Bài toán tự chủ nguyên phụ liệu của ngành dệt may

Trong bối cảnh chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump tác động không nhỏ đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành dệt may, bài toán tự chủ nguyên, phụ liệu được quan tâm hơn bao giờ hết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chưa tự chủ nguồn cung

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 70% trong số hơn 3.800 nhà máy dệt sản xuất các sản phẩm may mặc, chỉ có 6% sản xuất sợi, 17% sản xuất vải và 4% là các cơ sở nhuộm.

Hiện mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 400.000 tấn bông, nhưng chỉ có 3.000 tấn được cung cấp bởi các chuỗi cung ứng trong nước, tức tỷ lệ nội địa chưa đáp ứng được 1% nhu cầu. Còn sản xuất vải trong nước mới chỉ đạt khoảng 2,3 tỷ mét/năm, đáp ứng 25-30% nhu cầu.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký VITAS cho hay, thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành đã xúc tiến thành lập trung tâm nguyên phụ liệu. Năm 2004, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã gửi đề xuất đến Bộ Công thương về việc xây dựng 2 trung tâm, nhưng chưa thành hiện thực. Công ty May Sài Gòn 2 cũng từng dành hẳn một xưởng để làm trung tâm nguyên phụ liệu, nhưng sau vài tháng phải đóng cửa vì không hiệu quả.

Doanh nghiệp Việt Nam không thể làm những mặt hàng mà các quốc gia khác làm được. Cách mà chúng ta làm là tăng giá trị sản phẩm thông qua đầu tư máy móc thiết bị, con người và nguyên liệu.

“Các trung tâm này chưa thành công là do sự vào cuộc thiếu đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, việc sản xuất vải đưa vào trung tâm để trưng bày chưa thực hiện được, do vải không có, doanh nghiệp cũng ít quan tâm… Từ đó, tỷ lệ gia công vẫn cao, khách hàng “khắc phục” bằng phương án chỉ định lấy nguồn nguyên phụ liệu ở nước ngoài khi đặt hàng”, ông Cẩm chia sẻ.

Không ít doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc, Hàn Quốc... Với nguyên liệu bông, Việt Nam chưa có nguồn đất trồng; nguyên liệu sợi phải nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ…; công nghệ dệt, nhuộm tốn quá nhiều chi phí khi doanh nghiệp cần đầu tư khoảng 10-12 triệu USD/máy; hệ thống máy dệt cần đầu tư 50-100 triệu USD…

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, Phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM (AGTEK) cho hay, trung bình nguồn cung nguyên liệu cho ngành dệt may trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, gồm cả doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể cho ngành nguyên phụ liệu và chưa thúc đẩy dệt may thành ngành thời trang, nên hạn chế mở rộng thị trường tiêu thụ trong bối cảnh khó khăn chung.

“Hiện nay, thị trường kinh doanh giao dịch mua bán nguyên, phụ liệu dệt may, da giày tại Việt Nam hầu như không có. Chỉ có một vài chợ bán nguyên, phụ liệu hộ gia đình phục vụ kinh doanh nhỏ lẻ của thị trường nội địa. Những nhà máy có sản xuất nguyên, phụ liệu cũng chỉ đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất sản phẩm để xuất khẩu của chính nhà máy mình”, ông Việt thông tin.

Xây dựng nguồn cung bền vững

Thời gian qua, xuất khẩu diễn biến tích cực, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành công (TCM) cho rằng, ngành dệt may phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Với việc Mỹ áp thuế, đây sẽ là đòn giáng nặng nề cho dệt may Việt Nam. Vì vậy, bài toán đặt ra cho một lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành dệt may, da giày hiện nay là tìm nguồn cung nguyên liệu hoặc phải chạy theo sự chỉ định của khách hàng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hàng loạt chính sách mới từ các nước nhập khẩu đưa ra như truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị), tỷ lệ tái chế trong sản phẩm…

Để tăng cạnh tranh cho sản phẩm dệt may cũng như gia tăng xuất khẩu, ông Tùng cho rằng, cách duy nhất là phải tạo ra giá trị cao hơn cho sản phẩm.

“Doanh nghiệp Việt Nam không thể làm những mặt hàng mà các quốc gia khác làm được. Ví dụ Bangladesh đang làm các mặt hàng đơn giản vì chi phí lao động của họ thấp hơn ta, Việt Nam không nên cạnh tranh theo cách này. Cách mà chúng ta làm là tăng giá trị sản phẩm thông qua đầu tư máy móc thiết bị, con người và nguyên liệu”, ông Trần Như Tùng nêu quan điểm.

Về phía Việt Thắng Jean, theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT, trước chính sách thuế quan của Mỹ, doanh nghiệp đưa ra 3 phương án cho vùng nguyên liệu nhằm giảm thiểu rủi ro trong thời gian tới. Thứ nhất, lựa chọn các vùng nguyên liệu mà Mỹ không áp thuế. Thứ hai, chọn lựa các nhà sản xuất tại Việt Nam để liên kết sản xuất. Thứ ba, với những loại nguyên liệu không thể sản xuất tại Việt Nam và cũng không thể thu mua ở các quốc gia không bị áp thuế, doanh nghiệp buộc phải hợp tác với các đơn vị tại Trung Quốc. Qua đó, nhà sản xuất và nhà phân phối sẽ liên kết, chia sẻ về các chi phí phát sinh.

Ngoài ra, trước sự biến động toàn cầu, vòng xoáy xung đột thương mại dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, trong khi ngành dệt may phải nhập khẩu đến 65% nguồn nguyên liệu. Do đó, ông Việt mong muốn, Nhà nước thành lập quỹ hỗ trợ để ngành dệt may nội địa hóa nguồn nguyên liệu, ở mức 50-60%. Thông qua quỹ này, các doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) như Việt Thắng Jean đã áp dụng cách đây 5 năm. Qua đó, các doanh nghiệp có thể gia tăng tính cạnh tranh về thời gian giao hàng, giá cả thành phẩm và giảm bớt rủi ro về chính sách thuế quan của Mỹ.

Đặc biệt, từ kinh nghiệm triển khai của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị, cơ quan chức năng cần hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách, nguồn lực, đất đai, qua đó giúp các doanh nghiệp ổn định đầu tư, chuyển giao công nghệ, cũng như đẩy mạnh việc giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hỗ trợ các trung tâm nguyên phụ liệu phát triển.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bai-toan-tu-chu-nguyen-phu-lieu-cua-nganh-det-may-d267359.html