Ban Chỉ đạo Phòng, chống lãng phí họp phiên thứ nhất
Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính -Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Ảnh: Chính phủ
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự Phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Trước đó, ngày 17/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban; đồng thời, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
• ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, công tác phòng, chống lãng phí được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, là một trong những yếu tố quan trọng để gia tăng sức mạnh về nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển, làm giàu cho đất nước, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới.
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực nền kinh tế.
Trong đó, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế; giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai, năng lượng tái tạo, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương trước đây... Những công việc đã và đang làm vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu góp phần chống lãng phí.

Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng tham dự phiên họp
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều việc phải làm do lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng, hình thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.
Chính vì vậy, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống lãng phí để giải quyết, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế, tạo chuyển biến mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công tác này.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu nhìn thẳng vào sự thật, tập trung thảo luận đánh giá đúng tình hình, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống lãng phí tại tất cả các ngành, lĩnh vực, từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có việc sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất, tránh lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Các đại biểu đã rà soát lại các công việc đã triển khai, các kết quả đã đạt được; khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới; nhất là việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài.
Các đại biểu thống nhất đánh giá công tác chống lãng phí thời gian vừa qua đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, tích cực, được các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện và đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ.
Các bộ, cơ quan, địa phương đánh giá cao sự kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đang tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra.

Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng tham dự phiên họp
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã đề xuất dự kiến nội dung hoạt động năm 2025 của bộ, ngành mình phụ trách, các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Đồng thời trao đổi, thảo luận phương thức để tiếp tục phát huy vai trò của các Ban chỉ đạo đã thành lập song hành với hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí.
• CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LÃNG PHÍ PHẢI BÁM SÁT 5 PHƯƠNG CHÂM
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo, của các bộ, các ngành, các địa phương dự họp. Đồng thời, yêu cầu sau hội nghị, các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương xử lý kiến nghị của các địa phương; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp đầy đủ các ý kiến xác đáng, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành thông báo kết luận phiên họp, quyết định kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo theo tổ chức bộ máy mới, kế hoạch hoạt động năm 2025 của Ban Chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo để kịp thời triển khai thực hiện.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí theo Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thủ tướng đánh giá công tác chống lãng phí thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật chung đang tiếp tục được tập trung hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, đưa bổ sung các nguồn lực vào nền kinh tế.
Khẳng định những nỗ lực là kịp thời, hiệu quả, đạt kết quả cân đong đo đếm được, Thủ tướng cũng chỉ rõ công tác phòng, chống lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực; còn tình trạng lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực, đất đai, tài nguyên, tài sản công và tư, mua sắm công..., như nhiều cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích, ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhân dân và nguồn lực không được huy động cho sự phát triển.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Theo Thủ tướng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí phải bám sát 5 phương châm: Phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp. Phòng, chống lãng phí không có giới hạn về không gian và thời gian; làm liên tục, không ngừng nghỉ; làm từ trên xuống dưới, làm từ trong ra ngoài; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, thẩm quyền của ai thì người đó làm, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.
Phòng, chống lãng phí phải gắn kết với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Phòng, chống lãng phí phải gắn kết với sự phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực mới, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Phòng, chống lãng phí phải gắn với 3 đột phá chiến lược; tháo gỡ vướng mắc thể chế, vướng mắc tại các dự án lớn, huy động nguồn lực trong nhân dân và xã hội.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí tại thời điểm hiện nay trong tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, cả khu vực công và tư.
Tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, các chủ thể liên quan phải tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí, chỉ rõ vướng mắc, ách tắc ở đâu, thẩm quyền của ai thì người đó phải giải quyết.
Cùng với đó, rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Rà soát, sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.
Thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát công tác phối hợp sao cho chặt chẽ, hiệu quả theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo trước ngày 15/3/2025.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tự giác, tự lực, tự cường để phòng, chống lãng phí hiệu quả. Mỗi bộ, ngành, địa phương phải là những hạt nhân tiên phong khơi dậy mọi tiềm năng đưa đất nước vững bước tiến lên trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.