Ban lãnh đạo Gỗ An Cường ồ ạt bán cổ phiếu trước ngày lên sàn
Từ 24/5 đến 1/6/2021, hàng loạt thành viên HĐQT, Ban giám đốc và người thân lãnh đạo công ty gỗ An Cường đã bán ra hàng triệu cổ phiếu.
Công ty cổ phần Gỗ An Cường thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch UPCom. Theo đó, danh sách cổ đông được chốt vào ngày 31/5 và dự kiến cổ phiếu chính thức giao dịch trên sàn UPCom ngay trong tháng 6.
Tuy nhiên, ngay trước thời điểm An Cường lên sàn, các cổ đông là thành viên HĐQT, Ban giám đốc hoặc người thân các lãnh đạo công ty đã liên tục bán cổ phiếu.
Cụ thể, từ 24/5 đến 1/6/2021, ông Nguyễn Minh Tuấn, thành viên HĐQT đã bán ra một nửa số cổ phiếu mình đang nắm giữ, tương đương 1,7 triệu cổ phiếu, tương đương gần 2% cổ phiếu An Cường.
Ông Lê Đức Hiếu, anh ruột của chủ tịch HĐQT Lê Đức Nghĩa cũng đã bán ra 300.000 cổ phiếu công ty, qua đó chỉ còn nắm giữ một lượng cổ phiếu không đáng kể. Các thành viên khác trong HĐQT là ông Lê Thanh Phong, Trần Lương Thanh Tùng cũng bán ra gần hết lượng cổ phiếu mình đang nắm giữ tại An Cường.
Ban giám đốc của An Cường cũng đẩy mạnh bán ra cổ phiếu công ty mình đang nắm giữ trước ngày lên sàn. Bà Võ Thị Ngọc Ánh, Tổng giám đốc công ty đã bán ra một nửa lượng cổ phiếu mình đang nắm giữ, tương đương với 171.000 cổ phiếu. Ông Ngô Tấn Trí, Phó tổng giám đốc công ty và các thành viên trong gia đình thậm chí còn bán gần như toàn bộ lượng cổ phiếu mình đang nắm giữ. Các vị trí lãnh đạo khác trong công ty như kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát… cũng có động thái tương tự.
Gỗ An Cường được biết đến là công ty số 1 tại Việt Nam về vật liệu, giải pháp và nội thất làm từ gỗ công nghiệp. Đơn vị đang nắm chi phối tại thị trường nội địa với 50% thị phần các thương hiệu ván MFC và 70% thị phần các thương hiệu ván Laminate, ván Acrylic và các phụ phẩm.
Công ty hiện có vốn điều lệ gần 880 tỷ đồng và được nắm giữ hơn 50% bởi doanh nghiệp của nhà sáng lập Lê Đức Nghĩa, khoảng 40% cổ phần do các cổ đông nước ngoài sở hữu gồm Sumitomo Forestry và Whitlam Holdings và hơn 10% còn lại do cổ đông khác nắm giữ.
Năm 2020, gỗ An Cường ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.700 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2019. Tuy nhiên, nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng và tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 492 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước.
Năm ngoái, An Cường giảm bớt lượng hàng tồn kho xuống chỉ còn khoảng 1.100 tỷ đồng, giảm gần 20%. Công ty cũng đẩy mạnh tích lũy tiền với hơn 1.700 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tiền gửi ngắn hạn, tăng 70% so với năm 2019.
Nguồn tiền mặt lớn đảm bảo khả năng trả nợ cho An Cường. Nợ phải trả trong năm 2020 của công ty đạt 940 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2019, trong đó chủ yếu là vay nợ ngắn hạn 310 tỷ đồng, tăng 40%.