Bàn giải pháp mở rộng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Ngày 26-11, tại huyện Hòn Đất, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tổ chức trình diễn cơ giới hóa đồng bộ trong gieo sạ lúa và tọa đàm giải pháp mở rộng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Hòn Đất, các doanh nghiệp và Hợp tác xã Vinacam Hòn Đất cắt băng khởi động thực hiện dự án.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Hòn Đất, các doanh nghiệp và Hợp tác xã Vinacam Hòn Đất cắt băng khởi động thực hiện dự án.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, tổng kết tại 5 tỉnh thực hiện thí điểm mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp cho thấy năng suất vụ hè thu 2024 đạt từ 6,3 - 6,6 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 0,2 - 0,7 tấn/ha. Năng suất vụ vụ thu đông từ 6,2 - 6,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng ngoài mô hình từ 0 - 0,4 tấn/ha.

Tổng chí phí đầu vào giảm 10 - 15% so với đối chứng; giảm 40 - 50% lượng giống gieo; giảm 3 - 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật; giảm khoảng 30 - 40% lượng nước tưới. Hiệu quả kinh tế tăng từ 2,3 - 7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình; giảm phát thải khí nhà kính, trung bình 5,0 - 6,0 tấn CO2 tương đương/ha.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, để mở rộng diện tích thực hiện đề án đòi hỏi các địa phương tham gia cần thống nhất thực hiện đúng quy trình canh tác đã được các địa phương, nông dân áp dụng triển khai các mô hình thí điểm vừa qua và sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, định hướng tiêu thụ lúa gạo. Liên kết giữa các bên liên quan thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao có vai trò quan trọng đến việc triển khai thực hiện đạt được các tiêu chí, nâng được giá trị, thương hiệu lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước

Vì vậy, thời gian tới cần hình thành được liên kết cụ thể giữa các bên liên quan trong tham gia thực hiện đề án; các địa phương cần chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ các tổ khuyến nông cộng đồng; đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí phù hợp để họ tâm công tác, gắn bó hỗ trợ nông dân canh tác hiệu quả cao nhất.

Các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nông dân tích cực tham gia, bởi khi nông dân vào cuộc tích cực cùng sự chung tay của doanh nghiệp và các cấp chính quyền mới có thể thực hiện hiệu quả các dự án nói riêng, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nông dân hợp tác xã Vinacam Hòn Đất tham gia đề án 1 triệu ha thực hiện áp dụng cơ giới hóa vào gieo sạ vụ đông xuân 2024-2025.

Nông dân hợp tác xã Vinacam Hòn Đất tham gia đề án 1 triệu ha thực hiện áp dụng cơ giới hóa vào gieo sạ vụ đông xuân 2024-2025.

Thực hiện đề án 1 triệu ha, Kiên Giang triển khai 2 mô hình thí điểm trên hai vùng sinh thái khác nhau gồm 1 mô hình tại huyện Tân Hiệp đã cho thu hoạch với kết quả đáng phấn khởi; còn lại 1 mô hình 10ha trên vùng đất tôm lúa tại xã Đông Thạnh, huyện An Minh hiện lúa trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, phát triển tốt.

Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 triển khai thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 100.000ha, đạt 200.000ha vào năm 2030, tỉnh phấn đấu thực hiện đạt sớm hơn 1 năm.

Trong thực hiện các mô hình thí điểm trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn do thiếu máy móc, thiết bị gieo sạ tập trung; một bộ phận nông dân chưa mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, canh tác. Trước thực trạng trên, tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động từ các địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ đảm bảo cho việc thực hiện thí điểm đề án.

Tin và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/nong-nghiep/ban-giai-phap-mo-rong-vung-chuyen-canh-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-23326.html