Bán thuốc online, quản lý thế nào?
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 có nhiều điểm mới, trong đó cho bán thuốc qua thương mại điện tử hay còn gọi là online, nhưng chỉ là thuốc không kê đơn.
Trên thực tế, việc bán thuốc online kê đơn đã diễn ra từ nhiều năm nay, người dân chỉ cần gọi điện, nhắn tin, thuốc sẽ ship đến tận nhà. Việc quản lý bán thuốc online như thế nào khi tình trạng mua thuốc kháng sinh còn dễ dàng như hiện nay?
Bị viêm họng, sốt, chị Phạm Thu Trang (Tây Hồ, Hà Nội) ra hiệu thuốc ngay gần nhà để mua kháng sinh. Nhân viên bán thuốc nghe chị tả về triệu chứng, đã “kê” cho chị đơn thuốc gồm kháng sinh, chống viêm, viêm ngậm chống ho, giảm đau. Theo chia sẻ của chị Trang, chị thường xuyên mua thuốc cho cả gia đình ở hiệu thuốc này và lần nào người bán hàng cũng “tự kê” đơn thuốc cho khách tùy theo triệu chứng.
Tương tự, chị Trần Thị Huyền (Ba Đình, Hà Nội) cũng chia sẻ, chị mua kháng sinh không cần đơn rất dễ dàng. “Có lần tôi bị đau dạ dày, nhờ con ra nhà thuốc Long Châu, chỉ cần đọc số điện thoại của tôi là có “đơn thuốc” lưu sẵn trong máy do tôi thường xuyên mua ở đây, mà không cần phải có đơn thuốc của bác sĩ. Vệc mua thuốc online cũng khá dễ dàng, bởi có nhà thuốc giới thiệu thuốc trên mạng xã hội, chỉ cần nhắn tin hoặc gọi điện đặt mua là thuốc ship đến nhà”, chị Huyền nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học Y tế Việt Nam, tình trạng mua thuốc không đơn rất phổ biến, kể cả các loại thuốc kháng sinh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam. Tại Việt Nam, bán thuốc online xuất hiện từ năm 2017-2018 và ngày càng phát triển. Có nhiều hình thức trá hình cho việc bán thuốc online để lách luật, để xóa dấu vết. Ví dụ như chuỗi nhà thuốc đang cho mua thuốc, chọn thuốc trên website của chuỗi nhà thuốc đó. Nếu đơn thuốc là thuốc kê đơn, nhà thuốc sẽ gọi điện cho khách giao dịch trực tiếp và giao hàng. Còn một số ứng dụng di động khác cho khách chọn thuốc, sau đó giới thiệu khách với một nhà thuốc và nhà thuốc sẽ gọi điện thoại tư vấn, giao xe ôm giao hàng nếu khách muốn mua và nhiều hình thức khác.
Theo ông Trọng, ước tính thị trường thuốc online Việt Nam tới năm 2024 đạt khoảng 5-8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng. Việc bán thuốc online ảnh hưởng trực tiếp tới người sử dụng, nhiều người lo ngại việc đưa thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc vào bán online. Theo nhiều chuyên gia, việc bán thuốc online phải xem xét sàn thương mại điện tử có được cấp phép hoạt động không, thuốc đó phải được kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, phải có nhân lực để hướng dẫn người dân sử dụng thuốc. Đặc biệt, phải kiểm soát chỉ bán thuốc không kê đơn, tránh lợi dụng để trà trộn bán thuốc kê đơn. Công việc của lực lượng chức năng trong kiểm tra, giám sát, phát hiện vi phạm sẽ nhiều hơn.
Luật Dược sửa đổi được thông qua sẽ là hành lang pháp lý để quản lý việc bán thuốc online đang tràn lan hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người sử dụng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy định về việc mua bán thuốc online. Theo nhiều chuyên gia, bán thuốc online là phù hợp với xu thế phát triển khi nhiều nước đã áp dụng. Ông Nguyễn Hữu Trọng cho rằng, khi có Luật, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra, giám sát và công nhận công bố các ứng dụng, các sàn thương mại điện tử đáp ứng được quy định quản lý bán thuốc online.
Luật Dược sửa đổi đã bổ sung quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm cả hoạt động kinh doanh, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến. Như vậy, việc bán lẻ thuốc online chỉ được áp dụng với thuốc không kê đơn, trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A được phép bán thuốc kê đơn. Đồng thời nghiêm cấm áp dụng hình thức này đối với các loại thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Thuốc kê đơn gồm những thuốc: Gây nghiện, hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc; gây mê, giảm đau, chống viêm và paracetamol; kháng sinh, điều trị bệnh gút, tim mạch, chống loét dạ dày, điều trị giun sán, điều trị nấm, điều trị virus, điều trị ung thư và tác động vào hệ miễn dịch, điều trị lao, sốt rét…
Để kiểm soát chất lượng, Luật sửa đổi quy định cơ sở bán lẻ thuốc phải tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng cho người mua thuốc và giao thuốc đến người mua theo hướng dẫn chi tiết của Bộ trưởng Bộ Y tế. Cơ sở kinh doanh thuốc online phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật thương mại điện tử, pháp luật về quảng cáo và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác được pháp luật quy định. Đồng thời, phải bảo đảm bảo mật thông tin của người mua, đăng tải đầy đủ thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở, thông tin về thuốc đã được phê duyệt.
Hiện nay, nhóm thuốc kê đơn chiếm đến hơn 85% số lượng thuốc lưu hành trên thị trường. Theo bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện nền tảng online của Cục đã phê duyệt 52.000 web thương mại điện tử bán hàng nói chung, nhưng có khoảng 900 các loại web/công ty có chữ cái bắt đầu bằng “thuốc” hoặc “pharma”. Cục đã yêu cầu toàn bộ các nền tảng này phải cung cấp đủ thông tin hàng hóa trên nhãn/bao bì sản phẩm. Đồng thời, toàn bộ những sản phẩm được bán trên sàn, chủ sàn phải nắm được quy chế, đưa ra những quy chế để quản lý trên sàn. Tuy nhiên, công tác hậu kiểm rất khó. Việc quản lý bán thuốc online sẽ không dễ khi mỗi ngày có số lượng thuốc khổng lồ được tiêu thụ. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng phải tăng cường lực lượng để kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thuốc, để bảo vệ người bệnh.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/ban-thuoc-online-quan-ly-the-nao--i751750/