiều người trẻ Hà Nội lựa chọn. Ảnh: Trí Nam Group.

Xe đạp điện cũng được nhiều người trẻ Hà Nội lựa chọn. Ảnh: Trí Nam Group.

Với nhiều chuyên gia ngành giao thông vận tải, Hà Nội đang đi đúng hướng trên con đường chuyển đổi phương thức vận tải hành khách công cộng. Còn với mỗi người dân Thủ đô, những phương tiện công cộng “xanh” đang có sức hút mạnh mẽ, bởi mỗi người ý thức được trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, bên cạnh những thuận tiện lớn khi sử dụng chúng trong cuộc sống thường nhật.

Cùng với sự phát triển không ngừng của hệ thống phương tiện giao thông công cộng, thói quen đi lại của mỗi người Thủ đô cũng đang từng bước thay đổi - Điều vô cùng cần thiết để góp phần xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố “đáng sống”.

Hiện nay, Hà Nội có trên 2.000 xe buýt đang hoạt động với độ tuổi trung bình 3,5 năm, trong đó có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe sử dụng khí CNG và 138 xe buýt điện, đạt 13,6% toàn mạng. Hà Nội cũng là một trong những thành phố đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á sử dụng xe buýt nhiên liệu xanh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi phương tiện sạch, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 50 - 60% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh và tỷ lệ này tăng lên 90% vào năm 2035.

Nguồn: Sở Giao thông Vận tải Hà Nội

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-cung-duong-song-cham-hay-net-ve-cua-ha-noi-yen-binh-bai-cuoi-hanh-trinh-cua-tuong-lai-666033.html