Bạn đọc Cần nâng mức hỗ trợ xây nhà tái định cư vùng sạt lở

TTH - Mới đầu mùa mưa bão, hơn 100 hộ dân ở hai xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) đã ba lần sơ tán và trước cơn bão số 8 đang diễn biến phức tạp, người dân có thể tiếp tục sơ tán thêm lần nữa.

Bờ biển Quảng Công bị sạt lở, lấn sâu vào rừng dương

Bờ biển Quảng Công bị sạt lở, lấn sâu vào rừng dương

Trước sự mất an toàn của sạt lở bờ biển, tỉnh đã đầu tư 150 tỷ đồng xây dựng kè chống sạt lở khu vực xã Quảng Công giai đoạn 1 chiều dài 1,5km. Công trình hoàn thành, có nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu dân cư với 494 hộ của các thôn Hải Thành, Tân Thành và An Lộc; tạo tiền đề cho việc từng bước hình thành hệ thống công trình chống sạt lở bờ biển từ Quảng Điền đến Phong Điền.

Tuy nhiên, bờ biển Quảng Công đoạn chưa xây kè tiếp tục bị sạt lở nặng, lấn sâu vào khu dân cư. Bờ biển Quảng Ngạn cũng bị sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa bão. Trong khi chờ đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Quảng Công giai đoạn 2 cũng như kè biển Quảng Ngạn, hơn 100 hộ dân hai địa phương này cần được bố trí tái định cư (TĐC) an toàn.

Để bố trí TĐC cho dân, huyện Quảng Điền đã quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu TĐC. Tuy nhiên các khu TĐC đến nay vẫn chưa có điện, trong khi điện lưới quốc gia cách xa khu TĐC nên người dân gặp khó khăn trong việc đấu nối đưa điện vào nhà. Kinh phí hỗ trợ TĐC quá thấp chỉ hơn 20 triệu đồng, không đủ điều kiện xây nhà mới, vì vậy người dân còn ngần ngại, không mặn mà khi chuyển đến nơi ở mới.

Ông Trương Quảng ở thôn Tân Hải đã nhận tiền hỗ trợ TĐC, nhưng đến nay mới xây dựng xong phần móng nhà. Do không có kinh phí tiếp tục xây nhà nên ông Quảng xin trả lại tiền hỗ trợ, không tiếp tục xây nhà mà tạm ở nơi vùng sạt lở. Chính quyền địa phương tiếp tục vận động hộ này cũng như các hộ trong vùng sạt lở chấp hành TĐC nhằm đảm bảo an toàn. Trước mắt, hộ ông Hải cũng như các hộ khác tạm sinh sống với nhà bố mẹ, anh em trong mùa mưa bão.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn - ông Phan Văn Trí chia sẻ, TĐC cho dân vùng sạt lở bờ biển đang thật sự khó khăn đối với chính quyền địa phương. Khu vực TĐC tuy được quy hoạch, xây dựng hạ tầng nhưng còn hạn chế, mới có đường chính phía trước nhà, hệ thống đường xen kẽ giữa các dãy nhà chưa có. Hệ thống điện, như trạm biến áp vẫn chưa được xây dựng. Trong quá trình vận động TĐC cho dân ven biển lên sinh sống tập trung gặp khó khăn, do tập quán đánh bắt biển, mỗi ghe phải có ít nhất ba, bốn ngư dân; khi chuyển đến TĐC tập trung sẽ có nguy cơ mất bạn thuyền, không thuận lợi cho nghề khai thác biển.

Ông Trí cho rằng, qua tuyên truyền, vận động, người dân thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi trong việc TĐC nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân còn nhiều khó khăn, thiếu kinh phí xây nhà, trong khi mức hỗ trợ TĐC mỗi hộ 20 triệu đồng là quá thấp. Trong điều kiện khó khăn chung, người dân có nguyện vọng bố trí TĐC xen ghép tại các thôn, được tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ thêm kinh phí xây nhà.

Quảng Ngạn có trên 110 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, mất an toàn. Từ năm 2009 – 2020, toàn xã có 32 hộ đã bố trí TĐC tại khu tập trung thôn Tân Mỹ, các khu xen ghép thôn: Tây Hải, Tân Mỹ, Đông Hải. Giai đoạn 2021-2025, xã Quảng Ngạn có 80 hộ cần phải TĐC do sạt lở bờ biển theo kế hoạch.

Chủ tịch UBND xã Quảng Công, ông Nguyễn Hữu Truyền thông tin, chính quyền địa phương đã quy hoạch, xây dựng khu TĐC cho 25 hộ dân vùng sạt lở bờ biển giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay là một số hạng mục hạ tầng tại khu TĐC chưa hoàn thiện, một phần kinh phí hỗ trợ xây nhà quá thấp nên người dân gặp khó khăn trong việc chuyển đến nơi ở mới. Các cấp, ban ngành cần có giải pháp nâng mức hỗ trợ xây nhà cho người dân; có thể vận dụng linh hoạt, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án (DA) TĐC, DA xây nhà chống bão lũ, DA xóa nhà tạm… để hỗ trợ người dân có điều kiện xây nhà. Trước mắt, địa phương triển khai phương án sơ tán các hộ vùng sạt lở nhằm đảm bảo an toàn khi mưa bão lớn xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo cho biết, qua kiểm tra, rà soát tại các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ biển do thiên tai, UBND huyện tổng hợp nhu cầu bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, hai xã vùng biển Quảng Công, Quảng Ngạn có 105 hộ TĐC với kinh phí hỗ trợ xây nhà hơn 3,1 tỷ đồng; xây dựng cơ bản 4,6 tỷ đồng, gồm hệ thống điện, nước, đường giao thông; hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi gia cầm 710 triệu đồng…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/can-nang-muc-ho-tro-xay-nha-tai-dinh-cu-vung-sat-lo-a105593.html