Băn khoăn GV tự do đăng ký kinh doanh có được dạy thêm tiếng Anh tiểu học ?
Ngành giáo dục nhiều địa phương đang chờ văn bản hướng dẫn từ Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc GV tự do đăng ký kinh doanh có được dạy thêm Tiếng Anh tiểu học?
Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực kể từ ngày 14/2/2025.
Tại Khoản 1, Điều 4 của Thông tư quy định về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức học thêm có nêu: "Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống".

Hình ảnh từ mạng xã hội.
Dạy thêm tiếng Anh cho học sinh tiểu học có vi phạm?
Hiện nay, có nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh việc giáo viên tự do đăng ký kinh doanh liệu có được dạy thêm Tiếng Anh cho học sinh tiểu học hay không. Có quan điểm cho rằng, tiếng Anh không được phân loại vào nhóm môn bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu nên việc dạy thêm tiếng Anh tiểu học ngoài nhà trường bị cấm.
Chị Nguyễn Thị Nga (giáo viên tự do, trú tại Hà Nội) cho hay, chị tổ chức dạy thêm tiếng Anh cho học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở trong nhiều năm qua. Chấp hành quy định tại Thông tư 29, mới đây chị đến Ủy ban Nhân dân huyện để nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ cá thể.
Song song, chị dừng hoạt động dạy thêm tiếng Anh cho học sinh tiểu học bởi Điều 4, Thông tư 29 quy định cấm hoạt động này.
Về nội dung nêu trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ trao đổi với một số lãnh đạo Phòng Giáo dục Tiểu học (trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo), lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo một số địa phương.
Những người này đều cho biết, đang chờ sự chỉ đạo từ cấp trên để có hướng dẫn thực hiện quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương.
"Về việc giáo viên tự do có được dạy thêm tiếng Anh tiểu học hay không, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đang trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh", một cán bộ chuyên trách bậc tiểu học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cho hay.
Một cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Thành phố Hà Nội) cho hay, đơn vị cũng đang chờ chỉ đạo cụ thể từ cấp trên về việc thực hiện Thông tư 29 trên địa bàn quận.
Theo quan điểm cá nhân của vị này, học sinh tiếp cận sớm với tiếng Anh sẽ có khả năng học tốt hơn, và tiếng Anh giống môn năng khiếu hơn là môn văn hóa.
Một cán bộ phụ trách giáo dục tiểu học tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị cũng đang chờ văn bản hướng dẫn từ cấp trên trong việc triển khai Thông tư 29 tại địa phương.

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Luật sư cũng có những quan điểm trái chiều
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc giáo viên tự do có được dạy thêm tiếng Anh cho học sinh tiểu học hay không, nhiều luật sư cũng có quan điểm khác nhau.
Bày tỏ quan điểm cá nhân, luật sư Đặng Ngọc Duệ (Giám đốc Công ty Luật TNHH Phụng Sự Công Lý, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, Thông tư 29/2024 áp dụng với chủ thể là giáo viên, học sinh trong hệ thống giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Vì vậy, luật sư Duệ cho rằng: "Giáo viên tự do, tổ chức hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục có chương trình đào tạo nằm ngoài kế hoạch giáo dục Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên nên không thuộc trường hợp bị cấm.
Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vì vậy, giáo viên tự do có quyền kinh doanh dịch vụ dạy thêm tiếng Anh tiểu học.
Lâu nay giáo viên cung ứng dịch vụ dạy thêm có thu nhập cao, lẽ ra họ phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và khai báo thuế, chấp hành nghĩa vụ đóng thuế. Dẫu vậy, việc thực hiện quy định trên cũng như công tác quản lý chưa bao quát hết, giờ đây là lúc để thực hiện nghiêm Nghị định 01".
Luật sư Duệ chia sẻ thêm, thực tế hiện nay có một số người rao bán Đề án thành lập Trung tâm tiếng Anh với mức giá 30-40 triệu đồng, kèm theo những lời hứa hẹn như không cần đáp ứng điều kiện vẫn mở được trung tâm... nhưng đó là chiêu trò lừa đảo. "Các điều kiện pháp lý để mở một trung tâm rất khắt khe. Đơn cử như về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, an ninh và phòng cháy chữa cháy", luật sư Duệ chia sẻ.
