Bạn giờ ở nơi đâu?
Từ đầu năm đến nay, thời gian bố tôi ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Những đợt xét nghiệm, kiểm tra, phẫu thuật, hóa trị… liên tục khiến ông chủ tịch hội cựu chiến binh phải tạm rời xa các hoạt động của hội. Mỗi lần được bác sĩ cho xuất viện về nhà nghỉ ngơi, bố tôi cũng chỉ quanh quẩn nằm ở nhà vì không còn sức đạp xe hay tham gia họp hành. Chiều chiều, bố xách chiếc ghế xếp ra trước cửa nhà ngồi ngắm đường sá người qua lại. Tôi lấy cuốn sách đang đọc dở theo bố ra hiên nhà. Vừa đọc sách tôi vừa ngước nhìn bố từ phía sau, chợt thấy lòng bồi hồi xúc động khi nghĩ đến những người bạn thân của bố thuở nào. Các bác giờ ở nơi đâu để bố con chẳng còn ai chuyện trò mỗi sớm chiều.
Trong xóm, bố tôi chơi thân nhất với hai người. Người đầu tiên là bác Khanh hơn bố vài tuổi. Mẹ bảo bác Khanh và bố đều ít nói, sang nhà nhau chơi có khi chẳng cần nói gì chỉ ngồi xem tivi và uống nước lá vối, chán chê rồi về. Thế nhưng hễ nhà ai có việc thì người còn lại sốt sắng, lo toan như việc nhà mình.
Bác Khanh mất đã gần 20 năm mà tôi vẫn nhớ mãi nụ cười hiền của bác. Tuy bác ít nói nhưng với tôi, bác rất vui tính khác hẳn người bố khó tính của tôi. Vì vậy, tôi quý bác lắm. Ngày đó, phim Bao Thanh Thiên có nhân vật ông rùa với cái đầu trọc nhưng lại dễ thương, hài hước. Tôi thường gọi bác Khanh là ông rùa. Bác chẳng giận mà còn cười sảng khoái. Khi nhân vật ông rùa mất, tôi khóc ròng và buồn mất mấy ngày như thể bác Khanh đã bỏ tôi đi. Vậy mà chẳng bao lâu sau, bác bị ốm nặng. Thời gian ấy, bố tôi buồn lắm. Bố bình thường đã ít nói, đợt đó lại càng trầm tư hơn. Ngày bác mất, bố tất bật phụ bác gái lo việc ma chay, chôn cất, một giọt nước mắt cũng không lăn khỏi khóe mắt bố. Thế nhưng những ngày sau đó, đến cái nhếch môi cười, tôi cũng không thể tìm thấy trên khuôn mặt u uất của bố. Cả nhà tôi chẳng ai dám nhắc đến bác trong một thời gian dài.
Mãi sau này, bố tôi mới chơi thân với một người bạn khác trong xóm, đó là ông Khoát. Thời gian bố tôi chăm cháu ngoại giúp em gái, ngày nào hai ông cháu cũng ghé nhà ông Khoát chơi. Ông Khoát và bố tôi cũng như bố tôi và bác Khanh ngày xưa, đều ít nói như nhau. Hóa ra, thân thiết với một người đôi khi không cần quá nhiều lời. Tôi nói ít mà bạn hiểu nhiều, đó mới là sự đồng điệu nhất về tâm hồn.
Vậy mà trớ trêu sao, một lần nữa, bố tôi lại phải trải qua nỗi đau mất đi người bạn thân thiết, tri kỷ. Ông Khoát trở bệnh nặng, mỗi ngày bố tôi đều ghé qua động viên. Ngày ông mất, bố tôi lại đôn đáo cùng gia đình ông lo việc ma chay. Công việc xong xuôi, bố tôi mới yên tâm về nhà. Từ trên tầng đi xuống, tôi thấy bố ngồi một mình trầm ngâm trong phòng khách tối đen chẳng buồn bật đèn. Không muốn làm phiền bố lúc này, tôi lẳng lặng trở lên phòng. Năm đó, tôi sinh con đầu lòng nhưng ông Khoát đã không còn để bố tôi khoe tin mừng với ông.
Giờ đây, chính bố tôi lại là người trở bệnh nhưng bên cạnh bố không có bác Khanh cũng chẳng còn ông Khoát. Nhà bác Khanh và nhà ông Khoát đều đã được con cái xây lại khang trang. Nhà tôi cũng vậy. Chỉ có điều, giờ còn mình bố tôi ngồi lặng lẽ cô đơn trước hiên nhà ngắm cảnh xóm làng đã quá nhiều đổi thay…
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/160981/ban-gio-o-noi-dau