Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào'Một đời cống hiến, một đời say mê

Sau ngày Giải phóng Thủ đô, anh công nhân Bùi Công Khê được tham gia một lớp học đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giảng dạy. Từ lớp học này, anh cùng các đồng nghiệp đã nuôi ý tưởng lớn, phấn đấu có nhiều đóng góp cho Thủ đô và đất nước.

Miệt mài nghiên cứu và phát triển ứng dụng vật liệu

Kỹ sư Bùi Công Khê (sinh năm 1941), Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội) là một tấm gương sáng về tinh thần lao động hăng say cống hiến cho đất nước.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từ một công nhân ở Xí nghiệp Dệt kim Mùa Đông, ngày đi làm, tối học bổ túc văn hóa cấp 3, Bùi Công Khê đã phấn đấu không ngừng để trở thành một nhà khoa học.

“Học xong bổ túc cấp 3, tôi đỗ đầu khối dự bị đại học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và được chọn đi học ở Liên Xô (cũ). Năm ấy tôi 25 tuổi (1966). Rào cản lớn nhất với tôi khi sang xứ lạ là ngoại ngữ, nhưng sau 6 năm rưỡi, tôi hoàn thành chương trình học về vật liệu điện tử, bán dẫn và trở về nước, công tác ở Viện Ứng dụng công nghệ” - ông chia sẻ.

Kỹ sư Bùi Công Khê thực hiện phun khử mùi khu vực chuồng trại tại đảo Trường Sa. Ảnh nhân vật cung cấp

Kỹ sư Bùi Công Khê thực hiện phun khử mùi khu vực chuồng trại tại đảo Trường Sa. Ảnh nhân vật cung cấp

Ham học hỏi, quyết tâm cao và thực tiễn sôi động của đời sống xã hội đã tôi luyện chàng kỹ sư trẻ Bùi Công Khê trở thành một nhà khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực vật liệu y sinh và vật liệu môi trường. Trước đây, trong y học, việc tái tạo những mảnh ghép này thường bằng vật liệu titan nhưng chi phí rất cao. Từ năm 1996, đề tài về vật liệu carbon trong y sinh do ông làm chủ nhiệm được ứng dụng rộng rãi trong các bệnh viện. Hàng chục nghìn bệnh nhân được băng bỏng và vá vết thương bằng băng carbon, hàng trăm bệnh nhân được vá sọ bằng vật liệu carbon. Tuy vậy, ông vẫn chưa hài lòng vì “những mảnh ghép này không được mỹ quan do nó có màu đen”.

Thực tế này thôi thúc ông tìm ra một loại vật liệu mới là nhựa peek, vừa đáp ứng tiêu chí về chất lượng, thẩm mỹ, vừa rẻ (giảm 1/3 - 1/5 chi phí so với titan). Đến nay, đã có hàng trăm bệnh nhân lấy lại được diện mạo bình thường nhờ nhựa peek.

Ngoài công trình “Công nghệ chế tạo và ứng dụng lồi cầu và thân xương hàm dưới bằng vật liệu y sinh peek” (đoạt Giải ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam 2017), mới đây, ông và nhóm nghiên cứu đã thành công khi chế tạo sản phẩm vá hộp sọ cho bệnh nhân cần phẫu thuật khuyết hổng hộp sọ từ vật liệu peek bằng công nghệ in 3D (đoạt Giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2022).

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), sản phẩm này đáp ứng mọi yêu cầu của bệnh nhân với nhiều thể loại kích thước, vị trí, hình dạng. Kỹ thuật mổ đơn giản, có thể phổ biến đại trà đến các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước, đạt thẩm mỹ cao và giá thành hợp lý.

Trong lĩnh vực vật liệu môi trường, kỹ sư Bùi Công Khê đã thành công khi nghiên cứu dung dịch diệt khuẩn AD và bột kích hoạt vi sinh Bioakliy xử lý môi trường và nước thải bệnh viện; chế phẩm Medipag-20 và bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv-eco xử lý bãi rác và khử mùi ở các khu chăn nuôi.

Đặc biệt, công trình “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ mới vào xử lý môi trường chăn nuôi, rác và nước thải trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn và đảo Trường Sa” của ông còn đoạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam 2016.

