Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác ứng phó bão số 4

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng tây,từ sáng sớm đến trưa mai (30-8) đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Hiện tại các địa phương ven biển đã chủ động các phương án đề phòng ứng phó với cơn bão.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại huyện Diễn Châu. (Ảnh: THÀNH CHÂU, ĐÌNH PHƯỢNG)

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại huyện Diễn Châu. (Ảnh: THÀNH CHÂU, ĐÌNH PHƯỢNG)

Chiều 29-8, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại Nghệ An.

Báo cáo của Phó Chủ tịch UBND Nghệ An Đinh Viết Hồng nêu rõ: Thực hiện nghiêm công điện của TƯ, tỉnh Nghệ An đã kịp thời ban hành các công điện chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4 xuống các địa phương và ban, ngành liên quan. Các lực lượng vũ trang đã cử tám đoàn công tác xuống cơ sở, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão.

Đến chiều 29-8, gần 100% số tàu thuyền đánh cá Nghệ An và gần hai vạn lao động trên biển đã vào bờ và các tàu đã đến nơi neo đậu an toàn ở các cảng cá, khu neo đậu và thượng nguồn sông Lam. Riêng đối với tàu cá NA 95688 TS công suất 756 CV do ông Bùi Ngọc Kiêm, trú tại xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu làm thuyền trưởng, trên tàu có 16 thuyền viên, bị hỏng máy làm mát lúc 9 giờ ngày 29-8, cách Cửa Hội khoảng 75 hải lý về phía Đông Nam đã được tàu cứu nạn của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An tiếp cận. Đến hơn 20 giờ cùng ngày, tàu bị nạn đã về đến cảng Cửa Hội an toàn. UBND tỉnh đã có công điện cấm biển kể từ 6 giờ ngày 29-8.

Hiện có khoảng 1.260 khách du lịch đang lưu trú tại Thị xã Cửa Lò và Bãi Lữ. Tất cả các khách du lịch và chủ các cơ sở lưu trú đã nắm được thông tin về diễn biến cơn bão số 4.

Các địa phương đang huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa; Phương án di dời hơn bốn nghìn hộ với hơn 17.877 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm đã đã được các địa phương chuẩn bị sẵn sàng... nhất là các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quyét. Đặc biệt là tại bốn vị trí sạt lở đất ở các xã: Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam, Khối 4 thị trấn Kỳ Sơn, hiện nay địa phương đã sẵn sàng phương án di dời dân khi có mưa lũ đến nơi ở an toàn như Trụ sở UBND xã, Trường học, Đồn Biên phòng, ở nhờ các nhà dân.

Hiện các địa phương đã tập trung nhân lực, máy gặt liên hợp thu hoạch các diện tích lúa vùng thấp, trũng đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.; Tính đến thời điểm chiều nay, diện tích lúa đã thu hoạch được 46.000/62.472 ha gieo cấy; Đạt khoảng 75% diện tích.…

Hơn 53 km tuyến đê biển và kè biển đã được đầu tư nâng cấp đảm bảo chống được gió bão cấp 10 gặp triều cao trung bình tần suất 5% theo chương trình nâng cấp đê biển của Chính phủ. Các đoạn xung yếu và các tuyến đê cửa sông, các địa phương đã triển khai phương án bảo vệ…Hầu hết các hồ đập thủy lợi, thủy điện đều ở mức nước thấp hoặc mực nước chết. Các công ty Thủy lợi đã sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu, cống tiêu chính theo phương châm “gạn triều tiêu úng” để bảo vệ lúa và hoa màu, bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản; chống ngập úng ở vùng trũng.

Nhấn mạnh tinh thần chủ động ứng phó bão với phương châm 4 tại chỗ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh sự cố gắng của Nghệ An, đồng thời nhấn mạnh từ nay đến hết bão, tỉnh không được có tư tưởng chủ quan, lúc nào cũng phải luôn trong tư thế “càng cẩn thận, càng chu đáo bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu". Đặc biệt,tỉnh Nghệ An làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 4, nhất là việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ an toàn; tổ chức chằng buộc, gia cố nhà cửa, kho tàng cận thận; có phương án di dời dân ở vùng ven biển và vùng núi ra khỏi vùng nguy hiểm…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý: Cơn bão số 4 diễn biến rất phức tạp, nên không được chủ quan, lơ là. Các địa phương phải tiếp tục tiến hành rà soát và có phương án di dời kịp thời số hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở hay lũ ống, lũ quét và thấp trũng có nguy cơ ngập lụt cao. Tuyệt đối nghiêm cấm du khách không được ra tắm biển, hay chụp ảnh khi có sóng to. Tổng huy động các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ để giúp dân tiến hành thu hoạch hết số lúa ở vùng thấp trũng. Có phương án thu hoạch và chủ động các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại cho hơn 15 nghìn ha nuôi trồng thủy sản. Tổng rà soát số hồ đập thủy lợi, thủy điện để có phương án tích, xả nước đảm bảo an toàn cũng như tích trữ nước…Các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng chí Bộ trường và đoàn công tác đều tán thành.

