Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua phương án tinh gọn bộ máy đối với các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Thông qua phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Kết luận 121-KL/TW ngày 24/1 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo Kết luận 121-KL/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Cụ thể, đối với các cơ quan của Đảng, kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Bộ Ngoại giao và Đảng ủy Bộ Ngoại giao, kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương; ở cấp tỉnh.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Ảnh: TTXVN

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Ảnh: TTXVN

Thành lập 4 Đảng bộ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương; Đảng bộ Quốc hội; Đảng bộ Chính phủ; Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương.

Hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương. Đồng thời bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ mới và đổi tên Ban Kinh tế Trung ương thành Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.

Đối với các cơ quan của Quốc hội, kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc phòng, An ninh, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao; đổi tên Ủy ban Quốc phòng và An ninh thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.

Sáp nhập Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp thành Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa và Xã hội.

Đổi tên và nâng cấp 2 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội; Ban Công tác đại biểu thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.

Đối với các cơ quan của Chính phủ, hợp nhất các bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thành Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ.

Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.

Đồng ý chủ trương tổ chức lại hệ thống thanh tra trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Thanh tra Chính phủ và hệ thống các cơ quan thanh tra địa phương, thanh tra chuyên ngành hiện nay.

Đồng ý chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương theo hướng "tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở, không tổ chức công an cấp huyện. Riêng đối với những huyện đảo bố trí đồn công an (do không có đơn vị hành chính cấp xã). Thí điểm không lập tổ chức đảng ở công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tổ chức thực hiện

Về tổ chức thực hiện theo Kết luận 121-KL/TW, Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và chỉ đạo ban hành các quyết định, kết luận theo thẩm quyền việc kết thúc hoạt động, thành lập, hợp nhất, đổi tên các cơ quan, tổ chức Đảng đã nêu.

Giao Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện sắp xếp tổ chức các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, thể chế hóa các chủ trương, quy định của Đảng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Đồng thời giao Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ, các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện Đề án tổ chức lại hệ thống thanh tra và xây dựng kế hoạch thực hiện, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Giao Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương.

Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban đảng, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động cụ thể trình cấp có thẩm quyền quyết định để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là các nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2025; tiếp tục rà soát về cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác để đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Kết luận này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Kết luận 121-KL/TW nêu rõ trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, để tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là người đứng đầu quán triệt nguyên tắc, yêu cầu và chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong thời gian tới.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang-thong-qua-phuong-an-sap-xep-to-chuc-bo-may-371191.html