Vẹn nguyên ký ức

Những thành công mà kỹ sư Bùi Công Khê đạt được hôm nay không chỉ là sự cố gắng rèn luyện của bản thân. Đây còn là những điều ông học được từ một lớp học đặc biệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các học viên dự lớp bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội ngày 14-5-1966. Học viên Bùi Công Khê ngồi đầu hàng thứ 4 từ trên xuống. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các học viên dự lớp bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội ngày 14-5-1966. Học viên Bùi Công Khê ngồi đầu hàng thứ 4 từ trên xuống. Ảnh: Tư liệu

Kể về lớp học này, ông Khê nhớ lại: “Năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đi vào giai đoạn ác liệt nhất, Thành ủy Hà Nội tổ chức tập huấn bồi dưỡng lớp đảng viên mới cho công nhân và nông dân. Lớp đảng viên mới khối Công nghiệp mà tôi tham dự được tổ chức ngày 14-5-1966 tại trường Chu Văn An, có 169 học viên của 20 xí nghiệp trung ương và địa phương. Sau lời khai mạc của Bí thư Thành ủy Nguyễn Lam, thì Bác Hồ xuất hiện trong bộ quần áo lụa màu nâu giản dị. Cả lớp phấn khởi, vỗ tay vang hội trường. Đợi cho lớp học trở lại trật tự, Bác mới ôn tồn nói chuyện. Nội dung bài nói của Bác cho lớp công nhân chúng tôi, lúc ấy trình độ chỉ có cấp 2, cấp 3 thôi, rất dễ hiểu, đề cập đến những vấn đề rất cơ bản và thiết thực”...

Trong câu chuyện của mình, niềm vinh dự và tự hào nơi ông luôn hiện rõ. Ông bảo, có 3 bài học mà ông nhớ mãi: “Bài học sâu sắc nhất Bác dạy, đó là mục đích và động cơ vào Đảng. Vào Đảng là để phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, chứ không phải vào Đảng để thăng quan, phát tài. Về việc tu dưỡng, rèn luyện, Bác dạy, đảng viên phải coi việc tự kiểm điểm như rửa mặt hằng ngày, phải lấy 10 nhiệm vụ của đảng viên mà tự kiểm điểm. Về việc học tập, Người chỉ bảo: Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng; học phải đi đôi với hành, chứ không phải học để nói suông”.

Kỹ sư Bùi Công Khê nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ảnh nhân vật cung cấp

Kỹ sư Bùi Công Khê nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ảnh nhân vật cung cấp

Gần 60 năm đã qua, nhưng những câu chuyện về lớp bồi dưỡng đảng viên mới ngày đó vẫn khắc sâu trong tâm trí và những lời Bác dạy đã theo ông, truyền cảm hứng sống cho ông suốt cả cuộc đời.

Còn sức khỏe thì còn đóng góp cho xã hội

Ở tuổi ngoại bát tuần, mái tóc bạc trắng nhưng ông Bùi Công Khê vẫn giữ được một khí chất mạnh mẽ, tươi sáng.

Năm 2016, kỹ sư Bùi Công Khê là đại biểu cao tuổi nhất đoàn công tác trên chuyến tàu mang tên “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” thăm quần đảo Trường Sa. Chuyến ấy, ông đưa ra Trường Sa một chế phẩm “thần kỳ” mang tên Medipag-20 và bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv-eco để làm sạch chuồng trại khu chăn nuôi, giúp vật nuôi khỏe, tăng khả năng chống dịch bệnh. Lên các đảo, sau khi thống nhất với chỉ huy đảo và tổ kỹ thuật, ông tự tay pha chế các loại dung dịch, đeo bình phun tại hố rác, khu chuồng trại chăn nuôi. Như phép màu kỳ diệu, chỉ sau khoảng mươi phút, mọi mùi hôi đã biến mất. Bộ đội trên đảo không giấu nổi ngạc nhiên...

Kỹ sư Bùi Công Khê hướng dẫn bộ đội đảo Trường Sa áp dụng công nghệ phun vi sinh bảo vệ môi trường. Ảnh nhân vật cung cấp

Kỹ sư Bùi Công Khê hướng dẫn bộ đội đảo Trường Sa áp dụng công nghệ phun vi sinh bảo vệ môi trường. Ảnh nhân vật cung cấp

Niềm đam mê khoa học và tình yêu quê hương đã tiếp thêm động lực cho ông nghiên cứu. Không dừng lại, ông vẫn nuôi ước mơ được ứng dụng phun khử mùi và lọc nước trên toàn bộ các đảo và tàu, nhất là với các tàu chở hàng có vật nuôi cung cấp thực phẩm tươi sống ra đảo Trường Sa...

Trả lời thắc mắc sao không bớt việc để nghỉ ngơi, ông cười xòa: “Không ai bắt tôi đến tuổi này vẫn phải làm việc, nhưng tôi nghĩ mình còn sức khỏe thì nên đóng góp cho xã hội. Giá trị của khoa học là không giới hạn tuổi tác”.

Thời gian có thể làm dáng đi của ông chậm hơn nhưng nói đến khoa học, lĩnh vực nghiên cứu 50 năm nay, kỹ sư Bùi Công Khê vẫn tràn đầy khao khát sáng tạo. Mong cho ông luôn giữ được sức khỏe, sự năng động trong cảm xúc và tư duy để có thể thực hiện được trọn vẹn những dự định của mình.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-viet-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-mot-doi-cong-hien-mot-doi-say-me-675224.html