Bản quyền trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học: Đội lốt 'tài liệu tham khảo' để ngang nhiên vi phạm

Việc sao chép, vi phạm bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học hiện đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp dưới cái mác 'tài liệu tham khảo'. Thực tế, đã xuất hiện nhiều vụ đấu tố sao chép không ghi nguồn, hoặc trích dẫn quá nhiều… dẫn đến không khác gì sao chép trái phép.

Hội thảo về bảo vệ bản quyền trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Hội thảo về bảo vệ bản quyền trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đồng bộ giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật, công nghệ cũng như tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bản quyền trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đây cũng là những nội dung được đề cập tại Hội thảo về bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học do Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Ranh giới mong manh giữa “sao chép” và “trích dẫn”

Còn nhớ, năm 2014, dư luận từng xôn xao khi ông Nguyễn Cảnh Lương, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội bị tố sao chép nghiên cứu của PGS.TS Đặng Văn Khải. Thực tế, ông Nguyễn Cảnh Lương đã đưa 56 tài liệu tham khảo vào luận án, nhưng chỉ có 39 tài liệu được dẫn nguồn theo quy định, còn lại 23 điểm bị tố là “đạo văn” từ Luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải.

Năm 2018, một vụ việc nữa tiếp tục xảy ra khi TS Trần Phương Nguyên bị tố chép sách đồng nghiệp để làm luận án. Sau khi làm việc, Hội đồng thẩm định xác định đây là “lỗi kỹ thuật trích dẫn”.

Theo Ths Trần Quang Trung, Phó Trưởng khoa Luật (Đại học Duy Tân), tình trạng sao chép trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học hiện đang diễn ra một cách ngang nhiên, tùy tiện. Ranh giới giữa sao chép và trích dẫn tác phẩm rất mong manh. “Trích dẫn được hiểu là lấy một số thông tin, nội dung từ tác phẩm này đưa vào tác phẩm khác nhằm minh họa, giới thiệu, bình luận. Kết quả trích dẫn không tạo ra bản sao; trong khi đó, hành vi sao chép có dấu hiệu khách quan là tạo ra bản sao. Sao chép bất hợp pháp là hành vi xâm phạm quyền tài sản của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả. Hai hành vi này hiện bị sử dụng nhầm lẫn trong thực tiễn thi hành”, Ths Trần Quang Trung chia sẻ.

Đồng quan điểm, Ths Đỗ Thị Diện, Trường Đại học Luật (Đại học Huế) khẳng định, pháp luật nhìn nhận việc sử dụng tác phẩm vì những mục đích như nghiên cứu, giảng dạy, giáo dục, đưa tin, bình luận... là cần thiết, do đó cho phép sử dụng trích dẫn. Tuy nhiên, vì ranh giới “mỏng” giữa hai khái niệm, nên trong thực tiễn đã phát sinh nhiều tranh chấp về quyền tác giả. Thậm chí, có trường hợp người bị kiện đã viện dẫn những ngoại lệ này để bào chữa cho hành vi sử dụng trái phép tác phẩm của người khác.

Cần quy định rõ ràng

Trước thực trạng trên, TS Phùng Thị Yến, giảng viên Khoa Luật (Trường Đại học Ngoại thương) cho biết, quy định về tiêu chuẩn tham khảo hay trích dẫn các nguồn tài liệu hiện vẫn chưa rõ ràng nên đã tạo kẽ hở cho hành vi gian lận trong nghiên cứu khoa học. “Cần thiết phải xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn chung dành cho các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, có quy chuẩn mẫu về phần trăm tài liệu được tham khảo khi thực hiện hoạt động sáng tạo tác phẩm khoa học, nêu rõ cách thức trích dẫn phù hợp để đảm bảo tính nguyên gốc, sự minh bạch khi đưa ra ý kiến hay tham khảo về nội dung khoa học”, TS Phùng Thị Yến đề xuất.

Song song đó, đại diện Đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm, cần sớm xây dựng quy định hướng dẫn thế nào là “sao chép hợp lý một phần tác phẩm” trên cơ sở định tính và định lượng, đánh giá đặc trưng của từng nhóm, bản chất của phần tác phẩm được sao chép, tần suất sao chép, mức độ sao chép… Đồng thời, xác định rõ việc này có làm ảnh hưởng đến việc khai thác tác phẩm của chủ thể quyền, làm giảm sút doanh thu của chủ sở hữu quyền tác giả hay không.

Đề xuất thêm các giải pháp, ThS Phạm Minh Trường, Trưởng phòng Kỹ thuật (Viện Phim Việt Nam) cho rằng, cần triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ về pháp lý, công nghệ và tuyên truyền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền tác giả; cập nhật, thực thi các luật về quyền tác giả để bảo vệ tác phẩm kỹ thuật số; tổ chức cần hỗ trợ tác giả trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm…

Về giải pháp công nghệ, cần sử dụng phần mềm quản lý kỹ thuật số giúp kiểm soát việc sử dụng và phân phối tác phẩm trên không gian mạng, bảo đảm rằng chỉ những người được cấp quyền mới có thể truy cập hoặc sử dụng tác phẩm. Bên cạnh đó, công nghệ blockchain (chuỗi khối) có thể được sử dụng để tạo ra các bản ghi không thể thay đổi về quyền tác giả, giúp theo dõi nguồn gốc của nội dung và xác minh quyền sở hữu. Ngoài ra, cần áp dụng chữ ký số và mã hóa, công cụ và phần mềm phát hiện vi phạm bản quyền.

“Cuối cùng là nâng cao nhận thức, giáo dục ở các môi trường. Trong đó, điểm nhấn là giáo dục cộng đồng thông qua các khóa học trực tuyến, hội thảo, tài liệu, tổ chức chiến dịch truyền thông; giáo dục về hậu quả của hành vi vi phạm bản quyền”, ThS Phạm Minh Trường cho hay.

Theo Báo Văn hóa

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202410/ban-quyen-trong-giang-day-va-nghien-cuu-khoa-hoc-doi-lot-tai-lieu-tham-khao-de-ngang-nhien-vi-pham-faf7471/