Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất việc làm ngay để có 8% tăng trưởng
Báo cáo 'Phát huy vai trò doanh nghiệp tư nhân trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia 8%, tiến tới tăng trưởng 2 con số' của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thường trực Chính phủ.
Báo cáo cho chủ đề "Phát huy vai trò doanh nghiệp tư nhân trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia 8%, tiến tới tăng trưởng 2 con số" được gửi tới Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu Xuân các doanh nghiệp tư nhân vào sáng 10/2.
![Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu Xuân các doanh nghiệp tư nhân vào sáng 10/2. Ảnh: TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_72_51450638/803d25b310fdf9a3a0ec.jpg)
Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu Xuân các doanh nghiệp tư nhân vào sáng 10/2. Ảnh: TTXVN
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng Ban đã đại diện phát biểu. Ông đã gọi đây là Báo cáo "1-2-3-4-5". Một cách tóm tắt, mỗi con số thể hiện cho 1 nhóm ý kiến, gồm công - tư đồng 1 lòng, 2 mục tiêu, 3 điểm nghẽn, 4 mũi giáp công và 5 hành động.
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban IV mới chỉ đề cập đến 2 hành động trong báo cáo hơn 2.000 chữ này. Đó là giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ và “bình dân hóa AI”.
“Phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh đề xuất. Theo giải trình, nhiều nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ của tăng trưởng GDP và tiềm lực KHCN thường tỷ lệ thuận, nhưng riêng Việt Nam lại chưa tương quan. Nghĩa là, tiềm lực khoa học công nghệ còn thấp trong khi GDP các năm qua vẫn thuộc nhóm tăng trưởng cao.
"Nghĩa là dư địa của chúng ta còn rất lớn. Nếu giải phóng được tiềm lực này, mục tiêu tăng trưởng cao GDP hoàn toàn khả thi", ông Bình nhấn mạnh đề xuất.
Trong 5 việc cần làm ngay trong năm 2025 mà Ban IV đề xuất, đây là giải pháp đầu tiên. Thậm chí, ông Bình cho rằng, nếu không giải phóng được tiềm lực này, tìm ra bằng được lý do tạo nghẽn, thì việc thực thi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ rất khó khăn.
Việc cần làm thứ hai trong báo cáo của Ban IV là đẩy mạnh phát triển kinh tế số và chuyển đối số quốc gia với tư duy phát triển rõ ràng, thông điệp cùng cách làm nhất quán, sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã nhấn mạnh tư duy phát triển thay vì tư duy kiểm soát, yêu cầu bỏ tư duy “không quản được thì cấm” hoặc tư duy “không biết mà cũng quản” và yêu cầu phát động chương trình “bình dân học vụ số”. Trong đó, Ban IV đề nghị đánh giá trọng tâm trải nghiệm người dùng với các nhóm dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều, tác động lớn, để người dân và doanh nghiệp thực sự có tiếng nói và đóng góp giá trị cho nỗ lực lớn của quốc gia, song song với các nhiệm vụ nền tảng về hạ tầng, dữ liệu hoặc an ninh mạng mà chỉ có số ít các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin biết tới.
Ban IV cũng đề nghị mạnh dạn nghiên cứu triển khai một số dịch vụ công trực tuyến với đầu mối là tổ chức/doanh nghiệp tư nhân vì chúng ta đã có tiền lệ công chứng tư, bệnh viện tư... với chất lượng dịch vụ vượt trội do tư nhân cung cấp. Đặc biệt, Ban IV đề xuất xây dựng cơ chế cụ thể về khai thác, chia sẻ dữ liệu đặc biệt là dữ liệu mở cho khu vực tư nhân căn cứ trên các quy định của Luật Dữ liệu 2024 và đưa vào vận hành sớm trong 2025 vì trong kinh tế số, dữ liệu là mỏ vàng.
![Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_72_51450638/b904118a24c4cd9a94d5.jpg)
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ ba, Ban IV phát động “Bình dân AI vụ”. Đề xuất này, theo ông Bình, sự kiện Deepseck gây chấn động thế giới vừa qua đã chỉ ra khả năng gia nhập những ngành công nghệ lõi của những nước có điều kiện còn nhiều hạn chế như Việt Nam nhưng cần tốc độ nhanh, với sự chuẩn bị về năng lực và sự vào cuộc của toàn dân.
Cụ thể, Ban IV đề xuất xây dựng cơ chế đặc biệt, đặc thù như các “luồng xanh” cho các ngành/lĩnh vực mới, các doanh nghiệp uy tín (thông qua tiêu chí và đánh giá) trong quá trình đầu tư, thương mại, hoạt động,… để tận dụng nhanh chóng các cơ hội; tạo sự khác biệt trong môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và truyền thông mạnh mẽ ra quốc tế (ví dụ, lĩnh vực bán dẫn, R&D dược phẩm, logistics,…)
Thứ tư, xây dựng các chương trình hợp tác liên chính phủ giữa Việt Nam và một số quốc gia tiềm năng cho các lĩnh vực kinh tế mới nổi như bán dẫn, AI trong đó hình thành các Tổ, nhóm công tác có phân vai trò cụ thể cho các doanh nghiệp tư nhân.
Thứ năm, Ban IV đề nghị hình thành các chương trình, sự kiện, cơ chế thường niên có khả năng hút mạnh nguồn lực tri thức, tài chính, sự hiện diện… của các công ty công nghệ, tài chính, đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới về Việt Nam bằng vai trò khu vực tư nhân, nhất là các lĩnh vực Việt Nam còn hạn chế để tạo ra sự kết nối, trao đổi tiến tới thu hút thương mại, đầu tư hiệu quả cho nền kinh tế/doanh nghiệp Việt Nam.
Ví dụ, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đối tác tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu (P4G) mà Chính phủ Việt Nam đăng cai tháng 4 tới đây, Ban IV có thể cùng các đối tác tư nhân kết hợp Công bố và thực hiện năm thứ nhất sáng kiến “Tuần lễ công nghệ cho tương lai” (Vietnam Future Now).
Trong báo cáo, về 3 điểm nghẽn, Ban IV cho rằng, điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực và thể chế tiếp tục làm khó cả nền kinh tế và doanh nghiệp, là nút thắt của quá trình phát triển đất nước và nền kinh tế. Do đó, Ban IV cho rằng, muốn doanh nghiệp tư nhân thực sự có thể tăng tốc, bứt phá góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới thì cần trọng tâm giải quyết 3 nút thắt này.
Nhà nước cần thu hút tư nhân vào phát triển hạ tầng quốc gia; tối đa hóa sự tham gia của tư nhân trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ. Đồng thời, trong cải cách thể chế, cần nhấn mạnh tư duy hỗ trợ phát triển thay vì kiểm soát và cần trọng tâm nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, tức là phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước để vun bồi nội lực giúp đất nước và nền kinh tế tăng trưởng bền vững và chất lượng hơn.