Ban Giao thông góp ý về việc lập Ban Giao thông mới
Ban Giao thông thống nhất việc thành lập Ban Giao thông trọng điểm, song cần có một số góp ý cho phù hợp, đảm bảo mối quan hệ giữa hai ban.
Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) vừa có văn bản gửi Sở GTVT TP.HCM để góp ý về dự thảo Đề án thành lập Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành giao thông trực thuộc UBND TP.HCM.
"Ban Giao thông thống nhất chủ trương thành lập thêm một Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông (tạm gọi là Ban Giao thông mới) trực thuộc UBND TP.HCM, cùng triển khai các dự án giao thông của TP trong giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình", văn bản của Ban Giao thông nêu rõ.
Ban Giao thông đề nghị việc thành lập và đưa vào hoạt động Ban Giao thông mới cần đảm bảo các yêu cầu sau: Đảm bảo sự tồn tại song song, phối hợp hài hòa giữa Ban Giao thông mới và Ban Giao thông hiện hữu. Từ đó, nhằm tạo ra một sự phát triển vượt trội trong nguồn nhân lực và tiến độ, hiệu quả triển khai các dự án giao thông Thành phố trong giai đoạn mới.
Đồng thời, đảm bảo không biến Ban Giao thông hiện hữu trở thành một Ban Quản lý dự án “loại 2" (chỉ triển khai các dự án giao thông nhóm B và không được giao triển khai thêm các dự án giao thông mới như được nêu trong phần “Phạm vi hoạt động” của Ban Giao thông mới trong dự thảo Đề án).
Đảm bảo không lãng phí nguồn nhân lực 238 cán bộ công nhân viên của Ban Giao thông hiện nay. Đây là một đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, năng lực triển khai; đã và đang đóng góp chủ đạo vào sự phát triển hệ thống hạ tầng giao thông TP.
Đảm bảo không xảy ra rủi ro trong tương lai khi đặt tất cả các dự án giao thông trọng điểm, dự án giao thông nhóm A và tất cả các dự án giao thông trong tương lai vào Ban Giao thông mới vì: Cần phải có thời gian và thực tiễn để khẳng định được năng lực điều hành, khả năng triển khai dự án.....của Ban Giao thông mới.
Bên cạnh đó là đảm bảo không làm xáo trộn về tâm lý, động lực làm việc của 238 cán bộ công nhân viên Ban Giao thông hiện nay. Vì nếu như theo dự thảo Đề án thì Ban giao thông hiện hữu có thể sẽ phải chấm dứt hoạt động sau 2 năm nữa - khi kết thúc các dự án hiện hữu và sẽ không được giao thêm nhiệm vụ mới và trở thành một Ban Quản lý dự án “loại 2".
Để thực sự góp sức vào sự phát triển của ngành Giao thông TP, thực sự giảm tải cho Ban Giao thông hiện hữu, Ban Giao thông mới cần tiếp nhận một số dự án tồn đọng kéo dài (được Ban Giao thông tiếp nhận từ các Khu Quản lý giao thông đô thị trực thuộc Sở GTVT trước đây) để cùng với Ban Giao thông hiện hữu đẩy nhanh quá trình xử lý các dự án giao thông tồn đọng, kéo dài của ngành giao thông TP.
Ban Giao thông góp ý: lý do chính để thành lập thêm 1 Ban Giao thông mới là để có thêm nguồn nhân lực để cùng với Ban Giao thông hiện hữu triển khai dự án nhằm đáp ứng tình hình quy mô, số lượng và nguồn vốn các dự án giao thông của TP.HCM sẽ tăng nhanh trong giai đoạn 2025-2030; chứ không phải vì Ban Giao thông hiện hữu đang quá tải và yếu kém như được nêu trong dự thảo.
Ban Giao thông giải thích Ban được giao làm chủ đầu tư là 162 dự án. Trong đó, đã bao gồm 67 dự án đã và đang quyết toán hoàn thành, 24 dự án đang chuẩn bị đầu tư nên nhiệm vụ, công tác trọng tâm trên thực tế chỉ tập trung vào 71 dự án. Bao gồm 23 dự án đang trực tiếp thi công và 48 dự án đang tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong Bồi thường GPMB.
Nhiều năm qua, tỉ lệ giải ngân của Ban Giao thông đạt trên 70% cho đến cuối năm và một số dự án chậm có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, ngoài một số bất cập trong hoạt động của Ban Giao thông thì đa số nguyên nhân nằm ở những chậm trễ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở các địa phương.
Ban Giao thông mới sẽ tồn tại song song, cùng với Ban Giao thông hiện hữu, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, dự án nhóm A, các dự án hiện nay và tương lai theo sự phân công giao nhiệm vụ của UBND TP. Ban Giao thông mới sẽ tập trung làm chủ đầu tư tất cả các dự án thực hiện theo cơ chế chính sách đặc thù Nghị quyết 98 và tất cả các dự án giao thông thực hiện theo hình thức PPP trong tương lai.
Ban Giao thông đề nghị thay đổi một số ý trong đề án từ "các dự án" thành một số dự án của Ban Giao thông mới.
Tương tự như vậy, Ban Giao thông kiến nghị về nội dung danh mục dự án giao Ban Giao thông mới như sau:
Một số dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A; tất cả dự án thực hiện theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15; tất cả dự án thực hiện theo hình thức PPP lĩnh vực giao thông (theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020).
Một số dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo quy định của pháp luật về xây dựng; Dự án chuyên ngành giao thông khác theo phân công"; Một số dự án chuyên ngành giao thông khác theo phân công"
Ban Giao thông cũng đề nghị loại bỏ “Ban điều hành dự án cao tốc Mộc Bài” ra khỏi Dự thảo vì hiện nay Ban Giao thông đã triển khai dự án này để kịp khởi công vào ngày 30-4-2025 nên tránh việc phát sinh chậm trễ khi chuyển giao dự án. Ban Giao thông mới nên tập trung làm chủ đầu tư các Dự án PPP mới trong tương lai.
Về mối quan hệ với Ban Giao thông hiện hữu: Ban Giao thông kiến nghị trong Đề án cần có một nội dung làm rõ mối quan hệ giữa Ban Giao thông mới và Ban Giao thông hiện hữu nhằm đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu như Ban Giao thông để đảm bảo sự phối hợp hài hòa, liên tục giữa 2 Ban. Từ đó, để phục vụ tốt nhất cho mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông TP trong thời gian tới.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-giao-thong-gop-y-ve-viec-lap-ban-giao-thong-moi-post822680.html