Bản tin 15/5: Bao giờ thí sinh ký xác nhận thông tin đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trên phiếu?
Thời điểm thí sinh ký xác nhận thông tin đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; Dự báo tuần tới miền Bắc nắng nóng đỉnh điểm... là các tin nổi bật.
Bao giờ thí sinh ký xác nhận thông tin đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trên phiếu?
Theo Chính Phủ, ngay sau khi kết thúc đăng ký thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT và các trường nơi thí sinh đăng ký dự thi rà soát, kiểm tra, chỉnh sửa thông tin của thí sinh cho chính xác (nếu có) và được triển khai từ ngày 14-19/5.
Sau đó, in danh sách thí sinh đã đăng ký trực tuyến, kiểm tra lần cuối và cho thí sinh ký xác nhận thông tin đăng ký dự thi trên phiếu và danh sách, hoàn thành chậm nhất ngày 22/5; tiếp tục kiểm tra và kiểm tra chéo thông tin thí sinh và kết thúc chậm nhất 25/5.
Đối với thí sinh đã đăng ký thi tốt nghiệp THPT: cùng với trường nơi đăng ký dự thi kiểm tra lại thông tin trước khi ký xác nhận vào phiếu và danh sách để kết thúc việc đăng ký. Tập trung vào ôn thi để đạt kết quả cao nhất cho kỳ thi diễn ra từ 27 - 29/6.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, đến 17h ngày 13/5 có tổng số 1.025.166 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến chiếm 94,51%; số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp chiếm 5,49%.
Trong tổng số thí sinh, thí sinh tự do chiếm 4,71% (48.309 thí sinh); thí sinh chỉ xét tốt nghiệp chiếm 7,14% (73.232 thí sinh); thí sinh chỉ xét tuyển sinh chiếm 3,34% (34.203 thí sinh); thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh chiếm 89,52% (917.731 thí sinh).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến. Theo đó, thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023 thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến 100% trên Hệ thống Quản lý thi. Đối với thí sinh tự do, thực hiện đăng ký dự thi trực tiếp tại Đơn vị đăng ký dự thi do sở GD&ĐT quy định.
Nam thanh niên 17 tuổi nhập viện với cánh tay "rỗ như tổ ong"
Theo Vietnamnet, nam bệnh nhân 17 tuổi quê Hà Nam, được đưa đến Bệnh viện Tim Hà Nội khám, được chẩn đoán bị dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh. Bệnh lý xảy ra khi có sự bất thường trong nối thông giữa động mạch và tĩnh mạch. Cánh tay trái của bệnh nhân biến dạng, do các khối u máu xuất hiện.
Trước khi đến viện này, gia đình đưa bệnh nhân đến nhiều cơ sở khác, có nơi nói trẻ bị u máu, có nơi chẩn đoán giãn tĩnh mạch tay. Nhưng điểm chung là bác sĩ đều bảo bệnh của bé chưa chữa được, cứ nuôi con lớn, chờ đoàn chuyên gia nước ngoài thì đưa trẻ đến.
Do máu không lưu thông được, tay của trẻ nổi u trông như hạch. Cánh tay trái dị dạng, lại yếu, đau, tức, bệnh nhân luôn duy trì trạng thái để xuôi xuống.
Lần đưa con quay lại Bệnh viện Tim Hà Nội này, mẹ bệnh nhân rất mừng khi biết bệnh của con đã có thể can thiệp được.
Nhận định đây là ca bệnh phức tạp, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết hình ảnh chụp cắt lớp điện toán đa lát cho thấy cánh tay trái của bệnh nhân rỗ như tổ ong. Bệnh nhân bị hạn chế hoạt động, tay trái yếu, bị chèn ép thần kinh.
Nếu phẫu thuật, bác sĩ chỉ có cách cắt cụt tay cho nam bệnh nhân, rất thiệt thòi rất lớn với ca bệnh trẻ tuổi. Nhưng nếu không can thiệp, bệnh nhân phải sống chung với cơn đau, thậm chí có thể suy tim, chảy máu trong cơ, hình thành huyết khối gây biến chứng nhiễm trùng, chảy máu, tắc mạch, nặng hơn nữa sẽ phải cắt cụt chi.
Để tìm ra phương án tối ưu, các bác sĩ Việt Nam hội chẩn với đồng nghiệp từ Singapore. Trong lần can thiệp đầu tiên, các bác sĩ dùng keo, hóa chất để bít, khu trú dần các tổn thương, tiêm xơ các búi mạch. Điều này sẽ bảo tồn và phục hồi chức năng của chi, tránh biến chứng.
Tuy nhiên, tổn thương trên cánh tay bệnh nhân quá nhiều, bác sĩ dự kiến bệnh nhân phải cần 5-7 lần can thiệp nữa mới hy vọng chữa lành.
