Bản lĩnh nữ cán bộ ngoại giao trong thời đại 4.0
Làm việc trong môi trường khó khăn, đặc biệt vất vả, nữ cán bộ ngoại giao nếu không có bản lĩnh cao thì khó 'trụ' được trước áp lực ngày càng tăng… Chủ tịch Công đoàn Bộ Ngoại giao Phan Kiều Thu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka kiêm nhiệm Maldives, nguyên Tổng thư ký Kế hoạch Colombo đã chia sẻ với báo TG&VN nhân dịp Xuân Quý Mão.
Trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hiện nay, theo chị, cán bộ ngoại giao, đặc biệt nữ cán bộ ngoại giao, cần có tố chất gì?
Hiện nay, số lượng cán bộ nữ ngoại giao ngày càng tăng, chiếm khoảng 44,45% tổng số cán bộ của Bộ Ngoại giao. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo Bộ và các đơn vị cũng ngày càng tăng. Năm 2022, đội ngũ cán bộ nữ của Bộ hết sức tự hào với việc Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm một Thứ trưởng là nữ.
Trước đó, năm 2021, Ban Cán sự đảng Bộ đã bổ nhiệm ba đồng chí Trợ lý Bộ trưởng trong đó có hai đồng chí Trợ lý Bộ trưởng là nữ. Bên cạnh đó, số lượng cán bộ lãnh đạo chủ chốt tại các đơn vị trong Bộ cũng ngày càng gia tăng. Đây vừa là động lực cũng là thách thức đòi hỏi các cán bộ nữ phải không ngừng nâng cao năng lực, trau dồi kiến thức để đảm đương các vị trí công tác mới.
Tôi cho rằng, ngoài kiến thức và trình độ chuyên môn cao, trình độ ngoại ngữ tốt, cán bộ ngoại giao nói chung và nữ cán bộ ngoại giao nói riêng cần có lòng yêu nước, tự tôn dân tộc cao, phải thấy tự hào vì mình là người Việt Nam.
Đây chính là nguồn năng lượng để “nạp” thêm cho cán bộ ngoại giao tiếp tục học hỏi, làm hết sức mình để chứng tỏ người Việt Nam giỏi như thế nào, tiếp tục đấu tranh, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Cán bộ ngoại giao cần đặt nhiệm vụ vinh quang và trách nhiệm đối với đất nước lên hàng đầu. Đồng thời, cần ghi nhớ mục tiêu cuối cùng và vinh quang nhất của mỗi cán bộ ngoại giao là đóng góp được tốt nhất, nhiều nhất cho đất nước và xã hội.
Bên cạnh những phẩm chất chung của cán bộ ngoại giao cần có như lòng yêu nước, sáng tạo, đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh và chuyên nghiệp, một yếu tố hết sức quan trọng để cán bộ ngoại giao nữ có thể đảm nhiệm tốt công việc của mình là đam mê với nghề. Ngoại giao là một công việc đầy áp lực, vất vả, càng khó khăn đối với cán bộ nữ do những rào cản về giới.
Ngoài ra, tôi cho rằng, “bản lĩnh” là từ khóa khác khi ta bàn về các tố chất cần thiết của cán bộ ngoại giao. Làm việc trong môi trường khó khăn, đặc biệt vất vả, cán bộ ngoại giao, nhất là nữ cán bộ nếu không có bản lĩnh cao thì khó “trụ” được trước áp lực ngày càng tăng của công việc và cuộc sống.
Trong thời gian qua, Công đoàn Bộ đã làm gì để phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo đời sống, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động, đặc biệt là cán bộ nữ?
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống cán bộ ngoại giao nói chung, cán bộ nữ ngoại giao nói riêng. Nhìn chung, trong nhiều năm qua, Công đoàn Bộ đã cùng với chính quyền luôn quan tâm đến công tác nữ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát huy vai trò của mình trong công tác đối ngoại, trong đó có chính sách đào tạo, đề bạt và luân chuyển cán bộ.
Lãnh đạo Công đoàn Bộ là thành phần “cứng” khi tham gia các Hội đồng tư vấn quan trọng của Bộ như Hội đồng tư vấn về hàm, cấp ngoại giao, Hội đồng tư vấn luân chuyển để bảo vệ lợi ích của cán bộ ngoại giao nói chung và nữ cán bộ ngoại giao nói riêng, bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong phong hàm ngoại giao, cũng như trong bổ nhiệm cán bộ đi công tác nhiệm kỳ ở Cơ quan đại diện ở nước ngoài, góp phần giúp đại đa số cán bộ nữ được bố trí sắp xếp công việc phù hợp khả năng chuyên môn và nguyện vọng.
Ban Nữ công, Công đoàn Bộ đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến về chăm lo sức khỏe, tinh thần cho cán bộ nữ và con em cán bộ trong Bộ, chú trọng thăm hỏi các cán bộ nữ lão thành, thăm hỏi, giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn, tăng cường bồi dưỡng năng lực cho cán bộ ngoại giao nữ. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ, luôn chú trọng và quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo nữ cấp Vụ và cấp Bộ…
Là cán bộ ngoại giao từng đảm đương nhiều vị trí công tác khác nhau, trong đó có vị trí Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, chị có thể chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân với các cán bộ ngoại giao trẻ?