Cùng ngày, Bộ trưởng và Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế công tác ứng phó với bão số 4 tại thị xã Cửa Lò và huyện Diễn Châu.

Phú Yên chủ động ứng phó với hoàn lưu sau bão

Phú Yên quản lý hơn 4.110 tàu thuyền khai thác hải sản. Đến chiều 29-8, có 417 tàu đang đánh bắt trên biển, trong đó 206 tàu hoạt động ở vùng biển Trường Sa và từ tỉnh Bình Định trở vào. Để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của bão, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã kêu gọi ngư dân vào bờ tránh trú bão, đồng thời cấm tàu thuyền ra khơi từ ngày 29-8.

Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão an toàn tại bến cá phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: TRÌNH KẾ)

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, hầu hết các tàu thuyền đều nắm được diễn biến của bão số 4, tìm nơi tránh trú an toàn và thường xuyên liên lạc với đất liền. Các tàu nằm bờ, chủ tàu cũng được thông báo không ra khơi, neo đậu chắc chắn và không ở lại trên tàu khibão đổ bộ.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, Phú Yên không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường và ảnh hưởng hoàn lưu sau bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng không được chủ quan, lơ là, tổ chức trực nghiêm túc, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu nhất xảy ra trong và sau bão.

Quảng Nam hiện có 118 tàu đang hoạt động trên biển

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến 6 giờ ngày 29-8, tỉnh Quảng Nam còn 118 tàu, với 2.826 lao động đang hoạt động trên biển; trong đó, có 61 tàu hoạt động xa bờ (với 2.467 lao động) đang hoạt động tại khu vực Trường Sa và có 57 tàu (với 359 lao động) hoạt động gần bờ.

Để giảm thiểu thiệt hại do bão số 4 gây ra, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các Đài thông tin tìm kiếm cứu nạn thường xuyên phát các bản tin về vị trí, diễn biến của bão cho các phương tiện tàu cá đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh hoặc di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ trực quân số, bảo đảm lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra; tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định để ngư dân nhận biết nhanh chóng vào bờ tránh trú an toàn…

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã ra lệnh tạm dừng hoạt động của tuyến thủy nội địa từ Cửa Đại đi Cù Lao Chàm nhằm bảo đảm an toàn cho du khách.

Theo đó, 152 phương tiện vận chuyển du lịch hoạt động đưa trả khách tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm đã tạm dừng hoạt động trong ngày 29-8. Sau đó, tùy tình hình thời tiết cơ quan chức năng sẽ có những hướng dẫn, chỉ đạo tiếp theo phù hợp với phương án phòng, chống thiên tai…

Tàu thuyền ở Nghệ An đã vào nơi neo đậu an toàn

Tính đến 15 giờ ngày 29-8, hầu hết tàu thuyền đang khai thác ven biển của tỉnh Nghệ An đã vào bờ và di chuyển đến nơi neo đậu an toàn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, để chủ động phòng chống bão số 4, từ 6 giờ sáng nay (29-8), tỉnh Nghệ An đã ban hành lệnh cấm biển không cho tàu thuyền ra khơi để bảo đảm an toàn; đồng thời, kêu gọi các tàu thuyền đang khai thác ven biển phải về khu vực neo đậu trước 15 giờ cùng ngày.
Hiện toàn tỉnh Nghệ An có 3.947 tàu thuyền, 18.700 lao động, trong đó 3.819 tàu thuyền đã vào bờ, di chuyển đến các neo đậu an toàn ở dọc sông Lam; một số cảng cá, khu neo đậu ở Quỳnh Lưu, Hoàng Mai. Có 76 tàu với 750 lao động đang neo đậu ở các tỉnh bạn và 36 phương tiện đang đánh bắt ven bờ đã nhận được thông tin đang trên đường vào bờ.

Các tàu cá sau khi vào bờ đã di chuyển lên thượng nguồn sông Lam để neo đậu tránh bão số 4. (Ảnh: THÀNH CHÂU)

Vào lúc 4 giờ ngày 29-8, tàu cá mang số hiệu NA 95688TS, do ông Bùi Ngọc Kiên (SN 1977) ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu làm thuyền trưởng đang trên đường vào bờ (khoảng 60 hải lý) thì bị hỏng máy, rò nước có nguy cơ bị chìm. Đã phát tín hiệu cấp cứu. Ngay sau khi nhận thông tin, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã cử tàu của Hải đội 2 do Đại úy Trương Văn Bịch, Phó Hải đội trưởng chỉ huy đến cứu nạn. Hiện lực lượng cứu nạn đang tiếp cận phương tiện để thực hiện các phương án cứu nạn.

