Bài toán quản trị trong kỷ nguyên số (kỳ cuối)
7h30 sáng, tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Trị mới, những chiếc máy tính đã được bật lên, phần mềm quản lý một cửa sẵn sàng chờ thao tác. Nhưng câu hỏi không còn là máy có chạy không, mà là người ngồi máy đã quen chưa?
Từng có thực tế những cán bộ "mở máy" thì giỏi nhưng "mở lòng dân" thì kém. Ngược lại, nhiều cán bộ cấp xã vốn gần dân, hiểu dân, lại lúng túng khi phải thao tác trên hệ thống phần mềm, bị lỗi "xử lý hồ sơ" vì chưa đủ kỹ năng. Bài toán số hóa vì thế không chỉ là trang bị công nghệ, mà là huấn luyện tư duy; tư duy chuyển đổi từ làm bằng tay sang làm bằng trí tuệ số.
Khi phần mềm chưa thay được con người
Một cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở xã La Lay, tỉnh Quảng Trị mới nói rất thật: "Phần mềm Cổng dịch vụ công vận hành theo chuẩn, nhưng dân lên đây chủ yếu là người già, người dân tộc, đâu ai có tài khoản? Lại phải hỗ trợ khai hộ, chụp giấy tờ, in hồ sơ, cuối cùng vẫn là mình làm bằng tay". Ông không nói với vẻ chê trách, mà là để nhấn mạnh, chuyển đổi số phải dựa trên thực tiễn địa phương. Cùng một phần mềm, nhưng nơi có hạ tầng mạnh, người dân trẻ, thì xử lý dễ dàng. Ở vùng cao, vùng khó, phần mềm chỉ là một phần, còn phần lớn vẫn phụ thuộc vào cán bộ cơ sở.

Buổi họp đầu tiên sau sáp nhập tỉnh, thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp tại đặc khu Cồn Cỏ.
Ông Nguyễn Khánh Vũ (nguyên Bí thư Huyện ủy Hải Lăng), Bí thư Đảng ủy phường Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị mới, chia sẻ, có một tín hiệu tích cực, đó là sau cải cách, nhiều cán bộ trẻ 8x, 9x bắt đầu giữ các vị trí phụ trách chuyên môn hoặc tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã. Họ là những người có thể sử dụng thành thạo phần mềm, am hiểu mạng xã hội, và biết cách phổ biến công nghệ cho người dân.
Theo quan sát của PV Báo CAND, vào lúc 10h sáng 6/7, tại Trung tâm phục vụ hành chính công, phường Quảng Trị, hai bạn trẻ Hà và Nam, cùng sinh năm 2001, đang "giải cứu" các bác khu phố trưởng khỏi tình trạng quên mật khẩu, không tìm được nút nộp hồ sơ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều địa phương đang gấp rút tuyển dụng công chức trẻ giỏi công nghệ để bù vào khoảng trống năng lực số. Cải cách bộ máy là thời cơ để trẻ hóa đội ngũ, nhưng cũng đặt ra yêu cầu về đạo đức công vụ, kỹ năng mềm và khả năng thích ứng trong môi trường hành chính.
Một điều ít người nói nhưng ai cũng biết, công nghệ có thể giúp ngăn tiêu cực nếu hệ thống được giám sát tốt. Nhưng nếu không kiểm tra, thì ngay cả khi số hóa, tiêu cực vẫn có thể "ẩn mình" trong mã lệnh. Bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ, tỉnh Quảng Trị mới, chia sẻ: "Chúng tôi yêu cầu phải công khai kết quả xử lý hồ sơ trực tuyến. Cán bộ nào gây chậm trễ sẽ hiện ngay trên hệ thống. Có minh bạch mới khiến người làm việc tử tế không bị thiệt, người làm dối không thể ẩn mình". Chuyển đổi số không phải chỉ để rút ngắn thời gian, mà là để siết kỷ cương. Phải đi cùng với kiểm tra hậu kiểm, công bố thông tin, tạo áp lực ngược từ phía người dân để hệ thống không bị che.
