Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào': Để Hà Nội mãi xanh
Khi còn là sinh viên, tôi thường đạp xe đi học, đi chơi quanh phố phường Hà Nội, điều khiến tôi ấn tượng nhất là các con sông, ao, hồ xen kẽ với những hàng cây xanh cổ thụ nằm trong lòng thành phố. Thế nên, trong lòng tôi luôn mong ước có một ngày những con sông ô nhiễm như Tô Lịch sẽ được hồi sinh.
Lần đầu đặt chân tới Hà Nội, sau khi tới điểm thi đại học làm thủ tục dự thi, anh trai tôi đã đưa tôi đi bằng xe máy đến hồ Tây, nơi có nhiều kỷ niệm với anh. Tôi ngồi phía sau, gió thổi từ hồ lên mát rượi khác hẳn với không khí oi bức của mùa hè đang bao phủ khắp Hà Nội lúc bấy giờ. Đi qua một đoạn đường bên cạnh bờ hồ có trồng rất nhiều hoa sen, gió đưa hương thơm thoang thoảng rất dễ chịu khiến tôi phải nhận định lại về Hà Nội, có những nơi xanh, đẹp như vậy chứ không chỉ có khói bụi ô nhiễm và tắc đường.
Đối lập với cảm giác dễ chịu ấy, là khi phải đi qua những cung đường nằm ngay sát bờ sông Tô Lịch. Mùi hôi nồng nặc khiến tôi thấy cảm thương cho những con người hằng ngày phải sống, làm việc cạnh con sông và thương cho cả dòng sông.
Khi đọc sách, báo tìm hiểu về sông Tô Lịch, tôi mới biết xưa kia sông Tô từng rất trong xanh, cảnh vật nên thơ. Thậm chí từng có những câu thơ, câu ca dao đã miêu tả dòng sông hết sức lãng mạn: "Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh/ Dừng chèo muốn tỏ âm tình/ Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu", hay: "Hỡi cô đội nón quai thao/ Đi qua Thanh Liệt thì vào làng anh/ Làng anh Tô Lịch trong xanh/ Có nhiều vải, nhãn ngon lành em ăn"... Con sông còn là một phần tạo nên “Tứ giác nước” (cùng với sông Hồng, sông Kim Ngưu) bao bọc và có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội của Thăng Long xưa.
Sau này, vì sông Hồng đổi dòng mà sông Tô Lịch không còn nước chảy vào để làm sạch sông một cách tự nhiên nữa. Sông Tô Lịch trở thành “sông chết” từ đó. Hai từ “sông chết” nghe thật buồn, thật tiếc cho một dòng sông đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của lịch sử.
Mong muốn hồi sinh dòng sông Tô Lịch nên kể từ năm 1990, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tìm nhiều phương án để cải tạo sông Tô Lịch. Nhưng kết quả không mấy khả quan, sông Tô Lịch và những dòng sông khác của Hà Nội ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn bởi rác, chất thải, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vẫn đổ thẳng xuống các dòng sông.
Tháng 10 năm 2016, hệ thống xử lý nước thải Yên Xá được khởi công xây dựng, dự kiến sẽ đi vào vận hành thử nhà máy vào quý II năm 2024 và khai thác vào cuối năm 2024 (đối với gói thầu 1). Các cơ quan, đơn vị liên quan cũng đang cố gắng hoàn thành thi công xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính, dẫn nước về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong năm 2024 (đối với gói thầu 2). Dự kiến sau khi hoàn thành, cả 4 gói thầu chính, hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m3/ngày đêm đi vào vận hành toàn bộ (mục tiêu là năm 2025) sẽ đem lại “sự sống” cho sông Tô Lịch và cả sông Lừ, trả lại không gian xanh bao năm chờ mong của Hà Nội.
Tuy nhiên, để hồi sinh hoàn toàn sông Tô Lịch và các dòng sông trong nội thành Hà Nội và lâu dài còn là gìn giữ, bảo vệ nữa, thì điều cần thiết nhất vẫn là sự thay đổi trong suy nghĩ, thói quen của người dân về việc bảo vệ môi trường sống, cảnh quan xung quanh các hồ, ao, sông chảy quanh Hà Nội. Với áp lực về dân số mỗi ngày một tăng của Thủ đô, việc xả rác bừa bãi, không phân loại rác trước khi xả thải vẫn thường xảy ra nên rất cần có chế tài và biện pháp xử lý cho phù hợp.
Chúng ta có thể học hỏi Nhật Bản đưa các vấn đề về giữ gìn bảo vệ môi trường sống vào các chương trình học ngoại khóa, giáo dục cho lứa tuổi mầm non, tiểu học để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ thế hệ trẻ. Ngoài ra, cần tuyên truyền sâu rộng về vấn đề ô nhiễm môi trường, tác hại của rác thải và khí thải gây ảnh hưởng tới sự nóng lên của trái đất, nêu các gương sáng về giữ gìn, bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội để tiếp cận từng người dân, khuyến khích họ thay đổi suy nghĩ theo lối sống văn minh, không xả rác bừa bãi ra môi trường.
Với tác dụng làm sạch nước một cách tự nhiên, đã thử nghiệm và cho kết quả khả quan trên sông Tô Lịch, việc trồng bè thủy trúc nên tiếp tục được phát huy, trồng mới trên các hồ, ao, các sông trong nội thành Hà Nội. Ngoài ra, sau khi hệ thống nước sông đã được lọc, chúng ta có thể học hỏi mô hình lọc nước cổ Kabata của người Nhật: Phân tầng nước sạch, nuôi cá chép để làm sạch nước sinh hoạt...
Tin rằng, với sự vào cuộc sát sao của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng với sự phối hợp tích cực của người dân, trong một thời gian không xa nữa, chúng ta sẽ thấy dòng sông Tô Lịch được hồi sinh. Những dòng nước trong xanh sẽ chảy trong lòng phố Hà Nội tạo ra một cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, để Hà Nội hoàn toàn xứng đáng là một thành phố đáng sống, là điểm đến để lại ấn tượng tuyệt vời trong lòng du khách trong nước và quốc tế!