Một số tàu cá neo đậu ở cảng cá Cửa Hội; 13 tàu biển đang làm hàng tại cảng Cửa Lò và 30 tàu công vụ phục vụ thi công cầu Bến Thủy 3… đã được các ngành chức năng vận động di chuyển tàu đi tránh bão nơi khác hoặc đến nơi neo đậu an toàn.

* Chiều 29-8, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, trên đường vào bờ tránh trú bão số 4, ba tàu cá của ngư trong tỉnh bị hỏng máy, phá nước đang phát tín hiệu cứu nạn. Cụ thể, tàu cá số hiệu QB 911.24 TS, do ông Nguyễn Quang Thoại, trú xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) làm chủ. Tàu cá bị hỏng máy và thả trôi cách cửa Nhật Lệ khoảng 150 hải lý, trên tàu có 14 thuyền viên.

Nhận được thông tin từ cơ quan chức năng, tàu kiểm ngư KN 365 đang lên đường đi cứu nạn. Dự kiến chiều tối nay, tàu cứu nạn sẽ tiếp cận được tàu cá bị nạn.

Tàu cá QB 98218 TS của ông Nguyễn Quang Hải ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) với 13 thuyền viên, bị hỏng máy cách vùng biển TP Đà Nẵng khoảng 26 hải lý.

Riêng trường hợp nguy cấp nhất là tàu cá QB 98799 TS của Nguyễn Văn Dũng, trú tại xã Quảng Trung, thị xã Ba Đòn, bị phá nước có nguy cơ sắp chìm trên vùng biển cách TP Đà Nẵng khoảng 25 hải lý. Trên tàu có sáu người.

Hiện, công tác cứu hộ hai tàu cá này đang khẩn trương được cơ quan chức năng và lực lượng Hải quân thực hiện.

Đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình vẫn còn 390 tàu cá với 2.460 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó ở vùng biển nguy hiểm có 12 tàu và 82 lao động đang tìm cách thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

* Liên quan đến cứu hộ, cứu nạn tàu cá. Lúc 20 giờ ngày 28-8, chị Đào Thị Lê, trú tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới đến trình báo tại Đồn Biên phòng Nhật Lệ với nội dung có chồng là Phạm Văn Dũng (SN 1972) làm thuyền trưởng tàu cá QB 91090 TS, trong lúc đang điều khiển phương tiện chạy vào sông Nhật Lệ trú bão số 4 thì lên cơn co giật, tay chân co rút, nghi bị tai biến.

Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Nhật Lệ liên lạc với tàu có người gặp nạn, hướng dẫn cách xử lý và cử cán bộ quân y khẩn trương tiếp cận và sơ cứu ban đầu cho nạn nhân ngay khi tàu cập bến. Hiện, anh Phạm Văn Dũng đang cấp cứu tại Bệnh viên đa khoa Đồng Hới.

Cứu người bị tai biến khi điều khiển tàu cá vào tránh bão. (Ảnh: HƯƠNG GIANG)

Cứu người bị tai biến khi điều khiển tàu cá vào tránh bão. (Ảnh: HƯƠNG GIANG)

Phố biển Cửa Lò triển khai ứng phó với bão số 4

Tính đến 16 giờ ngày 29-8, toàn bộ 350 ki ốt dọc bờ biển Cửa Lò đã đóng cửa. Các chủ ki ốt đã huy động người thân chằng buộc, gia cố nhà hàng; tiến hành sơ tán đồ đạc về nhà. Và tất cả mọi người phải rời khỏi các ki ốt này ngay trong tối nay. Trước thời điểm bão đổ bộ, trên địa bàn Cửa Lò có gần 1000 du khách. Thị xã Cửa Lò đã huy động mỗi phường 10 công an viên cùng với Trung tâm Cứu hộ phòng chống thiên tai và cơ quan chức năng tiến hành làm nhiệm vụ cảnh giới, yêu cầu và ngăn chặn không cho du khách tắm biển và cũng không được ra nơi có sóng lớn để chụp ảnh. Thị xã Cửa Lò cũng yêu cầu các ki ốt dọc bãi biển không được phục vụ du khách.

