Bản chất kền kền
Không hiểu tạp chí CEOWORLD (Mỹ) dựa vào đâu mà năm 2021 xếp hạng Việt Nam đứng thứ 88/156 quốc gia tốt nhất thế giới dành cho phụ nữ. Sự việc tưởng như đã đi vào quá khứ, lãng quên về cái danh sách xếp hạng không khách quan ấy. Nhưng gần 3 năm sau, lợi dụng Ngày quốc tế phụ nữ 8-3, tổ chức khủng bố Việt Tân - đám 'kền kền ăn xác thối' ấy - lại có dịp đào lên để thi nhau 'cắn xé'.
Cụ thể, ngày 9-3-2023, Việt Tân cho đăng lại cái danh sách đó với dòng tiêu đề: “Top các quốc gia đáng sống nhất cho phụ nữ, không có Việt Nam”. Chúng cho rằng, mặc dù ở Việt Nam đang có trào lưu tôn vinh phụ nữ vào các ngày 8-3 và 20-10 nhưng quốc gia này không phải là nước đáng sống với phụ nữ. Chúng còn châm biếm bảng xếp hạng này là từ năm 2021, nhưng đến năm 2023 khả năng Việt Nam cũng không có thay đổi gì về thứ hạng. Ai cũng biết, tập tính của kền kền là kiếm ăn theo bầy đàn. Một con đầu đàn “rỉa” là tất cả cùng làm theo. Bởi vậy RFA, VOA tiếng Việt và một số đài, báo có cái nhìn thù địch với Việt Nam bắt đầu hùa theo. Dưới cách nhìn nhận, đánh giá của những kẻ tự xưng là dân chủ, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở nước ta đã trở nên méo mó, lệch lạc. RFA cũng nhân dịp này đăng tải một loạt bài nhằm gây nhiễu dư luận, bôi nhọ chính quyền như: Phụ nữ Việt Nam chưa được bảo vệ đúng mức vì hệ thống chính trị thiếu dân chủ; bình đẳng giới ở Việt Nam có tiến bộ không? Hay phụ nữ Việt Nam ý thức được quyền của họ đến đâu? Đài VOA tiếng Việt thì rêu rao rằng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vẫn thế, vẫn vật vờ vô dụng và vô nghĩa với nữ giới ở Việt Nam.
Riêng về bản danh sách kia của một tờ tạp chí không mấy tên tuổi, lại từ năm 2021 hầu như không có giá trị tham khảo đối với thực tế tại Việt Nam. Còn luận điệu cho rằng Việt Nam không quan tâm đến sự tiến bộ của phụ nữ là hoàn toàn bịa đặt và xuyên tạc trắng trợn đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Trong suốt hơn 93 năm từ khi thành lập đến nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Công tác phụ nữ luôn được Chính phủ Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt. Trong đó nội dung bảo vệ quyền và tăng cường vai trò đóng góp của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới được đặt lên hàng đầu. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ để nam, nữ bình quyền đã được quan tâm từ rất sớm và khẳng định nhất quán từ Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều thể hiện rõ quyết tâm thực hiện chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam. Những năm qua, Việt Nam liên tục bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới. Chúng ta đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Liên hợp quốc cùng nỗ lực để đảm bảo quyền phụ nữ và trẻ em gái. Việt Nam nhận thức rõ các vấn đề về giới nảy sinh trong quá trình chuyển đổi số. Điều này sẽ giúp các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực mới mẻ này. Đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái là một trong những nội dung quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa cam kết quốc tế về quyền con người, thúc đẩy bình đẳng giới. Bảo đảm nhân quyền luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Đây cũng chính là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại phiên họp cấp cao, khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra ngày 27-2-2023 tại Thụy Sĩ. Năm 2023, hưởng ứng chủ đề toàn cầu của Ngày quốc tế phụ nữ là đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới, Việt Nam đã có nhiều hoạt động cụ thể nhằm phá bỏ rào cản và trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện trong lĩnh vực công nghệ.
Phụ nữ Việt Nam ngày càng có thêm nhiều cơ hội khẳng định vị thế, vai trò, tầm quan trọng và đóng góp cho gia đình, cộng đồng, xã hội. Phụ nữ Việt Nam đã tự tin tham gia ngày một nhiều trong hệ thống chính trị. Đó là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới. Việt Nam đứng thứ tư ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử. Việt Nam đồng thời trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động. Cụ thể, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%, Việt Nam đã cao hơn so với mức trung bình 25,5% của thế giới. Theo thống kê, hiện ở Việt Nam phụ nữ chiếm 51% lực lượng lao động và đóng vai trò chính trong công việc gia đình, nuôi dạy con. Câu nói “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã trở thành tuyên ngôn của phụ nữ Việt Nam. Họ đã tham gia tích cực trên tất cả lĩnh vực như kinh tế, chính trị, quân sự - quốc phòng, văn hóa, xã hội. Họ đã tỏa sáng trước bạn bè quốc tế, khẳng định được vai trò của mình trong sự phát triển, vươn xa của đất nước. Điều đó đã được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tỉnh Bình Phước hiện có 10.457/25.313 cán bộ, công chức, viên chức nữ, chiếm 41,32%; trong đó, nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý là 1.256/3.720 người, chiếm 33,76%. Trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 14 nữ, chiếm 26,92% và Bình Phước là tỉnh có tỷ lệ nữ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cao nhất cả nước (5 nữ).
Các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ đã, đang đặt ra cho rất nhiều nước trên thế giới những khó khăn, thách thức trong tổ chức thực hiện và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại và bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái một phần vẫn còn xảy ra ở đâu đó trên đất nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam luôn quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ của Liên hợp quốc được Việt Nam hoàn thành sớm nhất trong số các quốc gia thành viên. Có được thành quả đó là nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm qua Việt Nam theo đuổi. Các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030, chúng ta đang nỗ lực thực hiện. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ, trẻ em gái phát triển toàn diện và phát huy vai trò của mình trong xã hội.
Những luận điệu cho rằng ở Việt Nam, quyền phụ nữ bị tước đoạt hay phụ nữ không ý thức được quyền của mình là những đánh giá thiển cận và hết sức phi lý. Những luận điệu xuyên tạc đó chỉ nhằm mục đích phủ nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ. Quyền của phụ nữ Việt Nam trong Hiến pháp, các văn bản pháp luật đều thể hiện rõ 2 yếu tố căn bản đó là bình đẳng và ưu tiên. Việc phụ nữ Việt Nam có hạnh phúc khi ở đất nước Việt Nam hay không thì chỉ họ mới có quyền đánh giá, nhận xét. Đám “kền kền” với những luận điệu xằng bậy hoàn toàn không có tư cách để nhận xét, đánh giá thay cho những người mẹ, người vợ “vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà”.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/142310/ban-chat-ken-ken