Bài tham dự cuộc thi viết: 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào' Có những mùa đông chỉ của riêng Hà Nội!

Có những mùa đông dường như chỉ của riêng Hà Nội, vì chúng chứa đựng những ký ức, giá trị độc đáo, lớn lao của Thủ đô không thể phai mờ qua năm tháng...

Tạo hóa quy ước trong đất trời có các phương Đông, Tây, Nam, Bắc để con người nhìn vào, biết đường hướng mà đi. Và thời gian lại trôi qua bởi bốn mùa xuân, hạ, thu, đông để làm mốc trước sau, là đơn vị đếm thời lượng dần lui vào dòng chảy lịch sử. Trong đó, mùa đông là mùa cuối cùng của mỗi năm, với những cơn gió lạnh tràn về nhưng cũng khiến tâm hồn người rộn lên bao khát vọng.

Mùa đông năm 1946 ấy, chỉ một năm sau khi nước Việt Nam non trẻ ra đời, toàn quốc nhất tề đứng lên, với tất cả tinh thần, vật lực -dù còn rất thô sơ để quyết một chặng đường đấu tranh sinh tử với thực dân Pháp xâm lược. Người người tham gia kháng chiến với lòng yêu nước trong sáng và khát vọng một cuộc sống tự do, làm người dân một quốc gia độc lập. Già, trẻ, gái, trai ra đi, mong ngày trở về Thủ đô thân yêu...

Ngày ấy, nợ nước cao hơn tình riêng nên nhiều tấm gương về đức hy sinh sáng chói, liệt oanh và cao cả xuất hiện như một thực tế hợp quy luật. Họ chịu gian khó, thiệt thòi để con cháu được ăn no, mặc ấm và trên hết là sự văn minh sẽ đến trong xã hội, từ đó viết nên trang mới trong lịch sử nước nhà. Đến nay, những thông tin và chiến công vẻ vang, bất khuất của người Việt trong cuộc chiến ấy vẫn còn nguyên ý nghĩa, là bài học nóng hổi cả về lý thuyết và tính thực tiễn - trở thành đề tài chưa bao giờ vơi cạn để giới văn nghệ sĩ soi vào, sáng tạo ra những tác phẩm để đời.

Tự vệ Thủ đô bắn máy bay Mỹ bảo vệ bầu trời Hà Nội. (Ảnh tư liệu TTXVN).

Tự vệ Thủ đô bắn máy bay Mỹ bảo vệ bầu trời Hà Nội. (Ảnh tư liệu TTXVN).

Rồi tháng 12-1972 đến trong tiết trời rét đậm nhưng lòng người sôi như lửa cháy khi thời cuộc đặt lên vai dân tộc ta một tình huống chưa hề có trong chiến tranh hiện đại - khi Hoa Kỳ dùng không quân ném bom hủy diệt hòng đưa Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung "trở về thời kỳ đồ đá". Và Hà Nội bừng bừng khí thế đánh máy bay địch, với thế trận phòng không đầy biến hóa của nghệ thuật quân sự độc đáo rất riêng Việt Nam. Để rồi đẳng cấp viễn chinh chuyên nghiệp với trang bị vũ khí hiện đại đã thua ý chí quật cường, bản lĩnh trí tuệ Việt Nam khi hàng chục "pháo đài bay" B52 vốn được mệnh danh là “bất khả xâm phạm” phải "rơi rụng tả tơi" trên bầu trời Thủ đô ngàn năm văn hiến…

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã thay lời người Thủ đô hào hoa mà anh dũng khi đong đầy xúc cảm, dâng đời bản hùng ca đậm chất kiêu hãnh, với những ca từ hào sảng “hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời” ("Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không") vang vọng đến tận bây giờ và sẽ còn vang vọng đến mãi mai sau. Ấy là một ca khúc đậm nét "chính luận" cháy bỏng lòng yêu nước, ý chí chiến đấu, đầy tự tin và khát vọng sống hòa quyện tinh thần lãng mạn cách mạng - cũng là sự tổng kết cuộc đối đầu khốc liệt “Điện Biên Phủ trên không”. Hà Nội cùng quân dân cả nước đã lập nên một chiến thắng vang dội, lan tỏa khắp địa cầu…

Những ngày tháng ác liệt, gian khổ ấy, người ta thấy cô tự vệ dành mươi phút hiếm hoi thong thả đạp xe trên phố Thủ đô - dù đang ngổn ngang, đổ nát, vương khói như muốn nhặt nhạnh từng “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” ("Em ơi, Hà Nội phố" - Phan Vũ) đẹp kỳ lạ. Đó là sự kết hợp tự nhiên tuyệt vời giữa vẻ dịu dàng từ trong bản chất và ý chí hiên ngang, quật cường của con người khi đấu tranh bảo vệ quê hương bằng niềm tin chiến thắng.

