Băn khoăn trong quản lý dạy thêm và học thêm?

Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến được cho là vẫn khó có thể quản lý việc dạy thêm, học thêm.

Liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, chia sẻ với truyền thông, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhiều ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, số đông phụ huynh cho rằng, dạy thêm, học thêm cũng là một nguồn lực xã hội, bởi không thể phủ nhận trong thực tế, những giáo viên dạy giỏi thì luôn có những học sinh hiếu học muốn theo học để nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển năng lực bản thân.

Nhu cầu học thêm xuất hiện ở chính bản thân của người học (ở nhiều cấp học, ngành học, chứ không riêng gì trong các bậc học phổ thông) phản ánh tính tất yếu của quy luật cung-cầu trong đời sống xã hội. Xét ở góc độ đó, dạy thêm không phải là xấu, là phản cảm và không thể chê trách. Vấn đề là dạy thêm, học thêm (khối các trường phổ thông) lâu nay bị biến tướng, còn nhiều lỗ hổng, cần phải thít chặt.

Còn kẽ hở để việc dạy thêm, học thêm vẫn còn "đất" để dụng võ. Ảnh: Khánh Linh

Còn kẽ hở để việc dạy thêm, học thêm vẫn còn "đất" để dụng võ. Ảnh: Khánh Linh

Năm nay, ngay trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm (gồm 4 chương, 16 điều), nếu được thông qua sẽ thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Nghiên cứu dự thảo Thông tư và qua ý kiến của một số giáo viên cho thấy vẫn còn kẽ hở để việc dạy thêm, học thêm vẫn còn "đất" để dụng võ.

Việc "bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh" trong vấn đề dạy thêm, học thêm được dự thảo Thông tư nêu là điều rất cần thiết, cũng là một bước tiến để đạt chuẩn trong các hoạt động dạy và học trong các trường phổ thông.

Thế nhưng, bản thân việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng có tình trạng phân biệt giữa "môn chính, môn phụ", giữa giáo viên này với giáo viên kia, hiệu trưởng ưu ái giáo viên dạy môn này hơn giáo viên dạy môn kia…

Cần phải thấy rằng, học sinh tham gia học thêm trong trường, các em chỉ học một số môn như: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh (bậc tiểu học); Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh (bậc trung học cơ sở, phục vụ cho việc thi tuyển sinh vào lớp 10); Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn (bậc trung học phổ thông phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đánh giá năng lực và lấy điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông xét tuyển vào đại học). Các môn còn lại như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Công nghệ,… học sinh rất ít, hoặc không tham gia học thêm.

Vì vậy, dự thảo đang xin ý kiến hướng tới làm sao để quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công bằng!? Như vậy, dự thảo Thông tư không thể không nghiên cứu đến một nội dung để có thể cân đối được môn học thêm và cả môn không học thêm trong nhà trường. Đó là điều quan trọng đối với các giáo viên giảng dạy từng bộ môn, vì nó liên quan trực tiếp tới quyền lợi, thu nhập, uy tín…

Mặt khác, muốn công khai, minh bạch chuyện học thêm, cần nhất là học sinh được chọn giáo viên, hiệu trưởng không được chia đều tiết dạy cho các giáo viên và giáo viên cũng không được lôi kéo học sinh trong việc học thêm. Nhưng điều này chưa được dự thảo Thông tư cụ thể hóa bằng những quy định tường minh, chi tiết.

Điều băn khoăn là, trong dự thảo Thông tư nêu: Khi giáo viên thấy cần thiết phải dạy thêm, học thêm thì phải nêu rõ lý do tại sao; mục tiêu là gì; nội dung ra sao, thời lượng thế nào… Căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn thì hiệu trưởng sẽ tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào… Sau khi công khai kế hoạch dạy thêm, học thêm thì nhà trường mới cho học sinh đăng ký, trên cơ sở đăng ký của học sinh mới xếp lớp, phân công giáo viên giảng dạy...

Về quy định này, xem xét kỹ lưỡng, vẫn có thể xuất hiện tình huống thực tế là giáo viên không khó để đề xuất ý kiến về sự cần thiết phải dạy thêm, học thêm. Ví như, học sinh yếu cần phải học thêm để bù đắp lỗ hổng kiến thức, kỹ năng; tương tự học sinh trung bình cần được phụ đạo để nâng lên đạt loại khá; học sinh khá, giỏi cần được bồi dưỡng để giỏi hơn… Như thế, nguy cơ việc dạy thêm, học thêm trong trường sẽ tràn lan nhưng lại hợp pháp.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư lần này bổ sung quy định: "Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh" nhằm tránh hiện tượng gây bức xúc lâu nay là học sinh nào học thêm thì có điểm cao trong bài kiểm tra, đánh giá và ngược lại. Vậy thì, nếu giáo viên sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập tương tự như đã có trong bài dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh thì sao? Có kiểm soát được việc này? Và ai làm, xử lý ra sao?

Nhìn chung, không thể cấm cũng như càng không thể buông lỏng quản lý việc dạy thêm, học thêm. Vì vậy, rất cần hành lang pháp lý phù hợp để bịt những lỗ hổng trong quản lý, chỉ đạo việc này ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Tựu chung lại, để việc dạy thêm, học thêm đi đúng quỹ đạo như mong mỏi, "bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh", điều tiên quyết nhất vẫn là cái tâm của người thầy, đi cùng với sự quản lý, giám sát đồng bộ của các cơ quan quản lý giáo dục, hiệu trưởng, phụ huynh học sinh thì mới có thể đẩy lùi sự biến tướng của việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường hiện nay.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-khoan-trong-quan-ly-day-them-va-hoc-them-343524.html