Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Trường nghề tiếp tục gặp khó

Trong dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dư luận xã hội, có nhiều điểm mới được đa số ý kiến đồng tình; nhưng cũng có một số thay đổi khiến chuyên gia, nhà giáo cho rằng sẽ tước đi cơ hội của người muốn học nghề.

Nhiều điểm mới

Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có một số điểm mới được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, một chương trình và có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Cụ thể, giảm số môn thi, giảm buổi thi (3 buổi thi), phương án thi 2+2 (2 môn bắt buộc + 2 môn tự chọn); thay đổi cách tính điểm thi tốt nghiệp THPT; địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ... Cùng với đó, công bố 17 đề thi minh họa để các nhà trường định hướng giảng dạy và ôn luyện cho học sinh lớp 12…

Dự thảo cũng nêu điểm ưu tiên, điểm khuyến khích có sự thay đổi so với các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây. Theo đó, nếu thí sinh đồng thời có nhiều loại giấy chứng nhận để được cộng điểm khuyến khích theo quy định thì cũng chỉ được hưởng mức điểm cộng nhiều nhất là 4 điểm.

Theo các chuyên gia giáo dục, dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới, giúp giảm áp lực học và thi cho cả thầy lẫn trò. Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các địa phương trong công tác tổ chức thi hàng năm; có sự kế thừa của phương thức đổi mới thi từ năm 2016 và đã có kinh nghiệm trong làm đề thi chuẩn hóa gần 10 năm qua... nên khá thuận lợi.

 Học sinh THPT quận 12 (TPHCM) trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp do Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức, tháng 10-2024. Ảnh: AN KHÁNH

Học sinh THPT quận 12 (TPHCM) trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp do Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức, tháng 10-2024. Ảnh: AN KHÁNH

Bên cạnh đó, các quy trình tổ chức thi đã được đúc kết qua nhiều năm nên sẽ không gặp nhiều khó khăn trong triển khai khi thông tư được ban hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ rõ nhiều bất cập, như việc dạy học và kiểm tra/thi đánh giá theo năng lực lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô diện rộng cả nước với kinh nghiệm dạy học, ra đề thi chưa nhiều; cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh còn lúng túng trong các thông tin về kỳ thi, đề thi đánh giá năng lực…

Khó phân luồng, hướng nghiệp

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM, băn khoăn khi ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây, học sinh chọn học nghề tại các cơ sở GDNN hoặc tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN) là chọn học song bằng (học THPT hệ GDTX và học trung cấp nghề), được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp. Nếu học viên GDTX-GDNN có chứng chỉ Ngoại ngữ hoặc Tin học được cấp theo quy định của Bộ GD-ĐT trong thời gian học cấp THPT thì cũng được cộng điểm.

Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tại Điều 44 - Điểm khuyến khích (Chương VII), không có câu chữ nào liên quan tới việc cộng điểm khuyến khích cho học sinh đang học tại các Trung tâm GDTX-GDNN, cơ sở GDNN như quy định hiện hành. Việc này tạo sự thiếu công bằng giữa đối tượng học THPT và GDTX!

ThS Phan Thị Lệ Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông (TPHCM), cũng cho biết, những năm qua, học sinh của trường vẫn đảm bảo được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy bằng tốt nghiệp THPT hệ GDTX, trong đó 70%-75% được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhờ có bằng trung cấp, đạt tỷ lệ tốt nghiệp 98%-99,77%.

“Nếu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, học sinh GDTX không được cộng điểm nghề khuyến khích thì sẽ có nguy cơ làm giảm số lượng học sinh đăng ký học nghề ngay từ giai đoạn đầu, phụ huynh không khuyến khích con em theo học, công tác phân luồng, tuyển sinh càng khó khăn hơn”, ThS Phan Thị Lệ Thu chia sẻ.

Theo ThS Phan Thị Lệ Thu, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục duy trì quy định cộng điểm khuyến khích dành cho học sinh có bằng trung cấp như các kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra để vừa khuyến khích học sinh tham gia học song bằng, vừa đảm bảo tính công bằng cho học sinh GDTX với THPT. Còn nếu bỏ điểm cộng, cần có giải pháp khuyến khích học sinh GDTX bằng việc xem xét tích hợp các kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp vào tiêu chí xét tốt nghiệp, như yêu cầu học sinh hoàn thành một số bài kiểm tra hoặc dự án nghề nghiệp trong suốt quá trình học.

Ở góc độ GDTX, ThS Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (TPHCM), dẫn chứng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TPHCM có 84.046 thí sinh dự thi, trong đó có trên 12% là học sinh GDTX (9.465 em); tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT hệ GDTX đạt 97,39%. Những con số này thể hiện chất lượng và môi trường GDTX được cải thiện mạnh mẽ, các trung tâm GDTX-GDNN ngày càng được phụ huynh tin tưởng.

“Công tác tuyển sinh theo đề án của Chính phủ và TPHCM hướng đến năm 2025 đạt 30% trên tổng số học sinh được phân luồng theo học nghề, nhưng mới chỉ đạt khoảng 26%. Nếu các em không được cộng điểm khuyến khích, dự báo GDTX gặp nhiều thách thức khi người học sẽ lựa chọn hướng rẽ khác”, ThS Đỗ Minh Hoàng trăn trở.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang đăng tải trên mạng của Bộ GD-ĐT và tiếp tục xin ý kiến rộng rãi dư luận xã hội đến hết ngày 29-10 nhằm tiếp thu, chỉnh sửa để có thể ban hành trong tháng 11-2024.

HUY CẬN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-thao-quy-che-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-truong-nghe-tiep-tuc-gap-kho-post765197.html