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, trong những ngày đầu vận hành bộ máy mới, không ít cán bộ xã tại nhiều địa phương lo ngại rằng, chuyển đổi số đang tạo ra một khoảng cách giữa các vùng. Nơi mạnh thì bứt phá, nơi yếu thì mãi đi sau. Thực tế cho thấy, không phải tỉnh nào, xã nào cũng đủ hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền ổn định, nhân lực đủ chất lượng để áp dụng số hóa triệt để. Nhiều nơi, cán bộ phải gồng mình làm cả việc chuyên môn lẫn kỹ thuật, thậm chí phải tự học, tự sửa máy, tự lên mạng tìm giải pháp.
Ở xã La Lay, chị Hồ Thị Mây, công chức văn hóa, cho biết: "Mỗi lần mạng yếu là hồ sơ tắc. Dân không chờ được, lại phải viết tay. Mình muốn số hóa lắm, nhưng hạ tầng chưa cho phép. Chỉ mong có đội hỗ trợ kỹ thuật vùng sâu". Câu hỏi đặt ra, trong hành trình chuyển đổi, liệu có ai bị bỏ lại? Hay chỉ những nơi có điều kiện mới được gọi là chính quyền số?
Cán bộ thời số hóa không thể làm việc kiểu cũ. Không thể viết giấy tay, không thể trì hoãn báo cáo, không thể né trách nhiệm vì mọi thao tác đều để lại dấu vết số. Nhưng mặt khác, họ cũng có quyền tự bảo vệ mình nhờ vào dữ liệu minh bạch, quy trình rõ ràng. Thời đại mới không cần cán bộ văn vẻ, càng không cần cán bộ ẩn mình, mà cần những người làm việc như công chức, tư duy như kỹ sư, và đối thoại được như một người bạn với dân. Người máy không thể thay cán bộ. Nhưng cán bộ nếu không học, sẽ bị chính hệ thống số đào thải, không cần ai ra quyết định, mà chính công việc sẽ loại họ ra khỏi guồng quay hành chính mới.
Chuyển đổi không chỉ là công nghệ
Khi Chính phủ xác định xây dựng nền hành chính số là một trụ cột của quá trình chuyển đổi số quốc gia, điều đó không chỉ đơn thuần là việc trang bị hạ tầng công nghệ, phần mềm quản lý hay số hóa quy trình. Bản chất sâu xa hơn chính là thay đổi cách thức vận hành của bộ máy nhà nước, từ cơ học sang thông minh, từ giấy tờ sang dữ liệu, từ làm thủ công sang điều hành trên nền tảng số. Trong cuộc thay đổi lớn ấy, người cán bộ, công chức chính là điểm nút then chốt.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị mới.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Ngọc Lân (nguyên Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, tỉnh Quảng Trị cũ), Giám đốc Sở Ngoại vụ, tỉnh Quảng Trị mới, cho rằng, sẽ không có hành chính số thực chất nếu đội ngũ thực thi vẫn còn thói quen cũ, vẫn làm mới theo lối cũ, vẫn chờ hướng dẫn thay vì chủ động học hỏi và thích nghi.
"Vậy cán bộ cần làm gì trong thời kỳ hành chính số?", ông Lân đặt câu hỏi và nói rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất là người cán bộ phải xác định lại vai trò của mình trong một môi trường hành chính đang số hóa toàn diện. Nếu trước kia, cán bộ là người tiếp nhận, xử lý, ra quyết định theo quy trình giấy tờ, thì nay, họ là người thiết kế, vận hành và giám sát quy trình điện tử hóa.
"Trong mô hình chính quyền số, dữ liệu được thu thập tự động, xử lý qua hệ thống trung tâm, phần mềm giúp ra quyết định nhanh, chính xác. Vai trò của cán bộ không còn là người giữ giấy tờ mà trở thành người dẫn đường, người giải thích, người kiểm chứng và người giám sát", ông Lân nhấn mạnh: "Muốn làm được điều đó, cán bộ không thể chỉ dựa vào thâm niên công tác hay kinh nghiệm xử lý bằng tay. Họ cần chủ động làm mới mình, không chỉ về kỹ năng mà còn về tư duy công vụ, lấy phục vụ người dân làm trung tâm, lấy dữ liệu làm nguồn lực, lấy minh bạch làm nguyên tắc".
