Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước: Luôn đồng hành và nỗ lực vì nhà đầu tư
Những năm qua, Ban quản lý Khu kinh tế Bình Phước luôn hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tiến hành đổi mới trong quản lý điều hành, thường xuyên rà soát, cải cách thủ tục hành chính, từ đó giúp các nhà đầu tư trong địa bàn tập trung phát triển.
Bình Phước hiện có 13 Khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 6.061 ha (diện tích quy hoạch là 4.686 ha, diện tích chuyển tiếp trong giai đoạn tới là 1.375 ha), trong đó có 12 KCN đi vào hoạt động thu hút được 375 dự án thứ cấp (trong đó có 281 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 94 dự án có vốn đầu tư trong nước) với diện tích thuê đất là 1.368,5 ha; tổng vốn đầu tư đăng ký là 16.774 tỷ đồng và 2.883 triệu USD, tạo việc làm cho gần 73.000 lao động. Tỉnh cũng quy hoạch chung Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Hoa Lư với diện tích 28.364 ha. Tại KKT cửa khẩu Hoa Lư, tỉnh đã quy hoạch 3 KCN với diện tích 1.073 ha.
Từng bước tạo dựng uy tín
Chín tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh Bình Phước đạt 9,01%. Trong đó, ngành công nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, tiếp tục xu hướng phục hồi, tăng 21,75% so với cùng kỳ 2021, chủ yếu tăng mạnh ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp-xây dựng ước tăng 18,70% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỉnh ghi nhận 905 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 10.678 tỷ đồng, đạt 82,3% kế hoạch năm; 272 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; thu hút vốn đầu tư FDI 30 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 107,653 triệu USD…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng quy hoạch 39 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích khoảng 1.550 ha. Đến nay, có 9 CCN được thành lập với tổng diện tích khoảng 450 ha, trong đó 1 CCN đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 450 lao động. Các CCN còn lại đang tiến hành giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật song song với việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Bình Phước đánh giá: “Nhìn chung các KCN, KKT được hình thành và phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Phước phù hợp quy hoạch xây dựng và phát triển chung của cả nước, thu hút được lượng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Các doanh nghiệp trong các KCN đóng góp tỷ trọng đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu chung của tỉnh, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh”.
Để đạt được những thành quả trên, những năm qua, Ban quản lý KKT Bình Phước luôn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới trong quản lý điều hành, thường xuyên rà soát, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt trong năm 2021, khi tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Ban đã hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Ban đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa ổn định sản xuất theo đúng phương châm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Ban cũng thường xuyên gặp gỡ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo đúng tinh thần “hạn chế các cuộc thanh, kiểm tra doanh nghiệp”; giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trên môi trường điện tử, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ giải quyết các chế độ cho người lao động và hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn để sản xuất.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm
Cùng với sự tăng trưởng chung của tỉnh, năm 2022, Ban quản lý KKT tiếp tục rà soát, làm tốt công tác quản lý, cấp phép tại các KCN, KKT thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính và giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống điện tử, số hóa (mức độ 4), rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, thời gian giải quyết hồ sơ được tính bằng giờ, thay vì bằng ngày như trước đây, thậm chí thu phí cũng nộp tiền qua tài khoản; giảm một số thành phần hồ sơ, giấy tờ không cần thiết nhưng vẫn bảo đảm tính pháp lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư chóng triển khai dự án.
Ngoài ra, hướng dẫn, hỗ trợ, giới thiệu cho nhà đầu tư vay vốn để mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, Ban cũng nỗ lực bám sát định hướng của chính quyền, đặc biệt trong Kết luận về phát triển KCN, KKT, CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước.
Cụ thể, ngoài 6.061 ha KCN hiện hữu chuyển tiếp, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương bổ sung thêm 10.400 ha đất KCN vào giai đoạn 2021-2030, trong đó huyện Đồng Phú (6.000 ha), huyện Hớn Quản (2.300 ha), huyện Phú Riềng (1.300 ha), huyện Chơn Thành (800 ha). Cũng như đề xuất tăng thêm 1.828 ha đất CCN, trong đó Phước Long (100 ha), Đồng Xoài (60 ha), Bình Long (210 ha), Bù Gia Mập (135 ha), Lộc Ninh (210 ha), Bù Đốp (130 ha), Hớn Quản (220 ha), Đồng Phú (341 ha), Bù Đăng (147 ha), Chơn Thành (75 ha) và Phú Riềng (200 ha); trong đó, quy hoạch ít nhất ba CCN chuyên ngành về công nghiệp chế biến.
“Chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng giải phóng mặt bằng và sớm đầu tư hạ tầng theo quy hoạch. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nguyên nhằm rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút làn sóng đầu tư mới có chất lượng; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đi liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng trong việc tư vấn, hướng dẫn, giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư”, ông Nguyễn Minh Chiến nhấn mạnh.