Bản hùng ca bất tử trên Biển Đông

35 năm đi qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức hùng tráng của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong trận hải chiến ở vùng biển Gạc Ma ngày 14/3/1988. Sự hy sinh của họ được dựng thành tượng đài bất tử về tình yêu biển, đảo của Tổ quốc.

Những ngày đầu năm, trong chuyến công tác ra Quần đảo Trường Sa, tại khu vực biển, đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, chúng tôi được tham gia một chương trình đặc biệt là Lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hi sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân tổ chức Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hi sinh tại quần đảo Trường Sa.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân tổ chức Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hi sinh tại quần đảo Trường Sa.

Trước khi đến khu vực biển, đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện bi tráng của các chiến sĩ hải quân cách đây 35 năm trong trận hải chiến ở vùng biển Gạc Ma ngày 14/3/1988 để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Đứng trên boong tàu, Thượng tá Phạm Văn Thọ, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chỉ tay về phía đảo Cô Lin, chia sẻ: Mỗi độ tháng 3 về, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn và thân nhân các liệt sĩ lại đến đây thắp nén hương thơm, dâng cành hoa cúc và thả những con hạc giấy xuống biển để tri ân các Anh hùng liệt sĩ, đồng thời ôn lại trang sử hào hùng về cuộc chiến đấu bảo vệ biển, đảo của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trên vùng biển, đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao…

Mỗi chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đều ghi nhớ câu chuyện 64 chiến sĩ xả thân giữa biển khơi mênh mông vì chủ quyền đất nước. Trong trận chiến này đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 (Lữ đoàn 125); cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 và Trung đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân. Dẫu biết rằng có thể sẽ hy sinh nhưng các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó có tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng Tàu HQ 604; Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma.

Đặc biệt là Anh hùng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, Thuyền trưởng Tàu HQ 505, trước tình thế bị địch chiếm đảo đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy cán bộ, chiến sĩ vừa chiến đấu vừa nhanh chóng lao tàu lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước…

Câu nói “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” của Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma lúc ấy đã trở thành lời hiệu triệu, thúc giục biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân nắm chắc tay súng, bảo vệ từng tấc đất, biển, đảo của quê hương.

“Là người lính đảo, tôi đã trải qua và thấu hiểu được sự vất vả, gian nan trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Sự hy sinh của 64 đồng chí trong sự kiện Gạc Ma đã khiến những lớp lính đảo sau này như chúng tôi càng thêm trân quý, đồng thời cũng là động lực để chúng tôi phấn đấu, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…”, Đại úy Bùi Quỳnh Lâm, Chỉ huy trưởng đảo Len Đao bày tỏ.

Giữa biển trời mùa xuân Trường Sa mênh mang, vang lên 4 câu thơ khiến chúng tôi xúc động và cảm phục sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam:

“Hương trầm quyện gió tỏa quanh

Vòng hoa Đất Mẹ dệt thành huân chương

Sống không mưu lợi tầm thường

Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng”.

Đã 35 năm kể từ sự kiện Gạc Ma 1988, nhưng ngày giỗ của các anh vẫn luôn được gia đình, bạn bè, đồng đội và Nhân dân tổ chức. Đặc biệt, tháng 3/2017, Đảng và Nhà nước đã cho xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tại bờ biển Bãi Dài, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Khu tưởng niệm có bia thờ khắc tên 64 liệt sĩ - “Những người nằm lại phía chân trời” sau sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988 đã trở thành địa chỉ tâm linh để thân nhân gia đình liệt sĩ và Nhân dân cả nước đến viếng thăm, ngưỡng vọng.

Trường Sa luôn là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Mỗi rạn san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ người con đất Việt.

35 năm đã trôi qua, lịch sử đã sang một trang mới, nhưng lịch sử cũng luôn khắc ghi những phút bi hùng không thể nào quên. Sự kiên cường, hy sinh của 64 chiến sĩ hải quân mãi mãi là bản hùng ca bất tử. Bản hùng ca ấy đang được thế hệ những người lính Trường Sa tiếp bước, tuổi trẻ cả nước noi gương, được Nhân dân trên mọi miền Tổ quốc đời đời ghi nhớ.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365444-ban-hung-ca-bat-tu-tren-bien-dong