Bài toán kinh doanh 2020 'cân não' doanh nghiệp
Hiện tại, có hơn 20 doanh nghiệp thua lỗ trong năm 2018 và 2019, nên bài toán kinh doanh năm 2020 là một thử thách lớn, bởi điều này quyết định việc doanh nghiệp ra đi hay ở lại sàn chứng khoán.
PXS sẽ dồn hết nguồn lực để lợi nhuận dương trở lại
Công ty cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PXS) từng là doanh nghiệp kinh doanh hiệu của ngành dầu khí trong giai đoạn 2013 - 2016, nhưng sự sụt giảm nguồn thu trầm trọng từ các hợp đồng và nợ vay lớn đã khiến hoạt động kinh doanh của Công ty đi xuống từ cuối năm 2017.
Năm 2018, PXS chỉ đạt doanh thu 233 tỷ đồng, giảm 72,1% so với năm 2017 và lỗ 85 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty lỗ gần 71 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019 và tiếp tục thua lỗ trong quý IV. Theo quy định, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu có 3 năm thua lỗ liên tiếp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Ngọc Tú, phụ trách công bố thông tin PXS cho biết, tình hình kinh doanh của Công ty trong hai năm 2018, 2019 liên tục khó khăn khi không có thêm các dự án mới, chi phí lãi vay lớn, khiến kết quả chung là thu không đủ bù chi.
Công ty đang dồn hết nguồn lực cho việc triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2020, với mục tiêu là không để lợi nhuận âm.
Hội đồng quản trị PXS đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu dự kiến 850 tỷ đồng và lợi nhuận là một con số dương.
Điểm sáng để Công ty trông chờ là dự án Long Sơn đã bắt đầu thực hiện thi công từ cuối năm 2019, doanh thu mục tiêu cho năm 2020 sẽ chủ yếu đến từ dự án này. Một số dự án khác như Thái Bình 2, Long Hậu 1 sẽ góp phần mang lại nguồn thu cho PXS.
Mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2020 là một con số dương của PXS là khả thi nếu Công ty hoàn thành kế hoạch doanh thu.
Biên lợi nhuận gộp của PXS (loại trừ khấu hao) trong những năm gần đây vào khoảng 18%, trong khi những chi phí cố định phát sinh (lãi vay, bán hàng, khấu hao) trong 4 năm qua có xu hướng giảm.
“Từ năm 2020, khi PXS bắt tay vào thi công khối lượng lớn công việc từ dự án Long Sơn sẽ đảm bảo hoạt động cốt lõi có lợi nhuận trong vài năm tiếp theo”, ông Tú cho biết.
PVX: Lịch sử khó lặp lại
Báo cáo kết quả kinh doanh tự lập của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) cho thấy, PVX lỗ gộp trên 148 tỷ đồng trong quý IV/2019.
Lũy kế cả năm 2019, Tổng công ty đạt doanh thu gần 1.939 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 198 tỷ đồng. Trong năm 2019, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của PVX âm gần 231 tỷ đồng, trong khi năm 2018, con số này là dương 267 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, khoản nợ phải trả ngắn hạn của PVX vào thời điểm 31/12/2019 là hơn 8.473 tỷ đồng, cao hơn tổng tài sản ngắn hạn (7.659 tỷ đồng). Như vậy, 2019 là năm thứ 3 liên tiếp PVX thua lỗ.
Đây không phải lần đầu tiên PVX đứng trước nguy cơ rời sàn khi năm 2012 - 2013 thua lỗ. Năm 2014, Tổng công ty thoát khỏi nguy cơ này vì có lãi trở lại, báo cáo kiểm toán ghi nhận doanh nghiệp lãi 4,04 tỷ đồng.
Lịch sử có lặp lại hay không thì phải chờ báo cáo kiểm toán năm 2019, song tình trạng kinh doanh tại PVX cho thấy, con số lỗ hiện nay cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, tại báo cáo soát xét bán niên 2019, Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam cho rằng, PVX thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Các yếu tố này dẫn đến nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp.
Giá cổ phiếu VCR tăng trước nguy cơ hủy niêm yết
Một doanh nghiệp khác đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR), khi năm 2019 lỗ hơn 8 tỷ đồng, ghi nhận 3 năm liên tiếp lợi nhuận âm, nâng tổng lỗ lũy kế lên 215 tỷ đồng.
Dù thua lỗ, song cổ phiếp VCR trên sàn chứng khoán từ đầu năm 2019 đến nay có một số đợt tăng giá mạnh.
VCR có chuỗi tăng giá từ hơn 5.000 đồng/cổ phiếu đầu năm 2019 lên trên 30.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 6, dù lợi nhuận hai quý này đều không phải con số dương.
Sau khi điều chỉnh xuống 15.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu VCR bật tăng lên ngưỡng 25.000 đồng trước khi giảm còn 8.000 đồng vào cuối tháng 1/2020.
Gần đây, cổ phiếu VCR có nhiều phiên tăng trần, ngày 20/2 đạt 13.300 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư T. H. Nam, người từng “say sóng” cổ phiếu VCR cho biết, đối với các dự án bất động sản, sóng cổ phiếu thường chạy theo triển vọng các dự án mà doanh nghiệp đang triển khai.
VCR từng là doanh nghiệp bất động sản lõi của Vinaconex (công ty mẹ), nhưng chính sự mở rộng thiếu kiểm soát đã làm cho doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy thua lỗ, mất kiểm soát.
Tuy nhiên, sau khi “thay máu” cổ đông, tái triển khai dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng VCR sẽ sớm “hồi sinh”.
Theo VCR, để dồn lực triển khai dự án Cái Giá - Cát Bà, Công ty đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ cho Vinaconex trong quý III/2019.
Ngoài ra, Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức đầu tháng 11/2019 của VCR đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ 144 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 400% cho nhà đầu tư chiến lược, giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thực hiện trong quý I/2020.
Toàn bộ số tiền thu về từ đợt phát hành sẽ dùng để bổ sung vốn cho dự án Cái Giá - Cát Bà.
VCR từng thoát “án” hủy niêm yết nhờ lãi 2,1 tỷ đồng năm 2014, sau khi 2 năm trước đó ghi nhận lỗ. Lần này, việc ra đi hay ở lại sàn chứng khoán của VCR chỉ chờ có báo cáo kiểm toán năm 2019.