Cán bộ ngoại giao nói chung và cán bộ nữ ngoại giao nói riêng khi công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài cần liên tục học hỏi, rèn luyện phương pháp nghiên cứu. Trong thời đại 4.0, nếu ta không tiếp tục học tập sẽ bị lạc hậu, bị đào thải nhanh chóng. Cán bộ ngoại giao nói chung, cán bộ nữ ngoại giao nói riêng cần nỗ lực, quyết tâm nâng cao trình độ chuyên môn, trước hết là ngoại ngữ để làm việc tốt hơn nữa, góp phần phát triển đất nước, hội nhập với thế giới.
Cùng với việc học tập ngoại ngữ, yêu cầu nâng cao kỹ năng hội nhập quốc tế, kỹ năng ứng xử, giải quyết công việc cũng cần được quan tâm. Cán bộ ngoại giao được đào tạo tốt bằng việc học ở trường và tự học mới đủ tự tin để giao tiếp với các đối tác quốc tế. Phải có kỹ năng giao thiệp tốt thì mới nắm được tình hình, nghiên cứu tốt được vì các tài liệu nghiên cứu về chính trị và quan hệ quốc tế đến nay chủ yếu vẫn được xuất bản bằng tiếng Anh. Cần hiểu rằng, cán bộ ngoại giao có kiến thức chung tốt mới có thể vận động đối tác.
Ngoài ra, tôi luôn tâm niệm, trong giao thiệp với sở tại hoặc với các đối tác khác cần chủ động trong tiếp cận, dùng sự chân tình trong quan hệ con người với nhau để làm việc với đối tác. Trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp tại cơ quan đại diện cần phát huy tinh thần xây dựng tập thể đoàn kết, gắn bó, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ công tác tại địa bàn.
Có năng khiếu và được đào tạo về thanh nhạc nhưng chị chọn trở thành cán bộ ngoại giao, chị có cảm thấy tiếc nuối vì mình không đi theo con đường nghệ thuật không? Đây có phải là một loại “sức mạnh mềm” của chị?
Tôi có may mắn là cha tôi từng làm cán bộ ngoại giao. Từ nhỏ, khi mới 3, 4 tuổi tôi đã quen với tiếng phát thanh của đài nước ngoài vì cha tôi là lớp phiên dịch đầu tiên tiếng Anh của Bộ. Cha tôi thường nghe tin để làm báo cáo lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bởi vậy, từ nhỏ, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm việc gì khác ngoài việc công tác ở Bộ Ngoại giao.
Về ca hát, mặc dù hay hát ở trường và ở cơ quan, nhưng tôi chưa bao giờ ước mơ trở thành ca sĩ. Nếu tôi trở thành ca sĩ thì chắc cuộc sống của tôi sẽ khác rất nhiều so với hiện tại. Tôi luôn quan niệm, dù ở bất kỳ vị trí nào tôi cũng cố gắng tối đa để làm tốt công việc của mình. Bởi vậy, khi làm Đại sứ ở Sri Lanka, tôi hát là để thúc đẩy công tác ngoại giao văn hóa. Mỗi bài hát đều được lựa chọn kỹ lưỡng về nội dung, thể loại... Mặc trang phục nào cũng được suy nghĩ kỹ trước khi biểu diễn.
Mọi người thường hỏi tại sao tôi hay hát bài Bóng cây Kơ-nia? Lý do là vì, bài này ổn về mặt chính trị, với tư cách là Đại sứ, không phải thích hát bài gì thì hát. Mỗi bài hát đều mang thông điệp chính trị, tôi tự viết lời giới thiệu về cuộc kháng chiến của dân tộc ta, về hy sinh của phụ nữ Việt Nam khi hát bài này. Phần nữa, về mặt âm nhạc, bài này thể hiện được cái đẹp, sự tao nhã của âm nhạc Việt Nam. Về mặt giai điệu, bài này có giai điệu “catchy” có nghĩa là hát cho người nước ngoài nghe rất ổn vì họ không hiểu tiếng Việt, không thấm được cái đẹp của ca từ mà ta chỉ dựa vào thẩm âm để lấy lòng khán giả.
Khi mới vào ngành Ngoại giao, tôi được phân công làm cán bộ nghiên cứu ở đơn vị khu vực và sau đó kinh qua nhiều công tác ở các đơn vị khác nhau. Hiện nay, tôi được Lãnh đạo Bộ phân công làm công tác Công đoàn. Đây là trải nghiệm mới và kinh nghiệm mới đối với tôi nhưng ở bất kỳ vị trí nào, tôi cũng luôn cố gắng làm hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ban-linh-nu-can-bo-ngoai-giao-trong-thoi-dai-40-212758.html