Ban hành quyết định phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030
Nước ta có nhiều điều kiện tốt về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực như: Cà-phê, cao-su, hồ tiêu, điều, chè, dừa... nhằm tạo ra nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Ngày 22/6/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2207/QĐ-BNN-TT phê duyệt nhiệm vụ xây dựng đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Khi được phê duyệt, đề án sẽ là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện giải pháp phát triển các loại cây trồng này hợp lý hơn, giúp nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, cơ quan chức năng đang tổ chức các hội thảo chuyên đề lấy ý kiến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, hợp tác xã… nhằm xây dựng đề án dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2023.
Có thể nói, đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 là cần thiết vì Việt Nam có thế mạnh về đất đai, khí hậu… cho các loại cây trồng này. Hơn nữa, các loại cây cà-phê, cao-su, chè, điều, hồ tiêu và dừa rất thích hợp với nhiều vùng, nhiều địa phương.
Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 là cần thiết vì Việt Nam có thế mạnh về đất đai, khí hậu… cho các loại cây trồng này.
Mặc dù vậy, các loại cây công nghiệp chủ lực ở nước ta vẫn còn những hạn chế để phát triển; trong đó, ở nhiều nơi sản xuất vẫn còn manh mún, không theo quy hoạch, chạy theo thị trường dẫn đến tình trạng được mùa, rớt giá; một số nơi người dân chưa quan tâm nhiều đến đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho nên chất lượng sản phẩm chưa cao.
Mặt khác, sản xuất cây công nghiệp chủ lực vẫn còn hạn chế trong việc liên kết gắn chế biến với tiêu thụ. Phần lớn sản phẩm làm ra chủ yếu ở dạng thô hoặc sơ chế do một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại khiến giảm sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế.
Vì vậy, để phát triển cây công nghiệp theo hướng bền vững, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân cần rà soát lại sản xuất; từ đó hướng đến sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ.
Quy hoạch sản xuất cây công nghiệp cần gắn với quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp của cả nước và từng vùng, từng địa phương, theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển bền vững; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm cây công nghiệp nhằm phát triển công nghiệp chế biến, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chúng ta cần hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch như phơi, sấy, bảo quản, vận chuyển, chế biến sản phẩm cây công nghiệp theo hướng đồng bộ; các cơ quan chức năng cần dự báo thị trường nông sản chính xác làm cơ sở để các địa phương, người dân sản xuất nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm; đổi mới phương pháp đầu tư, chuyển từ đầu tư chiều rộng sang đầu tư chiều sâu; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trung gian, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Chúng ta cũng cần đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ; gắn sản xuất với xây dựng thương hiệu và phát triển thương mại điện tử; nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là điện, đường giao thông ở các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, chất lượng cao…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-cay-cong-nghiep-chu-luc-post761569.html