Đến chiều nay, công tác chặt tỉa cành trên các trục đường chính; kết hợp kiểm tra an toàn lưới điện cũng đã hoàn thành. Toàn bộ số lúa Hè thu và hoa màu đã được bà con thu hoạch gọn trước khi bão số 44 đổ bộ vào

Toàn bộ 246 tàu thuyền cùng 1.680 lao động của thị xã Cửa Lò đã vào bờ an toàn và đang lên thượng nguồn Sông Lam để neo đậu an toàn. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu các chủ tàu, thuyền tuyệt đối không được lưu trú trên tàu trước và sau bão

234 hộ với 584 nhân khẩu ở những vùng nguy hiểm đã có phương án và sẵn sàng di dời theo lệnh. “Các lực lượng dân quân, tự vệ, công an, bộ đội…cùng phương tiện, vật tư đã sẵn sàng cho công tác di dời dân cũng như ứng phó với các tình huống xẩy ra khi bão số 4 đổ bổ vào” Bí thư Thị xã Cửa Lò Trịnh Thị Kim Chi cho biết.

Thanh Hóa ứng phó bão số 4

Trưa ngày 29-8, tại UBND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Chính quyền địa phương, Bộ đội biên phòng cùng gia đình đã liên lạc được với các phương tiện TH 92688TS, TH 93869TS, TH 93738TS của xã Hòa Lộc cùng 27 lao động đã cập bến Ninh Cơ, tỉnh Nam Định. Chính quyền địa phương thường xuyên thông báo diễn biến bão số 4, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng, tránh, khẩn trương về nơi tránh trú bão.

Tính đến 16 giờ cùng ngày, Thanh Hóa có 7.242 tàu thuyền, 25.278 lao động đã về bến neo đậu; hiện còn 46 phương tiện, 276 lao động đánh bắt hải sản ven biển đang trên đường vào bến ở tỉnh Thanh Hóa. Chủ động ứng phó với bão số 4, cùng với việc kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các tàu thuyền, giữ liên lạc thường xuyên với các tàu còn hoạt động trên biển, neo đậu ở tỉnh ngoài; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền an toàn tại các bến, không để người trên phương tiện, các chòi nuôi trồng thủy sản.

Tàu thuyền cập bờ biển Ngư Lộc (Ảnh: MAI LUẬN)

Tàu thuyền cập bờ biển Ngư Lộc (Ảnh: MAI LUẬN)

TỈnh Thanh Hóa cấm biển từ 5 giờ ngày 29-8 đến khi bão suy yếu và tan dần. Các địa phương huy động tối đa nhân vật lực thu hoạch diện tích lúa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; tiến hành kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán dân đang sinh sống ở khu vực nguy hiểm, vùng mép nước, bãi sông, nơi trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn các hồ đập, nhất là các công trình đang thi công dỡ dang. Đến thời điểm này, nông dân các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch được 1.582 ha lúa. Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các địa phương chủ động khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước đệm, triển khai phương án phòng, chống ngập, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu.

Qua rà soát, tỉnh Thanh Hóa có 8.101 hộ sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi; 32 trọng điểm đê điều, 131 hồ đập nguy cơ mất an toàn, trong đó 15 hồ không tích nước. Hiện kè biển ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương; đê biển ở huyện Nga Sơn đang thi công dỡ dang và xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia là địa phương xung yếu tuyến biển. Đi đôi với chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý công trình thủy lợi, nhà thầu chủ động gia cố, tu bổ, chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực bảo đảm an toàn cho đê điều, hồ đập, chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Hiện các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa xuống các địa bàn được phân công kiểm tra, đôn đốc ứng phó với bão số 4.

Quảng Ngãi khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi và các ngành, địa phương liên quan khẩn trương liên lạc, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.

Tính đến chiều 29-8, toàn tỉnh còn 235 tàu với 1.549 ngư dân đang đánh bắt ở các vùng biển bị ảnh hưởng của bão số 4. Trong đó, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có 48 tàu với 357 ngư dân; vùng biển phía Bắc 17 tàu với 149 ngư dân; vùng biển Quảng Ngãi 170 tàu với 1.043 ngư dân.

Ngoài việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi phân công lực lượng trực 24/24 giờ triển khai các biện pháp ngăn cấm không cho tàu thuyền và ngư dân ra khơi, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần sẵn sàng đối phó với mưa, bão.

Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi cho biết, do ảnh hưởng cơn bão số 4, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to. Tại thôn Dương Quang, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức có khoảng 45 ha lúa hè thu bị ngã đổ, ngập trong nước.

Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản hỏa tốc đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung các lực lượng, điều tiết máy gặt đập, phương tiện hỗ trợ nông dân khẩn trương thu hoạch lúa hè thu, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Đối với cây rau, màu, các diện tích cây trồng đã đạt độ chín sinh lý, khẩn trương thu hoạch để tránh bão; các diện tích còn lại, sau bão khẩn trương tháo nước, khơi thông các dòng chảy, không được để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ.

HƯƠNG GIANG - TRÌNH KẾ - QUỐC VIỆT - THÀNH CHÂU - MAI LUẬN - HIỀN CỪ - ĐÌNH PHƯỢNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41385902-cac-dia-phuong-ven-bien-chu-dong-ung-pho-bao-so-4.html