Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Đến tháng 2-2023, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Như Thanh được UBND tỉnh giao quản lý, sử dụng hơn 15.250,4 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 9.452,64 ha rừng phòng hộ trên địa bàn 12 xã thuộc các huyện Như Thanh, Nông Cống, Như Xuân. Diện tích rừng quản lý trên địa bàn rộng, trong đó có nhiều vùng rừng giáp ranh với các địa phương khác, một bộ phận người dân đời sống còn khó khăn thường khai thác rừng trái phép... gây khó khăn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng (BVR). Vào mùa nắng nóng, khô hanh tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh phối hợp với Hạt Kiểm lâm kiểm tra công tác PCCCR rừng thông ở xã Xuân Du, huyện Như Thanh.
Giám đốc Ban QLR phòng hộ Như Thanh Nguyễn Văn Dũng, cho biết: Ban đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xã hội hóa nghề rừng. Thực hiện mục tiêu bảo vệ an toàn diện tích rừng được giao, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng và cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có; hình thành các vùng trồng rừng sản xuất, lâm sản hàng hóa tập trung, chuyên canh, thâm canh với quy mô lớn, gắn trồng rừng với chế biến và thị trường tiêu thụ lâm sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng rừng, thu hút và tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động làm nghề rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xã hội hóa nghề rừng.
Để chủ động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), BQL rừng phòng hộ Như Thanh đã chủ động xây dựng phương án, lập bản đồ quy hoạch đất gắn với quy hoạch 3 loại rừng. Các loại đất, loại rừng được quản lý, sử dụng đúng mục đích, phù hợp tiêu chí quy định. Diện tích đất quy hoạch cho rừng sản xuất được điều chỉnh đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế huy động mọi nguồn lực để BV&PTR. Chủ động xây dựng quy chế phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và các cơ quan chức năng trong thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, BV&PTR. Trong các giải pháp quản lý, BV&PTR Ban luôn chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương có rừng để xác định ranh giới chủ quản lý, tổ chức đóng mốc tạm thời tại các vị trí xung yếu để phân định rõ ràng. Đồng thời, tổ chức giao khoán một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần dân cho các hộ dân địa phương nhận khoán toàn bộ diện tích đất rừng theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP, ngày 27-12-2016 của Chính phủ cho 2.895 hộ dân địa phương quản lý.
12 trạm quản lý, BVR đóng tại các xã đã chủ động khắc phục khó khăn, tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về BV&PTR, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) có liên quan trực tiếp đến người dân. Tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật, dịch vụ cung ứng cây giống cho các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp trên địa bàn xã chăm sóc, bảo vệ và trồng mới rừng. Từ đó, các thôn có rừng đã phối hợp với chủ rừng tiến hành ký cam kết không vi phạm những điều cấm về rừng.
Để BVR tận gốc, các trạm đã chủ động phối hợp với chính quyền và các đoàn thể của xã chủ động trong công tác tuyên truyền đến tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Do đó, hiện trạng quản lý sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn đơn vị quản lý không xảy ra tranh chấp, sử dụng đất sai mục đích, không để xảy ra tình trạng sử dụng rừng trái quy hoạch. Nhiều hộ gia đình như ông Phạm Văn Quý, bà Phạm Thị Dân (xã Xuân Thái), ông Lâm Ngọc Hải (xã Thanh Tân)... nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp đã xây dựng được trang trại tổng hợp, tổ chức trồng rừng sản xuất, BVR và chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng, cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Từ năm 2016 đến tháng 2-2023 BQL rừng phòng hộ Như Thanh đã hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng cây giống, tổ chức cho các hộ nhận khoán đất sản xuất lâm nghiệp trồng mới, trồng lại rừng đã khai thác theo quy định được gần 2.500 ha rừng, trong đó có hơn 500 ha rừng gỗ lớn, gần 200 ha cây keo nuôi cấy mô... Nhờ tích cực trồng và BVR, người dân trong vùng BQL rừng phòng hộ Như Thanh quản lý có thêm việc làm tại chỗ, thu nhập từ tiền nhân công và sản phẩm của rừng để nâng cao đời sống, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.
Để BVR trong những ngày thời tiết khô hanh, nắng nóng bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, loa truyền thanh, cán bộ kỹ thuật trực tiếp về thôn, bản... BQL rừng phòng hộ Như Thanh đã chủ động tuyên truyền các chỉ thị, văn bản của các cấp, các ngành chức năng về công tác BVR, PCCCR, phát triển rừng; các biện pháp chủ động PCCCR đến mọi người dân trong vùng. BQL rừng phòng hộ Như Thanh đã chủ động ký quy chế phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm, các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, PCCCR, phát triển rừng đến cán bộ, công nhân viên và các hộ nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp. Hàng năm, đơn vị đã xây dựng phương án, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương có rừng, hạt kiểm lâm đảm bảo trong công tác PCCCR. Chủ động làm các biển báo, mua sắm các thiết bị, dụng cụ như bàn dập lửa, can đựng nước, loa cầm tay, dao... phục vụ PCCCR cho đơn vị và các xã vùng dự án. Tổ chức ký cam kết BVR với 100% số hộ nhận khoán BVR trên địa bàn BQL. Điển hình như tại di tích Phủ Na, hàng năm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ban đã phân công 1 đồng chí lãnh đạo thường xuyên có mặt tại đây nắm bắt tình hình, cùng với trạm bảo vệ rừng Xuân Du phối hợp với BQL di tích tăng cường tuyên truyền nhắc nhở người dân thực hiện đúng quy định tham gia lễ hội, nhất là hóa vàng, sớ đúng quy định, nghiêm cấm không để tàn lửa bay vào rừng; không chặt cây, bẻ cành. Người dân và du khách tuân thủ thực hiện khá nghiêm công tác PCCCR theo quy định của lực lượng chức năng.
Rừng trồng mới trên địa bàn được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sinh trưởng, phát triển tốt. Diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có được bảo vệ an toàn, không để xảy ra cháy rừng. An ninh rừng trên địa bàn được giữ vững. Độ che phủ của rừng do BQL rừng phòng hộ Như Thanh quản lý đạt 92,27%. Diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt đã và đang được phục hồi, phát triển ổn định. Rừng nhiều tầng, nhiều tán, không những đã phát huy tính năng phòng hộ, bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường mà còn tạo nguồn sinh thủy cho các công trình thủy lợi, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, hạn chế lũ lụt, hạn hán, là nơi cho các loài động vật cư trú và bảo tồn nguồn gen các loài thực vật rừng.