Bài toán hài hòa lợi ích trong hoạt động chế biến tinh bột dong

Sản xuất, chế biến tinh bột dong riềng góp phần giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho lao động địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường. Làm thế nào để hài hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường là bài toán mà huyện Bắc Yên đang quan tâm.

Cơ sở chế biến dong riềng của ông Phàng A Sáu, bản Háng Cao, xã Làng Chếu (Bắc Yên).

Cơ sở chế biến dong riềng của ông Phàng A Sáu, bản Háng Cao, xã Làng Chếu (Bắc Yên).

Xã Làng Chếu có gần 2.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 94 ha trồng cây dong riềng, sản lượng đạt trên 1.100 tấn/vụ. Để giải quyết đầu ra cho bà con trong xã, ông Sồng A Su, ở bản Cáo A đã đầu tư 700 triệu đồng hình thành khu chế biến tinh bột dong. Vụ sản xuất đầu tiên năm 2016, gia đình ông thu mua cho bà con khoảng 1.000 tấn củ và thuê 8 nhân công, trong 3 tháng chế biến được gần 110 tấn tinh bột. Giá thu mua củ dong riềng cho bà con tăng từ 1 nghìn đồng lên 3 đến 4 nghìn đồng/kg củ. Cùng với đó, giá bán tinh bột dong riềng thành phẩm tại xưởng ở mức 15-20 nghìn đồng/kg, cả người trồng dong và người chế biến đều có lợi. Học theo ông Mang, các ông Phàng A Chu và Phàng A Sáu, bản Háng Cao, cũng đầu tư vốn mua máy chế biến tinh bột dong riềng. Sản phẩm tinh bột dong riềng của các cơ sở này sản xuất được đánh giá cao về chất lượng, độ mịn, không lẫn tạp chất, nên được thương lái ưa chuộng.

Hàng năm, 4 xưởng chế biến tinh bột dong riềng của xã Làng Chếu thu mua khoảng 4.000 - 5.000 tấn củ dong riềng cho bà con. Như vậy, các hộ trồng dong riềng không phải lo bị ép giá, địa phương cũng giải quyết được việc làm thời vụ cho trên 40 lao động. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây dong riềng, xã Làng Chếu đã định hướng cho người dân, sử dụng 100 ha đất ruộng bậc thang sau vụ lúa để trồng cây dong riềng, cung cấp nguyên liệu cho các xưởng chế biến tinh bột và để tăng thêm thu nhập trên diện tích đất canh tác.

Hiện, trên địa bàn huyện Bắc Yên, ngoài 4 cơ sở chế biến tinh bột dong riềng ở xã Làng Chếu, còn có 2 cơ sở ở xã Tà Xùa, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở các tỉnh miền xuôi. Hầu hết các cơ sở chế biến tinh bột dong riềng đều có quy mô nhỏ, lẻ, với công suất hoạt động khoảng từ 3-5 tấn củ/ngày đêm, nguồn nguyên liệu chủ yếu thu mua ở các xã Xím Vàng, Hang Chú, một số xã dọc sông Đà của huyện Bắc Yên và huyện Mai Sơn.

Qua tìm hiểu thực tế ở các cơ sở sản xuất chế biến tinh bột dong riềng trên địa bàn huyện Bắc Yên, chúng tôi được biết, để chế biến 1 tấn củ dong riềng thường sử dụng bình quân khoảng 4-5 m³ nước và xả ra khoảng 600 kg vỏ bã. Lượng nước sử dụng cũng có thể tăng thêm tùy vào nguồn nguyên liệu đầu vào. Với khối lượng nước và bã thải tương đối lớn như vậy, việc ảnh hưởng đến môi trường là điều khó tránh khỏi nếu không có những giải pháp quyết liệt ngay từ đầu. Vì vậy, UBND huyện Bắc Yên đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phân công cán bộ bám sát địa bàn có hoạt động chế biến dong riềng để tuyên truyền, vận động và ký cam kết với các cơ sở chế biến dong riềng thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ môi trường trong sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn các chủ cơ sở chế biến dong riềng xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải trong sản xuất, không xả thải trực tiếp, tránh gây ô nhiễm môi trường; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động chế biến.

Trên thực tế, các xưởng chế biến dong riềng đã xây dựng bể xử lý nước thải, trung bình một bể có thể tích 6m³ và được chia thành 4-5 ngăn bể; tất cả các ngăn bể sử dụng phương pháp lắng cặn, lọc các vật có kích thước lớn, không tan trong nước và lót đáy bằng tấm bạt nilon để không ngấm nước ra môi trường. Trong sản xuất, nước thải được đưa vào lần lượt các ngăn của bể, đến ngăn cuối cùng sẽ được tận dụng để tưới cho cây trồng. Do củ dong riềng nguyên liệu thu mua rải rác, nên việc sản xuất cũng thường ngắt quãng. Bã dong riềng sau khi lắng cặn được phơi khô để làm chất đốt hoặc ủ thành phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, để tránh gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh khu vực cơ sở sản xuất, các chủ xưởng đã xử lý bụi bằng cách che, chắn cẩn thận khu vực đặt máy nghiền.

Mặc dù UBND huyện, các cơ quan chức năng, chính quyền các xã và các cơ sở sản xuất đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường, song, hệ thống xử lý nước thải, chất thải còn đơn giản, chưa thể khẳng định đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường. Vì vậy, để giảm thiểu và giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do chế biến dong riềng gây ra, bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường sống, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, các chủ cơ sở sản xuất chế biến dong riềng rất cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải phù hợp, không vì chạy theo thu nhập mà để xảy ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Làm được điều đó, nghề chế biến dong riềng mới phát triển bền vững.

Một số ý kiến

Ông Nguyễn Văn Nam

Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Bắc Yên

Hằng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tiến hành ký cam kết không xả thải gây ô nhiễm môi trường đối với 6 cơ sở chế biến tinh bột dong riềng tại hai xã Tà Xùa và Làng Chếu. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở này, nhằm kịp thời phát hiện trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất của cơ sở.

Ông Sồng A Mang

Bản Cáo A, xã Làng Chếu

Mỗi vụ dong riềng, gia đình tôi thu mua trên 1.000 tấn củ ở Làng Chếu, Chim Vàn, Xím Vàng để chế biến. Dự kiến vụ sản xuất năm nay, sẽ chế biến khoảng 150 tấn tinh bột thành phẩm, có khả năng thu nhập trên 250 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn thuê 10 lao động với mức tiền công từ 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày. Trong quá trình sản xuất, gia đình tôi đã thực hiện nhiều giải pháp theo hướng dẫn của cán bộ, huyện, xã; tới đây sẽ đầu tư mở rộng thêm các bể lắng để giảm thiểu ô nhiễm từ nước thải, chất thải.

Ông Hạng A Tồng

Bản Háng Cao, xã Làng Chếu

Gia đình tôi trồng 2 ha cây dong riềng, sản lượng đạt 20 tấn/vụ; giá bán năm nay trung bình được 3.000 đồng/kg. So với trồng cây lúa nương thì trồng dong riềng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Tôi mong chính quyền địa phương hướng dẫn cơ sở chế biến thực hiện tốt việc xử lý chất thải để họ sản xuất ổn định, bao tiêu sản phẩm cho bà con yên tâm sản xuất.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bai-toan-hai-hoa-loi-ich-trong-hoat-dong-che-bien-tinh-bot-dong-35974