Bán lẻ hiện đại: Hướng đến thị trường nông thôn

Nếu như trước đây, các siêu thị, cửa hàng tiện ích hầu như chỉ có ở thành phố, người dân sinh sống ở khu vực nông thôn muốn đi mua sắm ở siêu thị hay mua thiết bị điện tử, điện lạnh thường phải đến thành phố, thì giờ đây, kênh bán lẻ hiện đại đã có mặt ở tất cả các huyện, thị trấn, thậm chí ở trung tâm các xã.

Tính đến thời điểm này, dân số của Lạng Sơn khoảng 800 nghìn người, trong đó, khoảng 79% sinh sống ở khu vực nông thôn. Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân được nâng lên, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng yêu cầu chất lượng dịch vụ tốt hơn, tiện ích hơn, chính vì vậy, khu vực nông thôn trở thành thị trường tiềm năng để phát triển kênh bán lẻ hiện đại.

Người dân mua sắm hàng hóa ở cửa hàng tự chọn tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc

Người dân mua sắm hàng hóa ở cửa hàng tự chọn tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc

Nắm bắt tình hình đó, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã thực hiện chiến lược mở rộng thị trường, mở rộng kênh phân phối đến khu vực nông thôn. Có thể kể đến như: hệ thống cửa hàng tiện lợi WinMart+ đã có mặt ở các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc; hệ thống siêu thị Điện máy Xanh xây dựng các cửa hàng ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh; cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, cửa hàng điện tử, điện lạnh của tư nhân được mở nhiều ở các trung tâm xã, cụm xã...

Ông Đặng Văn Dũng, Quản lý hệ thống WinMart+ tại Lạng Sơn cho biết: Hiện tại, WinMart+ có 14 cửa hàng tại thành phố Lạng Sơn và huyện Lộc Bình, Cao Lộc. Qua kết quả kinh doanh và khảo sát nhu cầu thực tế của người tiêu dùng ở địa bàn các huyện của tỉnh, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm từ 14 đến 15 cửa hàng tiện lợi WinMart+. Hiện, chúng tôi đã và đang khảo sát, lựa chọn mặt bằng và đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025, WinMart+ sẽ có mặt ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh để phục vụ người tiêu dùng khu vực nông thôn.

Đi trước WinMart+, chuỗi siêu thị Điện Máy Xanh đã có mặt ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh. Ông Ngô Hoàng Hà, Quản lý Điện Máy Xanh tại Lạng Sơn cho biết: Năm 2015, siêu thị Điện Máy Xanh đã đặt cơ sở đầu tiên tại thành phố Lạng Sơn. Sau một thời gian đi vào hoạt động và nhận thấy khu vực nông thôn là thị trường rất tiềm năng, chúng tôi đã xây dựng chiến lược kinh doanh, mở rộng kênh phân phối. Đến năm 2020, hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh đã có mặt tại 10 huyện của tỉnh. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đa dạng các sản phẩm, tại tất cả các siêu thị ở huyện, chúng tôi đều cung cấp dịch vụ miễn phí giao hàng tận nơi nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu, tạo sự tiện lợi khi mua sắm cho người tiêu dùng nông thôn.

Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, các cơ sở kinh doanh tư nhân cũng đã nắm bắt nhu cầu của thị trường nông thôn để đầu tư, xây dựng các cửa hàng tiện ích. Là một trong những trung tâm cụm xã có hoạt động thương mại – dịch vụ khá sôi động, những năm trở lại đây, tại khu vực xung quanh chợ Pác Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia đã xuất hiện nhiều cửa hàng tự chọn, siêu thị gia đình, cửa hàng điện máy... Bà Hà Thị Duyên, chủ siêu thị gia đình tại thôn Pác Khuông cho biết: Gia đình tôi đã kinh doanh cửa hàng tạp hóa từ năm 2010, tuy nhiên, thời điểm đó, quy mô còn nhỏ lẻ. Đến năm 2020, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, gia đình tôi đã đầu tư cơ sở vật chất và trang bị thêm các kệ hàng, hệ thống máy tính, mã thanh toán QR... Đồng thời, tôi cũng nhập đa dạng các mặt hàng từ bánh kẹo, sữa đến giày dép, đồ gia dụng... Hiện, trung bình mỗi ngày, cửa hàng của tôi tiếp đón khoảng 30 đến 50 lượt khách, vào những phiên chợ, lượng khách có thể tăng gấp đôi.

Theo thống kê sơ bộ, ngoài 3 trung tâm thương mại, 9 siêu thị lớn đang hoạt động tại thành phố, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 3.500 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, tự chọn... trong đó, có khoảng 50% cửa hàng ở khu vực nông thôn. Theo đánh giá của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, kênh bán lẻ hiện đại phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại - dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại cửa hàng tiện lợi Winmart+, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình

Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại cửa hàng tiện lợi Winmart+, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình

Ông Lã Đức Đoàn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Qua theo dõi của phòng, thời gian qua, kênh bán lẻ hiện đại của các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... được duy trì ổn định, nguồn hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân. Tới đây, phòng tiếp tục tham mưu sở triển khai các chương trình, hoạt động thu hút các thương hiệu lớn trong lĩnh vực bán lẻ đầu tư cơ sở kinh doanh tại Lạng Sơn, đồng thời tạo điều kiện để những doanh nghiệp đã có mặt tại Lạng Sơn mở rộng thị trường, nhất là hướng đến thị trường nông thôn.

Sự phát triển của kênh bán lẻ hiện đại đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị của lĩnh vực bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của tỉnh đạt 31.729,9 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2022; trong 9 tháng năm 2024, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của tỉnh đạt 23.692,4 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc phát triển kênh bán lẻ hiện đại ở khu vực nông thôn không chỉ giúp các doanh nghiệp bán lẻ giữ thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh và doanh thu mà còn góp phần đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động thương mại – dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ban-le-hien-dai-huong-den-thi-truong-nong-thon-5025484.html