Bán hàng qua livestream: Gánh nặng thuế rất lớn nếu không được khấu trừ chi phí

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI, cá nhân bán hàng qua livestream có thể đạt doanh thu hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng mỗi phiên nhưng cũng tốn nhiều chi phí cho nhân viên, quảng cáo... Nếu họ không thành lập doanh nghiệp, không thực hiện khấu trừ chi phí số thuế phải nộp rất lớn so với người lao động bình thường.

Chính sách ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng

Số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, hiện có tới 61 triệu người tiêu dùng Việt Nam mua sắm qua hình thức trực tuyến. 2,2 tỷ sản phẩm giao dịch thành công trên 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn trong năm 2023.

Tỷ trọng doanh thu TMĐT so với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ trong năm 2023 chiếm tới 10%. Quy mô bán bán lẻ hàng hóa trực tuyến năm 2024 được dự báo đạt 17,3 tỷ USD.

Liên quan đến vấn đề pháp lý trong TMĐT, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), chính sách của Nhà nước ảnh hưởng rất lớn đến hành vi người tiêu dùng.

Đơn cử như dự thảo quy định các sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế hộ cho các giao dịch trên sàn TMĐT. Nếu quy định được thông qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các kênh bán hàng mới. Hiện tại, Quốc hội và các bộ, ngành đang đề xuất chính sách cho lĩnh vực này.

Trong vòng 4-5 năm trở lại đây, rất nhiều văn bản pháp lý, chẳng hạn như Luật Giao dịch điện tử và Luật Bảo vệ người tiêu dùng có đề cập đến vấn đề giao dịch trên nền tảng TMĐT. Có những nghị định cũng đã được sửa đổi, ban hành và có khá nhiều Thông tư của các bộ Bộ: Công Thương, TT&TT, Tài chính, Công an liên quan đến TMĐT. Việt Nam có những chế định ảnh hưởng rất lớn đến TMĐT.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cũng như các kênh truyền thống như chợ, tạp hóa, siêu thị, hoạt động mua bán qua trên các sàn TMĐT cũng có những vấn đề truyền thống gồm chất lượng sản phẩm, hành vi gian dối, giải quyết về hàng giả, hàng nhái, quảng cáo sai sự thật, cạnh tranh không lành mạnh. Song những vấn đề này trên môi trường số sẽ ở quy mô, mức độ, tốc độ nhanh hơn. Ngoài ra, còn có tình trạng bất đối xứng thông tin, thông tin không minh bạch.

Do đó, đối với cơ quan quản lý Nhà nước phải kịp thời có quy định để giải quyết những vấn đề này. Có những vấn đề đặc thù trong TMĐT liên quan đến pháp lý. Chẳng hạn, người ảnh hưởng (KOL) trên môi trường số có tác động rất lớn, mạnh mẽ và nhanh chóng đến người tiêu dùng.

Kết quả một khảo sát cho thấy, Việt Nam có đến 79% tỷ lệ người mua hàng sau khi được KOL đề xuất. Điều này cho thấy mức độ quan trọng, ảnh hưởng của KOL lớn như thế nào đến hành vi của người tiêu dùng.

Việt Nam vừa thông qua Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023. Trong quá trình xây dựng, VCCI có tham gia xây dựng. Luật này quy định trách nhiệm của KOL phải thông báo trước cho NTD, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về sản phẩm, dịch vụ mà mình quảng bá, chịu trách nhiệm liên đới nếu cung cấp thông tin không chính xác.

Và hiện tại Luật Quảng cáo cũng đang được Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi. Luật này có từ năm 2012 chưa có quy định liên quan đến TMĐT. Hiện Luật đang sửa và dự kiến bổ sung nội dung liên quan đến kinh doanh trực tuyến.

Quản lý thế nào khi bùng nổ livestream bán hàng?

Liên quan đến hình thức bán hàng qua livestream, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng, những kênh bán lẻ mới như TMĐT hay mua hàng qua livestream hiện đang phát triển rất nhanh chóng. Hiện nay có nhiều phiên livestream doanh thu đến hàng chục tỷ đồng. Con số này thậm chí có thể bằng doanh số của một siêu thị trong cả năm.