Dị dạng động tĩnh mạch (Arteriovenous Malformation - AVM) là những bất thường mạch máu bẩm sinh. Bệnh hay gặp ở hệ thống thần kinh trung ương nhưng cũng có thể gặp ở mọi vị trí trong cơ thể như não, lách, phổi, thận, tủy sống, gan, khoảng gian sườn, mắt, thừng tinh...
Triệu chứng của bệnh thay đổi tùy theo vị trí, kích thước, lưu lượng dòng chảy và các biến chứng. Các biểu hiện thường gặp nhất bao gồm:
Đau đầu, động kinh với tính chất tùy thuộc vào vị trí tổn thương dị dạng và từng bệnh nhân.
Người bệnh có thể bị hạn chế vận động và phối hợp động tác. Cụ thể như yếu, liệt; chóng mặt; nói khó; rối loạn cảm giác (tê cóng, ngứa, đau); rối loạn trí nhớ (ảo giác, lẫn lộn, mất trí nhớ).
Bệnh không liên quan đến yếu tố giới tính, di truyền, chủng tộc và môi trường, thường gặp ở lứa tuổi 20-40.
Dự báo tuần tới miền Bắc nắng nóng đỉnh điểm
Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, từ khoảng cuối tháng 5/2023, nền nhiệt độ có xu hướng cao hơn từ 0,5- 1,0 đô C so với trung bình nhiều năm, số ngày nắng nóng cũng gia tăng tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua ở Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực phía Bắc Tây Nguyên đã có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 12-5 đến 7 giờ ngày 13-5 có nơi trên 70 mm như: Vĩnh Kim (Quảng Trị) 99,6 mm, Pmore (Gia Lai) 129,2 mm, Ea Sol (Đắk Lắk) 77,4 mm,...
Dự báo ngày 14-15/5, khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to; khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và Tây Nguyên có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to đến rất to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Từ 17/5 một đợt nắng nóng mới sẽ bắt đầu ở các tỉnh Trung Bộ và Bắc Bộ. Trong đó Bắc Trung Bộ dự báo sẽ là tâm điểm của đợt nắng nóng sắp tới. Nhiệt độ cao nhất ở Bắc Trung Bộ có thể đạt 41-42 độ ở điểm vùng núi, ven biển cao nhất từ 39-40 độ. Còn với Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ nhiệt độ cao nhất có thể đạt 38-40 độ.
Cụ thể miền Bắc từ đầu tuần tới nhiệt tăng dần. Thứ 2 và 3 (ngày 15-16/5), nhiệt tăng nhẹ từ 24-36 độ C. Từ thứ 4 (ngày 17/5), nắng nóng bắt đầu lan rộng với nhiệt cao đến 38 độ C, có nơi cao đến 40 độ C.
Đặc biệt sau đợt nắng nóng đầu mùa có cường độ khá gay gắt, rồi ngày mưa dông ào ạt, Thủ đô Hà Nội đang trải qua những ngày trời tạnh ráo, mát mẻ, dễ chịu. Tuy nhiên, trạng thái thời tiết đẹp như vậy khả năng sẽ không kéo dài thêm quá lâu, khi dự báo một đợt nắng nóng gay gắt (thậm chí đặc biệt gay gắt) diện rộng xuất hiện. Đợt nắng nóng dự kiến mở màn vào khoảng ngày thứ ba, thứ tư tuần sau (16-17/5) và khả năng kéo dài đến ít nhất là cuối tuần.
Theo cơ quan khí tượng, đặc điểm của đợt này là vùng thấp nóng sẽ có tâm này ngay trên khu vực Đông Bắc Bộ, đồng thời mở rộng rãnh thấp về phía đông-đông bắc nên sẽ kéo gió phơn lên tấn công sang đến đến Đồng bằng Bắc Bộ. Nhiệt độ cao nhất ở Hà Nội dự báo 38-40 độ C, không loại trừ có điểm xấp xỉ 41 độ C.
Trung Bộ trong 3 ngày tới trời ít mưa, ngày nắng. Từ 17-19/5 khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, chiều tối có mưa dông cục bộ; từ Khánh Hòa đến Bình Thuận ít mưa, ngày trời nắng. Tây Nguyên và Nam Bộ từ nay đến 17/5 có trạng thái ngày nắng, chiều tối xuất hiện mưa rào và giông. Ngày 18-19/5 các khu vực này ban ngày nắng gián đoạn, chiều và tối mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Cơ quan khí tượng cho biết, trong điều kiện El Nino nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Bắc. Trong điều kiện có ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhất là các đợt El Nino mạnh có thể gây ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ở nhiều nơi.
Trong điều kiện El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trong cả nước, phổ biến từ 25 đến 50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ). Đáng chú ý là, một số đợt El Nino đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h và số tháng liên tục hụt mưa ở một số nơi, cho thấy El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.
Trúc Chi (t/h)