Bài toán thiếu giáo viên đang được Quảng Ninh giải như thế nào?

Tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực đưa ra các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn.

Quảng Ninh nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Ảnh minh họa

Quảng Ninh nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Ảnh minh họa

Quảng Ninh: Khối trung học cơ sở thiếu nhiều giáo viên nhất

Theo báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức lễ khai giảng năm học 2024-2025 và Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh giao số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách cho các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh Quảng Ninh là 19.250 người làm việc và 1.145 chỉ tiêu hợp đồng lao động.

Như vậy, so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến đến đầu năm học 2024-2025, toàn bộ cơ sở giáo dục trong tỉnh thiếu 243 cán bộ quản lý và 2.264 giáo viên (chưa bao gồm số lượng nhân viên thiếu 1.911).

Cũng theo báo cáo trên, số lượng giáo viên thiếu nhiều diễn ra trong tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, thành phố Hạ Long thiếu 829, thị xã Đông Triều thiếu 466, thị xã Quảng Yên thiếu 446, thành phố Cẩm Phả thiếu 402, thành phố Móng Cái thiếu 642…

Dự báo, nhiều cơ sở giáo dục thuộc địa bàn khó khăn thiếu giáo viên do không có nguồn tuyển dụng, hợp đồng. Giáo viên thiếu nhiều trải đều ở các môn học trong đó đặc biệt thiếu ở giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

So với các cấp học, khối trung học cơ sở thiếu nhiều giáo viên nhất do học sinh tăng cao trong nhiều năm gần đây.

Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở Quảng Ninh

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đợt 1 - năm 2024. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đợt 1 - năm 2024. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh.

Để giải quyết tình trạng thiếu người làm việc nói trên và thực hiện lộ trình tinh giản 10% biên chế đến năm 2026, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cũng như các địa phương đang triển khai xây dựng điều chỉnh Đề án tự chủ giai đoạn 2023-2025 cho các cơ sở giáo dục để bổ sung số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành Đề án tự chủ (điều chỉnh) và đang đề nghị Sở Nội vụ thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Đối với việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, sau thời điểm được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu số người làm việc, một số địa phương như Hải Hà, Ba Chẽ, Cô Tô, Tiên Yên… đang triển khai kế hoạch tuyển dụng viên chức theo phân cấp tại Quyết định số 30/2022/QĐ-UBND ngày 3/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Bên cạnh đó, việc hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ đang tiếp tục triển khai tại Sở Giáo dục và Đào tạo và 13 địa phương trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên được ký kết hợp đồng lao động đối với số lượng còn thiếu so với định mức khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hình thức hợp đồng lao động xác định thời hạn (không quá 36 tháng).

Đồng thời, đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được Ủy ban nhân tỉnh giao 1.145 chỉ tiêu cũng đang triển khai tuyển hợp đồng lao động và sẽ thực hiện ký kết hợp đồng lao động (thời gian không quá 12 tháng).

Dự kiến đến đầu tháng 9, các đơn vị địa phương sẽ phê duyệt được danh sách và giao hiệu trưởng ký kết hợp đồng lao động.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng thiếu cục bộ giáo viên giữa các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ động, linh hoạt thực hiện rà soát, sắp xếp sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên bằng cách sử dụng hiệu quả hạ tầng kỹ thuật, tiếp tục bổ sung học liệu số (là tập hợp các tài liệu, phương tiện giáo dục được số hóa, lưu trữ và sử dụng trong quá trình dạy và học, có thể được sử dụng trên các thiết bị kỹ thuật số) các môn học.

Linh hoạt tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trực tiếp. Tiếp tục phân công bố trí giáo viên dạy liên trường cùng cấp học để giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ môn học.

Với những nỗ lực và giải pháp sát thực, hiệu quả như trên, hy vọng vấn đề thiếu giáo viên sẽ được ngành Giáo dục Quảng Ninh khắc phục, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.

Tuệ Nhi

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/bai-toan-thieu-giao-vien-dang-duoc-quang-ninh-giai-nhu-the-nao-179240826105741562.htm