Băn khoăn 'giấy phép con'

Đề xuất Giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian hoạt động giảng dạy đang nhận được nhiều ý kiến. Cho dù đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra giải thích, nhưng nhiều người vẫn cho rằng việc này giống như thêm một 'giấy phép con', không cần thiết.

Theo quy định dự kiến, Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo (từ đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo. Giấy chứng nhận thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Giấy chứng nhận có giá trị sử dụng trong toàn quốc.

Tuy nhiên, tại Hội thảo tham vấn chuyên đề về việc xây dựng Luật Nhà giáo tổ chức ở TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng điều đó phải được đặc biệt cân nhắc vì tác động rất lớn. Cả nước hiện có hơn 1,5 triệu giáo viên, để có đủ thời gian kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận (hoặc không cấp) là chuyện không hề đơn giản. Cả triệu con người đang giảng dạy lại bỗng chốc phải ngóng chờ Giấy chứng nhận nghề nghiệp để đủ tiêu chuẩn hành nghề, liệu có cần thiết? Đặc biệt với những người đã có thâm niên dạy học hàng chục năm trở lên thì ứng xử ra sao?

Xu hướng chung, và cũng là chỉ đạo của Chính phủ nhiều năm qua là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết. Nạn “giấy phép con” từng bị xã hội lên án gay gắt. Với ngành Giáo dục cũng không ngoại lệ. Việc có quá nhiều giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ... đã là nỗi khổ của không biết bao người. Chính vì thế, khi cơ quan quản lý bớt một loại giấy tờ, thủ tục phiền toái nào đó, người ta như trút được gánh nặng.

Việc Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc là vấn đề lớn. Liệu trường dân lập có dễ dàng chấp nhận ai đó có Giấy chứng nhận khi mà trước nay họ có tiêu chí tuyển chọn riêng? Kể cả việc mời giáo viên thỉnh giảng thì các trường cũng nhắm đến tiêu chí người dạy giỏi chứ không phải là người có “hồ sơ đẹp”. Họ chọn người thực tài, thực việc chứ không phải chọn người có đủ các loại giấy tờ. Ngay đến việc thuyên chuyển giáo viên giữa các địa phương, giữa trường này sang trường khác trong hệ thống trường công thì chắc gì chỉ cần có Giấy chứng nhận là đủ.

Năng lực chuyên môn của nhà giáo được hình thành trong quá trình thực tế giảng dạy. Tấm giấy “chứng nhận nghề nghiệp" mà một giáo viên có được không đủ làm nên nhà giáo. Nhà giáo không đơn thuần là một viên chức, một chức danh mà trên hết phải là danh dự của người làm nghề “trồng người”. Một người được gọi là thầy đúng nghĩa phụ thuộc vào trình độ, tâm huyết, sự tận tụy, đức hy sinh của chính họ.

Người Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, một chữ là thầy nửa chữ cũng là thầy. Truyền thống ấy được hun đúc qua suốt hàng ngàn năm lịch sử. Biết bao nhà giáo với những đóng góp lớn lao cho xã hội, cho đất nước mà tên tuổi trở nên lẫy lừng. Có người được nhân dân từ đời này sang đời khác tôn xưng là “Vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời, nào phải do họ có đầy đủ văn bằng, sắc chỉ.

Và tất nhiên là họ không có Giấy chứng nhận nghề nghiệp hoạt động dạy học.

Cần rất thận trọng với chủ trương cấp Giấy chứng nhận cho nhà giáo, nhất là khi giấy chứng nhận đó để sử dụng suốt đời (trừ trường hợp vi phạm kỷ luật). Nếu coi đó là quy định bắt buộc để được dạy học thì sẽ khiến nhiều người phải "chạy" bằng mọi cách để có nó. Tiêu cực sẽ từ đó mà ra.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là điều cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang tiến như vũ bão nhờ vào sự thúc đẩy của công nghệ. Vì thế, điều quan trọng trước mắt cũng như lâu dài là phải nâng chất các trường sư phạm đào tạo giáo viên. Phải chuẩn hóa ngay từ trong môi trường đại học, không đợi sau khi họ ra trường, đi dạy mới “chuẩn hóa”, mới cấp giấy phép.

Việc bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm giảng dạy là công việc thường xuyên, thường trực và bền bỉ của từng giáo viên. Dù cho có “giấy phép” hành nghề đi chăng nữa nhưng thiếu trui rèn trong thực tế giảng dạy thì điều đó cũng sẽ trở nên vô nghĩa.

Hà Trọng Nghĩa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ban-khoan-giay-phep-con-10272475.html