Hành chính số đòi hỏi một nền tảng kỹ năng số cơ bản và liên tục cập nhật. Đây không chỉ là chuyện biết dùng máy tính, mà là hiểu hệ thống phần mềm, biết vận hành dịch vụ công trực tuyến, biết xử lý và phân tích dữ liệu, biết đảm bảo an toàn thông tin. Thực tế cho thấy, trong những ngày qua, tại nhiều địa phương, không ít cán bộ, nhất là cấp cơ sở, vẫn lúng túng khi thao tác trên cổng dịch vụ công, chưa nắm rõ quy trình xử lý hồ sơ trực tuyến hoặc chưa phân biệt được đâu là chữ ký số hợp lệ. Đây là khoảng trống kỹ năng số cần được lấp đầy bằng các chương trình đào tạo thực chất, thiết kế riêng cho cán bộ hành chính.
Theo Luật sư Đặng Linh, Trưởng văn phòng luật sư Linh Đặng tại phường Nam Đông Hà, tỉnh Quảng Trị mới, bên cạnh kỹ thuật, điều quan trọng hơn là năng lực nhận thức số. Cán bộ phải hiểu vì sao cần số hóa, vì sao cần dữ liệu liên thông, vì sao không thể làm như cũ nữa, và vì sao người dân bây giờ không chấp nhận hành chính chậm trễ, thiếu minh bạch. Khi nhận thức thay đổi, hành vi mới có thể thay đổi. Chuyển sang hành chính số cũng đồng nghĩa với việc thay đổi thói quen làm việc đã tồn tại hàng chục năm trong bộ máy, từ "ký tươi" sang "ký số", từ lưu hồ sơ giấy sang lưu trữ điện tử, từ báo cáo miệng sang cập nhật thời gian thực trên hệ thống. Sự thay đổi ấy không dễ dàng nếu không có nỗ lực tự thân của mỗi cán bộ.
"Một vấn đề quan trọng khác, dữ liệu là nguyên liệu sống của hành chính số. Song đáng tiếc, hiện vẫn còn những cán bộ chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của dữ liệu, coi dữ liệu là việc bên kỹ thuật, của ai đó lo, chứ không gắn liền với trách nhiệm công vụ của mình", ông Linh lưu ý thêm.
Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị mới, hành chính số không chia tách theo phòng, ban, ngành như trước. Các dữ liệu và quy trình giờ đây liên thông từ công an đến địa chính, từ tư pháp đến y tế, từ an sinh đến thuế… Điều này đòi hỏi cán bộ không chỉ biết việc của mình, mà còn biết phối hợp, kết nối, chia sẻ trách nhiệm liên ngành. "Hành trình giải quyết một yêu cầu của người dân, ví dụ như đăng ký khai sinh, chuyển hộ khẩu, cấp giấy phép kinh doanh, giờ đây là một chuỗi liền mạch dữ liệu, chứ không phải 3 - 4 lần đến 3 - 4 cửa như trước. Cán bộ nếu không hiểu tổng thể chuỗi ấy, nếu xử lý ngắt quãng, hoặc không cập nhật kịp hệ thống, sẽ khiến người dân tiếp tục gặp phiền hà", ông Nam nêu ví dụ.
Cuối cùng, cũng theo ông Nam, hành chính số không chỉ là thay đổi công cụ, mà là định hình lại văn hóa công vụ. Trong môi trường điện tử, mọi thao tác xử lý đều để lại dấu vết. Không còn nói miệng, không còn ưu tiên ngầm… Cái còn lại là trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả được ghi nhận qua hệ thống. Vì vậy, người cán bộ cần chuyển hóa từ văn hóa xin - cho sang văn hóa phục vụ, từ được việc cho mình sang thuận tiện cho dân, từ sợ sai sang dám thử, dám chịu trách nhiệm!.
Từ 1/7/2025, nền hành chính mới đã chính thức vận hành, lặng lẽ mà đầy khát vọng. Trong các trụ sở xã, các Trung tâm phục vụ hành chính công, các phòng họp điện tử… những cán bộ, công chức đang làm công việc quen thuộc nhưng trong một cấu trúc hoàn toàn mới. Và trên mỗi gương mặt, vẫn hiện rõ một điều, họ không chỉ là người chấp hành mệnh lệnh, mà là những người đang gánh vác tương lai hành chính quốc gia. Từ chính sách đến niềm tin là một chặng đường dài. Nhưng chính hành trình ấy sẽ quyết định liệu cải cách có thực sự đi vào đời sống, hay chỉ dừng lại ở nghị trường. Câu trả lời đang được viết, ngay trong từng ngày làm việc hôm nay, tại Quảng Trị, và trên khắp đất nước.