Thời ấy xa rồi nhưng không hề xưa cũ, nhất là khi nó bùng lên trong miền ký ức của lớp người nay ở tuổi ngoài trung niên. Đã có bao mối tình đẹp như thơ khi cô dâu là tự vệ "sao vuông" sánh duyên cùng anh bộ đội phòng không. Họ gắn kết để tạo dựng hình ảnh tuổi trẻ Việt Nam quyết tâm đấu tranh giữ nước, hình ảnh Việt Nam kiên cường bất khuất trên trường quốc tế.

Đã có những đám cưới đạm bạc, giản dị đến tối thiểu, chỉ có vài chục đồng đội chia vui mà nổi bật nhất là bó hoa lay-ơn được người bạn thân đạp xe vượt tuyến ra làng hoa Ngọc Hà vội vã mang về tặng. Cô dâu rắn rỏi, mạnh khỏe tạm rời “súng trên vai”, nụ cười thẹn thùng mà lấp lánh niềm hạnh phúc bên chú rể đang xin nghỉ tranh thủ sau những đợt không kích của địch. Đám cưới ngay trên trận địa thật đẹp, lan tỏa xúc cảm mạnh mẽ, xuyên suốt thời gian đến tận hôm nay. Đó là khí chất Hà Nội khi yêu: Lãng mạn, đắm say, hào hoa trong mọi tình huống dù ngặt nghèo nhất.

Một sớm mùa đông thường nhật bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoàng Anh

Một sớm mùa đông thường nhật bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoàng Anh

Và còn nhiều mùa đông khác, trong cái tiết mưa phùn gió bấc, khi cơm áo chưa đủ đầy như hiện tại thì người Hà Nội cũng biết chắt chiu, tiêu pha một cách hợp lý để chăm lo cuộc sống cho mọi thành viên trong gia đình, nhất là mỗi khi chuẩn bị đón Tết. Trẻ em được nhường những suất ăn tạm no trước buổi cắp sách đến trường.

Nhưng cái rét không thể làm mất đi nét đẹp tâm hồn của người dân, nhất là thanh niên đất Hà thành. Hình ảnh tươi vui, sang trọng của nam thanh nữ tú vẫn đọng mãi trong ký ức. Không ít thanh niên cùng bạn gái dạo bước trong đêm Noel chờ lúc chuông nhà thờ ngân nga mừng Chúa giáng sinh để mở lòng mình. Dịp gần cuối năm là lúc nhà máy/cơ quan cân đối các nguồn thu, sẵn sàng cấp lương, thưởng cho người lao động. Các gia đình cũng lo dần cái Tết Nguyên đán bằng việc dự trữ tiêu chuẩn mua thực phẩm hoặc may thêm manh quần, tấm áo mới chờ đón xuân về.

Thời hậu bao cấp mở ra cơ hội phát triển và nhiều thay đổi trong đời sống xã hội, nhờ đó mà mức sống của phần lớn gia đình người Hà Nội được cải thiện bội phần. Người ta đã có điều kiện ăn ngon hơn và bát phở không còn là ao ước của tuổi thơ. Đời sống thường nhật dần đủ đầy hàng hóa, thiết bị phục vụ nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần. Thế là mùa đông dần trở thành mùa mua sắm, nhịp giao thương tăng dần, tỷ lệ thuận với thu nhập. Cùng với sự gia tăng của các loại thiết bị nghe nhìn, âm nhạc vang lên rộn rã khắp nơi, những hoạt động chào mừng năm mới thêm phần náo nhiệt...

Còn bây giờ, cuộc sống đã tiến dần lên mức ăn ngon, mặc đẹp nên những thiếu nữ đất kinh kỳ đẹp hơn bao giờ hết, lại thêm sức vóc, hình thể cao lớn hơn hẳn thế hệ trước. Bởi thế, chẳng mấy ai ái ngại với mùa đông nữa. Người Hà Nội trưng diện, đẹp thêm nhiều nên đêm xuống, lữ khách tưởng mình lạc vào rừng hoa đời - hoa người hiển hiện trong những mẫu mốt đượm vẻ tân kỳ. Dòng đời vì thế tuôn chảy sôi động, phấn khởi và nhanh hơn về hướng tương lai.

Vì thế, với Hà Nội, rất nhiều những mùa đông mới sau này, dù đất trời vẫn thường rét lạnh, nhưng lại là một mùa đẹp, mùa ai đi xa cũng nhớ, mùa ấm áp trong lòng nhiều người.

Phạm Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-viet-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-co-nhung-mua-dong-chi-cua-rieng-ha-noi-676959.html