Bài văn tả mẹ là cơn lốc, câu cuối khiến tất cả chùng lòng
Bài văn tả mẹ của em học sinh tiểu học này từng gây 'bão mạng' vì lối viết hồn nhiên, hài hước mà đầy xúc động. Câu kết bất ngờ khiến nhiều người nghẹn ngào không nói nên lời.
Những bài văn của học trò tiểu học rất giàu cảm xúc, bởi những câu chữ không giống với bất kỳ bài văn mẫu nào. Trước đó, cộng đồng mạng từng liên tục chia sẻ một bài văn tả mẹ cực kỳ độc đáo, xúc động và đầy chân thực của một học sinh tiểu học.
Qua lời văn hồn nhiên, dí dỏm và chân thật đến nghẹn ngào, em nhỏ đã khắc họa hình ảnh người mẹ tảo tần, lam lũ nhưng tràn đầy yêu thương, khiến bất cứ ai đọc xong cũng lặng người suy ngẫm.

Nhiều bài văn của lừa tuổi tiểu học khiến người lớn phải nghẹn ngào, xúc động. Ảnh minh họa
Bài văn được thầy giáo có nickname Facebook Tạ Văn Khôi đăng tải. Ngay sau khi chia sẻ, bài viết đã nhận được hàng nghìn lượt tương tác bởi lối miêu tả hài hước mà thấm đẫm tình cảm con trẻ dành cho người mẹ thân yêu.
“Mẹ em tên Hiền. Mẹ không xinh lắm nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ vẫn phải ngước nhìn", đoạn mở đầu khiến nhiều người bật cười vì sự ngây thơ, đáng yêu.
Tuy nhiên, càng đọc tiếp, người ta càng cảm nhận rõ hơn cuộc sống vất vả, bộn bề của một người mẹ suốt ngày quần quật lo toan cho cả gia đình. Cậu bé ví mẹ mình là một “cơn lốc” - một hình ảnh ẩn dụ vừa hài hước, vừa chuẩn xác đến đau lòng: “Mẹ về đến nhà là cuốn sạch cái sân đầy lá mít cùng sỏi đá lẫn trái sấu non mà chúng em bày ra ban chiều. Mẹ cuốn đàn lợn vào giấc ngủ sâu êm đềm, quần áo lấm lem bùn đất vào chậu giặt. Tóm lại, mẹ có thể cuốn tất cả trừ một người lúc nào cũng say mèm là bố em.”

Bài văn tả mẹ từng gây bão mạng trước đó.
Chỉ vài dòng ngắn ngủi, nhưng đứa trẻ đã tái hiện được hình ảnh một người mẹ đảm đang, mạnh mẽ, làm hết mọi việc trong nhà, và cũng là người âm thầm chịu đựng những nỗi buồn, những giọt nước mắt không ai thấu.
Người mẹ trong bài văn còn rất khéo tay, từ việc nấu ăn, cuốc đất, chăm rau cho đến cả “dạy học” theo cách rất riêng của mình. Dù chữ mẹ “ngửa trái như lúa non gặp bão”, dù dạng toán mẹ dạy “cái gì cũng là nửa chu vi”, nhưng tất cả chỉ khiến người đọc thêm yêu, thêm trân trọng những gì người mẹ dành cho con cái.
Và rồi, đến cuối bài, câu văn đơn giản nhưng đầy ám ảnh đã khiến không ít người cay mắt: "Mẹ than thở với các dì: Tại ông ngoại không cho tao đi học. Nếu cho đi học chắc giờ thì tao đâu khổ thế này! Mẹ khóc".
Hình ảnh người mẹ bật khóc lặng lẽ hiện lên khiến người đọc chùng lòng. Một nỗi đau âm thầm vì bị thiệt thòi trong quá khứ, một giấc mơ dở dang đã theo mẹ đến tận hôm nay, trở thành gánh nặng của sự hy sinh, nuối tiếc và cả bất lực.
Bài văn ngắn gọn, ngôn từ mộc mạc, thậm chí có phần ngô nghê của trẻ nhỏ nhưng lại mang sức lay động lớn lao. Nó không chỉ khắc họa chân dung một người mẹ Việt Nam bình dị mà còn phản ánh thực tế cuộc sống của nhiều gia đình - nơi người phụ nữ âm thầm gánh vác, chịu đựng mà không hề than trách.
Đọc bài văn, nhiều người lớn đã thừa nhận: “Cười rồi nghẹn, rồi rưng rưng nước mắt”. Bởi đằng sau tiếng cười con trẻ là câu chuyện về tình mẫu tử, về những hy sinh không tên của người mẹ – một “cơn lốc” không chỉ dọn sạch lá sân, mà còn quét hết nỗi buồn trong lòng con cái.