Bàn chiến lược xuất khẩu quế 'đường dài' ở các thị trường FTA
Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp ngành quế ở Quảng Nam tận dụng tốt hơn các FTA đã được đề Hội thảo diễn tại Quảng Nam hôm nay (21/12)
Sản xuất quế manh mún, nhỏ lẻ
Tại Hội thảo trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành quế và kế hoạch cụ thể để tận dụng các FTA thế hệ mới vừa được tổ chức hôm nay (21/12) tại Quảng Nam, phía các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trồng quế đã nêu lên nhiều vấn đề tồn tại của ngành quế hiện nay trong việc kết nối từ cây giống tới việc trồng và chế biến quế; quy trình sản xuất, vốn và công nghệ. Các hạn chế trong việc tìm hiểu các quy định và tiếp cận thị trường xuất khẩu FTA đối với ngành quế; xây dựng thương hiệu và các vấn đề khó khăn khác trong đất đai, hải quan, tín dụng, logistics...
Ông Phạm Minh Sỹ - Đại diện Hợp tác xã quế Trà My Minh Phúc (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, đơn vị được xem là mô hình hợp tác xã trẻ, khởi nghiệp với chuỗi liên kết sản xuất tuần hoàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để nâng cao thương hiệu quế. Tuy nhiên, hiện đầu ra các sản phẩm từ quế còn manh mún, chủ yếu ở thị trường trong nước, chưa tận dụng được thị trường FTA để xuất khẩu. Hơn nữa, còn gặp khó khăn về mùa vụ. “Đối với quế Trà My, hiện chỉ thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, còn mùa vụ tháng 8 hầu như không khai thác được”, ông Sỹ trăn trở.
Ông Lê Minh Thảo – Phó Chủ tịch Hội Sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My chia hay, để đưa các sản phẩm từ quế xuất khẩu sang nước ngoài cần thương hiệu. Tuy nhiên, về chỉ dẫn địa lý hiện nay chưa có đăng ký bảo hộ ở các thị trường trọng điểm, chính vì thế rất mong sự hỗ trợ của các cấp ban, ngành từ trung ương đến địa phương, cùng xây dựng chỉ dẫn địa lý để giúp nâng cao giá trị loại cây này trên thị trường quốc tế.
Ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam thông tin, thời gian qua do thị trường xuất khẩu bị ngưng trệ, chất lượng quế Trà My giảm sút nên thị trường tiêu thụ bị thu hẹp dần, người dân địa phương phải chặt bỏ nhiều diện tích quế để trồng các loại cây khác.
“Hầu hết các sản phẩm quế, vỏ quế đều được thu mua qua thương lái và xuất khẩu tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc, chưa có doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài; diện tích trồng còn chưa tập trung; nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, nghiên cứu phát triển chất lượng sản phẩm còn hạn chế; nguồn nguyên liệu sản xuất chưa có tính ổn định cao, chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường xuất khẩu”, ông Minh cho hay.
Về các vấn đề doanh nghiệp quế Việt Nam gặp phải khi tận dụng FTA, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp chưa tận dụng hết dư địa thị trường FTA, thiếu và yếu về vốn, công nghệ, năng lực. “Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tư duy làm “thô”, chưa chú trọng làm thương hiệu; chưa quan tâm đúng mức về phát triển thương hiệu bền vững, thiếu kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau dẫn đến việc tận dụng FTA, nâng vị thế ngành quế Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu chính”, ông Ngô Chung Khanh nhìn nhận.
Định vị thị trường FTA thế hệ mới trong chiến lược xuất khẩu quế
Để ngành quế phát triển hơn nữa trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh đã đưa ra một số giải pháp đối với các cơ quan quản lý.
Theo ông Khanh, cần tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối khách hàng cho doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái cho ngành (cơ quan trung ương, địa phương, hiệp hội, công ty xuất khẩu chính, công ty tư vấn, nông dân, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào…); tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. Ví dụ có chương trình hỗ trợ riêng cho tận dụng FTA, nguồn tín dụng riêng, hỗ trợ xúc tiến thương mại… Đồng thời, phải tăng cường cung cấp thông tin, cập nhật chính sách cho doanh nghiệp.
Đối với góc độ doanh nghiệp, cần định vị thị trường FTA thế hệ mới trong chiến lược xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các thông tin và chính sách thị trường FTA để lên chiến lược tiếp cận các thị trường này. Phải tối ưu hóa chi phí và năng lực sản xuất thông qua kết nối với các doanh nghiệp khác; định hướng thay đổi từ gia công sang xây dựng thương hiệu.
Bà Nguyễn Thùy Linh - đại diện Vụ hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành quế phạm vi ứng dụng rất rộng, có thể sử dụng trong món ăn, đồ uống; sản phẩm thực phẩm, công nghiệp đồ uống hay dược phẩm, mỹ phẩm, dịch vụ chăm sóc con sức khỏe và vẻ đẹp con người. Chính vì thế, để khai thác được tiềm năng, ứng dụng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu phát triển sản phẩm, gia tăng sản xuất theo hướng giá trị.
“Đối với xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp phải lên chiến lược quảng bá gắn với tính chất đặc thù, kết nối cung cầu và phân phối, phát triển thị trường ngách. Nỗ lực kết nối, xuất khẩu sản phẩm sang các nước có nhu cầu để gia tăng giá trị cây quế”, bà Linh chia sẻ.
Cũng theo bà Linh, địa phương, doanh nghiệp, hộ trồng cần duy trì nguồn gen bản địa để giữ ưu thế đặc thù hương liệu và chất lượng; kiểm soát SPS; quy hoạch vùng và đảm bảo không thay thế, thu hẹp diện tích rừng tự nhiên từ đó ổn định năng suất, chất lượng và gắn với phát triển bền vững.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Huy – đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp quế. Theo ông Huy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường và thị hiếu tiêu dùng để từ đó điều chỉnh sản phẩm phù hợp với khách hàng. Xác định và xây dựng tầm nhìn phát triển thị trường một dài hạn một cách bài bản, chuyên nghiệp. Truy xuất nguồn gốc, chú trọng quảng bá chỉ dẫn địa lý. “Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức tiếp cận từ chủ động trải nghiệm thay thế trưng bày bị động đơn thuần, xây dựng câu chuyện kể lan tỏa và dần hình thình xu hướng cá nhân hóa”, ông Huy nói.