Bài toán dung hòa lợi ích

Chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump đang bị kẹt 'giữa hai làn đạn' trong việc xử lý mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ muốn Tổng thống 'mạnh tay hơn' trong việc đáp lại các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây vốn gây tổn hại sâu sắc cho mối quan hệ giữa hai bên, trong khi Washington không muốn đẩy tình hình căng thẳng hơn bởi những lợi ích ràng buộc với đồng minh trong NATO.

Mối quan hệ vốn không "xuôi chèo mát mái" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang rơi vào giai đoạn khó khăn khi hai đồng minh NATO không thể hóa giải được những mâu thuẫn âm ỉ lâu nay. Tổng thống T.Erdogan đe dọa đóng cửa hai căn cứ quân sự chiến lược được Mỹ sử dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Washington cảnh báo trừng phạt việc Ankara mua vũ khí của Nga. Theo Tổng thống T.Erdogan, Ankara có thể đóng cửa các căn cứ Incirlik và Kurecik ở miền ven biển tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria, nếu cần thiết. Giới chức quân sự Mỹ lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ an ninh nếu Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện lời đe dọa này. Hiện không quân Mỹ sử dụng căn cứ ở Incirlik cho các chiến dịch không kích nhằm vào cứ điểm của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria, còn căn cứ Kurecik là nơi đặt một trạm ra-đa chính của NATO.

Phản ứng gay gắt của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Washington đe dọa trừng phạt Ankara liên quan quyết định mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga. Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện Mỹ (SFRC) đã ủng hộ dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ankara sau chiến dịch tiến công quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria, cũng như thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400. Quyết định này là động thái mới nhất của Thượng viện Mỹ nhằm ép Tổng thống D.Trump triển khai chính sách cứng rắn đối với Ankara. Thượng nghị sĩ J.Risch, Chủ tịch SFRC nhấn mạnh, hiện là lúc Thượng viện đoàn kết và tận dụng cơ hội để làm thay đổi thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Những diễn biến căng thẳng mới khiến mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xấu đi. Nối tiếp động thái tương tự của Hạ viện Mỹ vào cuối tháng 10 vừa qua, Thượng viện Mỹ mới đây biểu quyết công nhận vụ thảm sát người Armenia năm 1915 dưới thời Ðế chế Ottoman là diệt chủng. Tuy nhiên, Tổng thống D.Trump vẫn chưa ký phê chuẩn dự luật này bởi không muốn đẩy mối quan hệ hiện nay với Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức thấp hơn nữa. Ankara đã triệu Ðại sứ Mỹ để bày tỏ sự thất vọng trước việc làm này của các thượng nghị sĩ Mỹ, chỉ trích động thái của Thượng viện Mỹ là "chính trị hóa" vấn đề lịch sử. Thực tế những tranh cãi chung quanh vụ thảm sát người Armenia thời Chiến tranh thế giới thứ nhất vẫn phủ bóng đen lên quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Armenia, Mỹ và hơn 20 quốc gia khác.

Trong khi đó, các nước thành viên NATO gần đây bày tỏ lo ngại trước các động thái đơn phương từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, sau nhiều lần cảnh báo thương vụ Ankara mua hệ thống S-400 có thể đe dọa an ninh của khối.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không chịu nhượng bộ trước sức ép từ NATO. Quốc gia này tiếp tục đưa ra những "mặc cả" đối với các đồng minh, trong khi tiếp tục thực thi chiến lược của riêng mình. Thổ Nhĩ Kỳ mới đây tuyên bố không chấp thuận kế hoạch phòng thủ các nước Baltic và Ba Lan của NATO cho đến khi các đối tác trong liên minh quân sự coi lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria là nhóm khủng bố. Ankara khẳng định sẽ ngăn chặn kế hoạch của NATO cho đến khi đề xuất phòng vệ của Thổ Nhĩ Kỳ được thông qua, trong đó yêu cầu NATO phải chứng thực quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về YPG.

Tổng thống Mỹ D.Trump đến nay vẫn tỏ ra kiềm chế trước những tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ khi ông chưa ủng hộ nghị quyết của Quốc hội Mỹ về "cuộc thảm sát người Armenia" dưới Ðế chế Ottoman. Người đứng đầu Nhà trắng bị chỉ trích là có thái độ mềm dẻo với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan. Tại cuộc hội đàm bên lề Hội nghị cấp cao NATO diễn ra ở Anh gần đây, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhất trí thúc đẩy thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD, đồng thời thảo luận tầm quan trọng của việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các cam kết của mình trong NATO và nhất trí cùng đối phó các thách thức an ninh khu vực và an ninh năng lượng.

Những "nhấn nhá" trong cách ứng xử giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy hai bên tiếp tục tìm cách bảo vệ các lợi ích riêng, song không muốn những bất đồng làm tổn hại tới cục diện chung của mối quan hệ đồng minh NATO. Xem ra, để dung hòa lợi ích là điều không dễ dàng với cả hai nước trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay.

ANH THƯ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42630402-bai-toan-dung-hoa-loi-ich.html