"Kênh bán hàng qua hình thức livestream đang bùng nổ rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề phát sinh như: bảo vệ người tiêu dùng ra sao, quản lý thuế như thế nào?...", ông Tuấn nói và cho biết vừa rồi trên diễn đàn Quốc hội cũng đã nhắc đến vấn đề quản lý thuế với các cá nhân, hộ kinh doanh livestream bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã quy định trách nhiệm của người có ảnh hưởng như: cần thông báo trước cho người tiêu dùng; cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin về sản phẩm, hàng hóa; chịu trách nhiệm liên đới nếu nếu không cung cấp chính xác hoặc đầy đủ thông tin.

Tuy nhiên, việc bán hàng hoặc quảng cáo qua những người có ảnh hưởng lớn vẫn còn nhiều bất cập, có cá nhân chỉ giới thiệu sản phẩm 3 giây không bảo đảm thông tin đưa đến người tiêu dùng.

Hình thức livestream bán hàng thu hút sự quan tâm của cả người mua và người bán.

Hình thức livestream bán hàng thu hút sự quan tâm của cả người mua và người bán.

Ngoài ra, nhiều vấn đề cũng chưa có quy định cụ thể như: cần cung cấp thông tin gì về sản phẩm cho người tiêu dùng hay làm sao để Nhà nước nắm được doanh thu thực tế của các phiên live.

Việc livestream các mặt hàng không phép như sản phẩm giảm cân chưa được lưu hành, tiền ảo... và bằng cấp của người livestream trong một số lĩnh vực nhạy cảm như y tế, tài chính, luật, giáo dục cũng còn bỏ ngỏ.

"Kênh bán hàng livestream đang bùng nổ, mọi cá nhân, mọi mặt hàng đều có thể được bán qua kênh này. Tuy nhiên, các cá nhân bán hàng trên mạng xã hội gần như “tàng hình” với cơ quan nhà nước khi không có cửa hàng, không có cơ chế kiểm soát doanh thu và gây bất bình đẳng với người bán truyền thống, người bán trên sàn thương mại điện tử.

Với vấn đề thuế, nhiều trường hợp giao dịch vẫn trốn hoặc né đóng thuế bởi nếu thực hiện đúng theo quy định pháp luật thì gánh nặng thuế lại quá lớn", ông Tuấn nêu.

Ông Tuấn nhấn mạnh việc một số cá nhân cung cấp các dịch vụ MMO (kiếm tiền trên mạng online) gần đây bị truy thu thuế, thậm chí còn nhiều hơn số tiền kiếm được. Các cá nhân này không đăng ký doanh nghiệp, nên không được trừ chi phí, và bị tính mức thuế thu nhập cá nhân với toàn bộ doanh thu.

"Nhiều cá nhân khi bị truy thu thuế thu nhập cá nhân có thể lên tới hàng tỷ hoặc thậm chí hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, thu nhập chịu thuế này chưa trừ đi chi phí nên nếu họ bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử mà lại nộp đầy đủ thuế thu nhập cá nhân thì cũng là gánh nặng rất lớn", ông Tuấn nêu vấn đề.

Nguyên nhân là các cá nhân này tốn nhiều chi phí cho nhân viên, quảng cáo, kỹ thuật nhưng họ không thành lập doanh nghiệp, không thực hiện khấu trừ chi phí nên số thuế phải nộp rất lớn so với người lao động bình thường, đại diện VCCI phân tích.

Vì vậy, Phó Tổng thư ký VCCI đề nghị trong thời gian tới, cần rà soát, đánh giá và quản lý chặt chẽ vấn đề này bởi mỗi chính sách của Chính phủ đều tác động rất lớn đến người tiêu dùng, người bán hàng và doanh nghiệp...

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/ban-hang-qua-livestream-ganh-nang-thue-rat-lon-neu-khong-duoc-khau-tru-chi-phi/20240624095522531