Bám sát chủ trương của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn
Sáng 18.6, tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Bảo đảm toàn diện, sâu sắc
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.
ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu rõ, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Công đoàn 2012 đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Một số quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cùng với đó là những tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư đã và đang đặt ra cho đất nước ta và tổ chức công đoàn những thời cơ và thách thức mới. Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế đòi hỏi Công đoàn Việt Nam đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả truyền thống của tổ chức công đoàn, đồng thời phải khẳng định được vai trò chủ lực định hướng dẫn dắt phong trào công nhân trong tình hình mới.
Về phạm vi sửa đổi, theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 32/33 điều của Luật hiện hành, bổ sung 4 điều mới, bãi bỏ 1 điều của Luật hiện hành.
Nhất trí với việc sửa đổi toàn diện Luật hiện hành, song đại biểu Trần Khánh Thu cũng cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần thiết khác như xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt; việc tuyển dụng, công tác cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, phong trào công nhân hay khuyến khích xã hội hóa nguồn lực... cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi nhằm bảo đảm toàn diện, sâu sắc, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn.
Quy định rõ hơn thời giờ làm việc với cán bộ công đoàn không chuyên trách
Về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật quy định thời giờ làm việc trong một tháng đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Theo đó, phương án đề xuất là: quy định tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, Luật hiện hành đã quy định lượng hóa thời giờ hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn không chuyên trách gắn với từng chức danh của cán bộ công đoàn. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công đoàn hoạt động không chuyên trách thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của công đoàn trong thời gian qua.
Trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở, Bộ luật Lao động 2019 đã có cách tiếp cận mới về bảo đảm thời gian làm việc cho thành viên của các tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhấn mạnh, việc sửa đổi quy định về thời giờ làm việc trong một tháng đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách cần bảo đảm phù hợp với tính chất chức năng, nhiệm vụ đặc thù của Công đoàn Việt Nam được quy định tại Điều 10 Hiến pháp 2013.
Theo đó, Công đoàn Việt Nam đang thực hiện hai chức năng: tổ chức chính trị xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và tổ chức đại diện cho người lao động. Với hai chức năng này, ngoài nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Công đoàn sẽ thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của tổ chức chính trị xã hội mà tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp không có như tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
"Như vậy, nếu quy định “cào bằng” về thời gian làm việc đối với cán bộ công đoàn như tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp sẽ gây khó khăn cho cán bộ công đoàn". Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đồng tình với quy định về thời gian làm việc cho cán bộ công đoàn cơ sở cần bảo đảm phù hợp để cán bộ công đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ở góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) cho rằng, việc quy định về thời giờ làm việc trong một tháng đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách là chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định rõ hơn về thời giờ làm việc đối với các cán bộ công đoàn không chuyên trách tại các công đoàn cơ sở thuộc các ngành nghề cho phù hợp.