Băn khoăn việc cấm xe máy ở nội thành vào năm 2030, người dân đi lại bằng gì?
Đánh giá ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đang là vấn đề bức xúc, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, cấm xe máy không phải là giải pháp duy nhất mà cần có các giải pháp đồng bộ, toàn diện hơn.
Phương tiện tăng cao, làm hạ tầng quá tải
Tại Hội thảo giải bài toán phát triển giao thông đô thị, sáng 22/5, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho biết, trong hơn 20 năm qua Hà Nội đã đưa ra nhiều quy hoạch, đề án và giải pháp như tăng quỹ đất cho giao thông, tăng năng lực của vận tải công cộng, quản lý phương tiện... Tuy nhiên đến nay nhiều đề án không phát huy hiệu quả, thậm chí có cái còn "chết yểu".
Dẫn chứng, ông Nghiêm nêu, theo mục tiêu đến sau năm 2020 thành phố Hà Nội có 1.605 bãi xe để giảm tình trạng đỗ xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nhưng đến nay toàn thành phố mới có 120 bãi xe (đạt 8% so với yêu cầu). "Quy hoạch 165 đã "chết yểu" và gần như không thực hiện được mục tiêu nào nên đến năm 2022 đã phải thay thế bằng quy hoạch 1218", ông Nghiêm nói.
Với đề án quản lý xe cá nhân, theo ông Nghiêm, Hà Nội có kế hoạch đến năm 2030 sẽ dừng xe máy tại các quận nội thành. Nhưng hiện nay, một số giải pháp để thực hiện việc này lại chưa đạt. Điển hình như phát triển vận tải công cộng, mục tiêu đặt ra là đến nay phải đáp ứng 30 đến 50%, song hiện mới đạt khoảng 19%.
"Năm 2018 Hà Nội chỉ có 5,5 triệu xe máy, 60 vạn ôtô, thì sau 5 năm đã tăng tới gần 7 triệu xe máy và 1 triệu ôtô (tăng từ 10 đến 24%/năm), đó là chưa kể tới xe ngoại tỉnh vào Hà Nội, trong khi đó mỗi năm hạ tầng giao thông chỉ tăng 01 - 04%. Sự phát triển và gia tăng mất cân đối này đang làm cho giao thông ngày càng ùn tắc kéo dài”, ông Nghiêm dẫn chứng.
Từ thực tế này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm đưa một số giải pháp, trước hết là đổi mới hệ thống quy hoạch với yêu cầu tích hợp đa ngành; sớm thực hiện có hiệu quả việc di dời các công sở, trường học ra ngoại thành để kéo giãn mật độ dân cư.
Cấm xe máy người dân chưa biết đi lại bằng gì
TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia lĩnh vực giao thông đô thị cho rằng, để giảm ùn tắc, hiện có nhiều giải pháp, trong đó có việc đầu tư đồng bộ cho hạ tầng (hoàn thiện các trục hướng tâm, đường vành đai); giảm, giãn mật độ dân cư trong nội đô…
Với giải pháp hạn chế xe cá nhân, trong đó có cấm xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030, theo ông Thủy, Hà Nội và các đô thị lớn chỉ thực hiện được khi vận tải công cộng đạt từ trên 50% nhu cầu đi lại của người dân.
“Hiện nay, con số này mới đạt khoảng 17 đến 19% và chỉ trông chờ vào vận tải khối nhỏ là xe buýt, vận tải khối lớn theo quy hoạch Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị thì đến nay mới chỉ có 1 tuyến thì khó thực hiện được việc mục tiêu trên”, ông Thủy nói.
Theo ông, việc cấm và hạn chế xe cá nhân sẽ tác động xấu đến kinh tế - xã hội. “Những dòng phương tiện giao thông, kể cả xe cá nhân chạy trên đường, chính là mạch máu giao thông nuôi sống nền kinh tế - xã hội của đô thị, rộng ra là đất nước. Do vậy, giải pháp chống ùn tắc đưa ra nhưng phải đảm bảo duy trì các phương thức đi lại, chứ không được gây ảnh hưởng, làm giảm mật độ, mạch lưu thông của những dòng phương tiện ấy”, ông Thủy ví von.
Ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia, ông Nguyễn Tuyển - Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, ban tổ chức sẽ tổng hợp và tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông công cộng, hướng tới phát triển hệ thống giao thông đồng bộ.