Các công trình lớn quốc gia phải mang tính chiến lược, xoay chuyển tình thế, chứ không phải 'bình bình'

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Đầu tư trong đó có đầu tư cho các công trình lớn của quốc gia và phải tạo ra sự đột phá về hạ tầng chiến lược. Những công trình phải mang tính chiến lược, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không phải bình bình như hiện nay.

Cứ tăng trưởng bình bình 6-7% thì rất khó đạt được 2 mục tiêu 100 năm

Chiều 12/11, tại phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng để tháo gỡ rào cản, tạo môi trường, động lực phát triển kinh tế- xã hội. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ những điểm nhấn quan trọng nhất trong thời gian tới là gì?

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề: Cải cách thể chế nếu được chọn thì chọn gì?

Theo Thủ tướng, thứ nhất là phân cấp, phân quyền.

Thứ hai, Thủ tướng nêu vấn đề phát triển đất nước bây giờ ưu tiên cho cái gì? và điểm nghẽn hiện nay rà soát thấy ngoài thể chế, phân cấp, phân quyền là điểm nghẽn của điểm nghẽn như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: Ưu tiên hiện nay chính là tăng trưởng và ưu tiên tăng trưởng phải có gì, phải có nguồn lực.

"Nếu như cứ tăng trưởng bình bình như hiện nay 6-7%, rất khó đạt được 2 mục tiêu 100 năm, cho nên phải ưu tiên cho tăng trưởng. Ưu tiên cho tăng trưởng thì phải tháo gỡ thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân, xã hội, nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp", Thủ tướng nhấn mạnh.

 Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nguồn lực phải tập trung và xóa việc dàn trải để đầu tư có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái

Đáng chú ý, tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp trong chỉ đạo điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia?

Trả lời câu hỏi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, như đã nói, hiện nay là phải bứt phá, phải tăng trưởng và đây là điểm nghẽn phải tháo gỡ trong không những nhiệm kỳ này mà nhiệm kỳ tới. Một trong những điều đó là phải phát triển hạ tầng chiến lược. Hạ tầng chiến lược bao gồm hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, v.v.

Cũng theo Thủ tướng, đầu tư là một trong những động lực tăng trưởng truyền thống, phải tập trung vào huy động nguồn lực đầu tư cho các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, như tiêu dùng, như xuất khẩu đang làm.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư trong đó có đầu tư cho các công trình lớn của quốc gia và phải tạo ra sự đột phá về hạ tầng chiến lược này. Những công trình mang tính chiến lược, mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không phải bình bình như hiện nay. "Như hiện nay là tốt nhưng chủ trương của Bộ Chính trị, chủ trương của Đảng, chủ trương của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và đặc biệt đồng chí Tô Lâm cũng như của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đây là phải có đột phá về hạ tầng", Thủ tướng nêu rõ.

Theo Thủ tướng, đột phá về hạ tầng chúng ta đang tập trung vào: Thứ nhất là, đường sắt cao tốc kết nối với Trung Quốc, Bắc - Nam, hạ tầng điện là khởi động lại các dự án liên quan đến năng lượng hạt nhân, năng lượng gió ngoài khơi, v.v. Nguồn lực nào thì phải hoàn thiện thể chế.

Thứ hai, phải có cơ chế huy động nguồn lực, nguồn lực của ta, của Nhà nước, của địa phương, đi vay, nguồn lực hợp tác công tư, v.v.

Thứ ba, phải đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, quản trị.

Thủ tướng cũng chia sẻ, như đầu nhiệm kỳ còn băn khoăn về nguồn lực làm sao xây dựng được hệ thống đường cao tốc. "Chúng ta bắt đầu xây dựng hệ thống đường cao tốc từ năm 2000 và đến năm 2021 bắt đầu bùng phát dịch COVID mới hoàn thành được khoảng gần 1000 km đường cao tốc. Nguồn lực thế nào để trong vòng 3 năm làm gấp đôi số đã làm 20 năm, băn khoăn lắm; nhưng được sự chỉ đạo của Đảng, của Bộ Chính trị, của các đồng chí Tổng Bí thư, ủng hộ của Quốc hội, chúng ta huy động nguồn lực của Trung ương, nguồn lực của địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi. Đặc biệt là chúng ta huy động nguồn lực từ các địa phương nữa để làm, nhất là tăng thu, giảm chi, không dàn trải, từ 12.000 dự án chỉ còn có hơn 4.000 dự án thì mới làm được", Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh, nguồn lực phải tập trung và xóa việc dàn trải để đầu tư có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái là như vậy.

Gia Phát

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-cong-trinh-lon-quoc-gia-phai-mang-tinh-chien-luoc-xoay-chuyen-tinh-the-chu-khong-phai-binh-binh-post321069.html