Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM nói về việc các dự án Metro bị kéo dài

Các dự án đường sắt đô thị có tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị dài nên khi dự án triển khai thì phải điều chỉnh lại thiết kế, tổng mức đầu tư cho phù hợp, gây mất thời gian, chi phí.

Sáng 22-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi giám sát đối với Sở KH&ĐT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn về việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Tại buổi giám sát, các đơn vị đều cho biết các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài do đơn vị mình phụ trách đều gặp tình trạng chậm, kéo dài, có nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đã nêu tiến độ của các dự án tiếp nhận vốn vay ODA, trong đó có tuyến Metro số 1 và tuyến Metro số 2…

Theo ông Cường, việc triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị TP hiện nay có chậm lại vì nhiều nguyên nhân khách quan.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Theo đó, nguồn vốn ODA và vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các dự án đường sắt đô thị là nguồn vốn quan trọng trong bối cảnh nguồn lực đầu tư trong nước có hạn.

Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, các quy định về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, đầu tư xây dựng... có sự thay đổi liên tục, dẫn đến phải điều chỉnh hoặc thực hiện lại các thủ tục liên quan gây mất thời gian và tốn kém.

Đồng thời, do thời gian chuẩn bị dự án kéo dài, số vốn cam kết của các nhà tài trợ khó đảm bảo; việc tính toán chi phí đầu tư cho dự án sẽ rất khó khăn do có nhiều thay đổi biến động và trượt giá dẫn đến đội vốn qua các bước thực hiện.

Ông dẫn chứng, tuyến đường sắt đô thị số 5 - giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn) đã được triển khai xúc tiến đầu tư từ năm 2009, đến năm 2016 đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý. Tuy nhiên do quy định pháp luật của Việt Nam thay đổi (ban hành Luật Đầu tư công năm 2014), dự án phải thực hiện bước lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Đến thời điểm hiện nay, dự án vẫn đang ở bước xin chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, với tổng mức đầu tư cho toàn bộ một tuyến đường sắt là rất lớn, việc kêu gọi nguồn vốn từ nhà tài trợ thường không đủ nên phải phân kỳ đầu tư hoặc phân chia nhiều phân đoạn. Điều này dẫn đến tính đồng bộ về mặt công nghệ, tính kết nối của toàn dự án cũng bị hạn chế ngay từ khâu chuẩn bị.

Cũng theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, các quy định pháp luật có liên quan chưa hoàn chỉnh hoặc có sự thay đổi, thiếu tính ổn định, làm phát sinh các điều chỉnh liên quan về hợp đồng. Hay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm làm phát sinh chi phí đền bù, nhà thầu đề nghị phát sinh nhiều chi phí khác như phí cam kết, chi phí quản lý dự án…

Chưa kể, do dự án có tổng mức đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thời gian chuẩn bị đầu tư khá dài 3-5 năm. Chính vì vậy khi dự án triển khai phải điều chỉnh lại thiết kế, tổng mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế, gây mất thời gian, chi phí.

Lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng chỉ ra các khó khăn, vướng mắc đều vượt thẩm quyền của TP, phải xin ý kiến Chính phủ và nhiều bộ, ngành liên quan, dẫn đến đến kéo dài thời gian thực hiện…

Giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM thực hiện 7 dự án ODA

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, cho biết trong giai đoạn 2016-2020, TP theo dõi 19 dự án ODA đang triển khai thực hiện với tổng số vốn đầu tư là hơn 123 nghìn tỉ đồng.

Trong đó có chín dự án đầu tư ODA (gồm bốn dự án trọng điểm có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỉ đồng) và 10 dự án hỗ trợ kỹ thuật phục vụ dự án đầu tư ODA.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Trong giai đoạn này, TP hoàn thành hai dự án đầu tư ODA, 10 dự án hỗ trợ kỹ thuật phục vụ dự án đầu tư ODA.

Hiện còn bảy dự án ODA TP sẽ quản lý thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 với tổng mức đầu tư là 117.816 tỉ đồng. Gồm:

- Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên

- Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành - Tham Lương

- Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2

- Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2

- Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM

- Dự án đầu tư Cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TP.HCM

- Dự án HTKT của SECO cho dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-quan-ly-duong-sat-do-thi-tp-hcm-noi-ve-viec-cac-du-an-metro-bi-keo-dai-post676952.html