Chia sẻ quan điểm cá nhân về nội dung trên, luật sư Nguyễn Thị Nhàn (Giám đốc Công ty luật TNHH Alana Nhàn Nguyễn, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) lại có quan điểm khác.
Luật sư Nhàn cho rằng, Điều 4 Thông tư 29 quy định về các trường hợp không được dạy thêm đã nêu: "Không dạy thêm đối với đối tượng học sinh tiểu học dưới mọi hình thức kể cả trong nhà trường hay ngoài nhà trường (trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống)".
"Tiếng Anh là môn học trong chương trình chính khóa, không thuộc phạm trù rèn luyện kỹ năng sống hay bồi dưỡng nghệ thuật. Vì vậy, theo đúng tinh thần của Thông tư 29, giáo viên tự do không được dạy thêm Tiếng Anh cho học sinh tiểu học", luật sư Nhàn nói.
Quy trình đăng ký kinh doanh hộ cá thể và chế tài xử phạt
Theo luật sư Phạm Quảng Biên (Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH IMC, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), về căn cứ pháp lý, hiện nay việc thành lập Hộ kinh doanh để thực hiện hoạt động dạy thêm đang được điều chỉnh trực tiếp bởi các quy định pháp luật.
Đơn cử, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ quy định về đăng ký doanh nghiệp; Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam; Thông tư số 86/2024/TT-BTC ngày 23/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về đăng ký thuế; Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp; Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm học thêm.
Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh quy định tại Khoản 1 Điều 87 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP bao gồm các tài liệu như, Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh theo mẫu Phụ lục III-1 Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT; Bản sao chứng thực Căn cước công dân của chủ hộ kinh doanh; Bản sao chứng thực hợp đồng thuê địa điểm dạy học trong trường hợp thuê địa điểm kinh doanh; Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; Giấy ủy quyền đăng ký hộ kinh doanh (nếu chủ hộ kinh doanh ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh).
Về ngành nghề đăng ký kinh doanh: Hoạt động dạy thêm quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg có mã ngành là 8559-85590 (Giáo dục khác chưa được phân vào đâu).
"Pháp luật hiện không quy định mức vốn tối thiểu đối với hoạt động dạy thêm. Do đó, mức vốn đăng ký thành lập Hộ kinh doanh sẽ tùy thuộc vào quy mô và khả năng đáp ứng của chủ hộ kinh doanh", luật sư Biên nói.
Luật sư Biên lưu ý, về địa điểm dạy thêm, theo điểm c Khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2023 quy định, không được sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Vì vậy, địa điểm dạy thêm không được đặt tại căn hộ chung cư.
Về tên Hộ kinh doanh, theo quy định tại Điều 88 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP phải bao gồm 02 thành tố gồm: cụm từ “Hộ kinh doanh” và tên riêng của Hộ kinh doanh. Ngoài ra, tên của Hộ kinh doanh không được có cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” hoặc trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.
Trình tự thủ tục đăng ký hộ kinh doanh quy định chi tiết tại Điều 87 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, bước 1 chuẩn bị hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh;
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện nơi đặt địa điểm hộ kinh doanh hoặc nộp trực tuyến qua cổng thông tin điện tử: https://hokinhdoanh.dkkd.gov.vn (Tham khảo hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại trang web: https://dangkykinhdoanh.gov.vn).
Bước 3: Phòng Tài chính và Kế hoạch thẩm định hồ sơ và yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có sai sót) trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
Bước 4: Trả và nhận kết quả hồ sơ đăng ký thành lập Hộ kinh doanh.
"Lưu ý, sau khi thành lập Hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cần phải kê khai đăng ký thuế lần đầu tại Chi cục thuế nơi Hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh. Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 86/2024/TT-BTC. Thời gian giải quyết 03 ngày làm việc
Đối với hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh khi tổ chức dạy thêm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh (điểm c Khoản 1, Khoản 3 Điều 62 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư)", luật sư Phạm Quảng Biên chia sẻ.